(GLO)- Sáng 12-12, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Hội Nông dân tỉnh đối thoại trực tiếp kết hợp trực tuyến với hơn 400 hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Võ Anh Tuấn và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phạm Thị Lan.
Kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp
Trước khi tổ chức hội nghị, Hội Nông dân tỉnh đã nhận được 64 câu hỏi của hội viên nông dân gửi tới lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan. Các câu hỏi tập trung vào 5 nhóm vấn đề chính: giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ vốn ưu đãi; cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp; đất đai; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, môi trường.
Tại hội nghị, với tinh thần thẳng thắn, dân chủ và cởi mở, nhiều ý kiến cho rằng: Ngành chức năng cần tiếp tục định hướng cho nông dân trong việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, tránh tình trạng lặp đi lặp lại chu trình “chặt-trồng”, “trồng-chặt”; có biện pháp hỗ trợ, cung cấp thuốc phòng ngừa, điều trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi... Ông Ksor Nâm (xã Kim Tân, huyện Ia Pa) nêu ý kiến: Việc khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất mở rộng sang trồng rừng là hướng đi có ý nghĩa thực tế quan trọng. Tuy nhiên, các cấp, các ngành cần hướng dẫn cụ thể hơn nên trồng cây gì, kỹ thuật trồng ra sao, đầu ra có triển vọng hay không?
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Anh Huy |
Đối với nhóm vấn đề về cơ chế, chính sách, hội viên nông dân kiến nghị tỉnh cần có những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, giá vật tư nông nghiệp tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất; cần siết chặt quản lý chất lượng vật tư, phân bón phục vụ sản xuất; hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản; thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác; hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho lao động nông thôn; có chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số... Ông Nguyễn Văn Nhã-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ dân phố 3 (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cho hay: “Phân bón, thuốc trừ sâu giả làm ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng và tạo nên nhiều hệ lụy về sau. Vì vậy, cần sớm có giải pháp khắc phục, xử lý tình trạng này”.
Còn ông Ksor Ner (xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) thì đề nghị cần có chính sách về giao đất, giao rừng phù hợp với đặc tính kinh tế, môi trường, năng lực và trình độ của đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông lâm kết hợp tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt để có cuộc sống ổn định hơn.
Nông dân xã Ia Hla (huyện Chư Pưh) thu hoạch cà phê. Ảnh: Anh Huy |
Với các vấn đề về nguồn vốn, đất đai, nông thôn, môi trường, hội viên nông dân đề nghị các cấp, các ngành xem xét thủ tục cấp, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong lĩnh vực lâm nghiệp; quan tâm công tác quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp; quản lý thị trường bất động sản, giá đất trên địa bàn; các ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi với lãi suất thấp cho nông dân; Nhà nước cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất, tăng hạn mức cho vay; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng kênh mương thủy lợi, giao thông nông thôn, xử lý rác thải, nước thải... Ông Quất Quang Thắng-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Thống nhất (xã Ia Din, huyện Đức Cơ) cho rằng: Cần có cơ chế quản lý chặt chẽ việc mua bán đất ở, đất sản xuất để tránh tình trạng người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số bán hết đất dẫn đến tái nghèo. Còn ông Vũ Tố Như (xã Ia Din, huyện Đức Cơ) đề nghị quan tâm xây dựng mạng lưới điện 3 pha cho các vùng sản xuất nông nghiệp.
Phải giải quyết hiệu quả kiến nghị chính đáng của nông dân
Sau khi lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của nông dân, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã có những giải đáp cụ thể và cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích về cơ chế, chính sách hỗ trợ hội viên nông dân trong phát triển sản xuất kinh doanh.
Giải đáp thắc mắc của ông Ksor Nâm, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Trên cơ sở các thông tư, văn bản của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp, Sở đã có văn bản về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp và thực hiện kế hoạch trồng rừng. Theo đó, các địa phương, đơn vị cần lựa chọn loài cây, giống cây phù hợp với từng khu vực sinh thái và loại rừng; nên trồng rừng bằng loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, có giá trị kinh tế, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày.
Liên quan đến công tác quản lý hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh: Hàng năm, UBND tỉnh đều có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định. Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng vật tư nông nghiệp có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng và chỉ nên mua vật tư nông nghiệp tại các cơ sở sản xuất kinh doanh uy tín, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh.
Đối với ý kiến của ông Ksor Ner, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay: Tỉnh đang triển khai thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng. Trong đó, năm 2021 huyện Chư Pưh đã triển khai giao rừng cho 54 hộ với diện tích là 1.278,97 ha; năm 2022 giao cho 40 hộ với tổng diện tích 1.029 ha. Giao rừng gắn liền với giao đất là một trong những chính sách nhằm cải thiện, nâng cao đời sống người dân. Thời gian tới, khi có thông báo của xã, huyện về công tác giao rừng, gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia đăng ký nhận rừng để được hưởng quyền lợi theo Luật Lâm nghiệp.
Giải đáp kiến nghị của các hội viên nông dân về vấn đề đất đai, ông Trần Quốc Khánh-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 5-5-2021 về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản và giá đất trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nội dung giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh-kiểm tra về giá đất trên địa bàn, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi đẩy giá đất lên cao bất hợp lý. Địa phương nào để xảy ra tình trạng giá đất lên cao bất hợp lý thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố phải kiểm tra, xử lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Về việc xây dựng mạng lưới điện 3 pha cho các vùng sản xuất nông nghiệp, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai Võ Ngọc Quý thông tin: “Hàng năm, từ nguồn vốn Tổng Công ty Điện lực miền Trung phân bổ, Công ty Điện lực Gia Lai ưu tiên đầu tư lưới điện để đảm bảo cung cấp điện phục vụ an ninh chính trị và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và huyện Đức Cơ nói riêng. Lưới điện hiện tại cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của người dân trên địa bàn huyện. Hiện tại, Điện lực Đức Cơ đang tập trung vốn để đầu tư xây dựng các hạng mục tại khu dân cư do địa phương quy hoạch giãn dân, chống quá tải lưới điện và xử lý các vị trí mất an toàn. Đơn vị sẽ từng bước đầu tư hoàn thiện lưới điện tại các khu vực còn lại sau khi Tổng Công ty Điện lực miền Trung bố trí được nguồn vốn”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Anh Huy |
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm những vấn đề đã trao đổi, thống nhất trong buổi đối thoại để giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị chính đáng của hội viên nông dân.
Nhằm tiếp tục phát huy vai trò của người dân tham gia góp ý xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hoạt động đối thoại trực tiếp với người dân để có những giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành của cơ quan, đơn vị mình. Hội Nông dân các cấp cần chủ động bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và Hội cấp trên; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai các hoạt động, phong trào của Hội gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của địa phương; thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng, đời sống của cán bộ, hội viên để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và có biện pháp giải quyết ngay từ cơ sở.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cán bộ, hội viên nông dân nghiêm túc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia sinh hoạt và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Mỗi hội viên cần phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của tỉnh.
ANH HUY