Ia Mơr là xã biên giới phía Tây Nam của huyện Chư Prông có 27,6 km đường biên giới giáp với Campuchia. Xã hiện có 6 thôn, làng (3 làng đặc biệt khó khăn là Klăh, Khôi, Krông) với 746 hộ/3.215 khẩu, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 84%. Những năm qua, được sự quan tâm của nhà nước, hệ thống đường giao thông nông thôn của xã dần được đầu tư hoàn thiện giúp người dân đi lại, giao thương thuận lợi. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã nhờ có công trình thủy lợi Ia Mơr giúp người dân phát triển sản xuất nâng cao năng suất cây trồng. Hàng năm, tổng diện tích gieo trồng của xã đạt khoảng 2.245 ha. Trong đó có khoảng 200 ha lúa nước, 570 ha mì, 120 ha bắp, còn trên 745 ha là các loại cây trồng khác... Hiện toàn xã còn 97 hộ nghèo/365 khẩu, chiếm tỷ lệ 15,28%; 90 hộ cận nghèo/406 khẩu, chiếm tỷ lệ 14,17%; thu nhập bình quân đầu người được 19 triệu đồng/năm.
Hệ thống kênh mương thủy lợi Ia Mơr được đầu tư đến từng cánh đồng giúp người dân làm được lúa nước 2 vụ và chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao hơn. Ảnh: Lê Nam |
Ông Rơ Mah Tuyt (làng Klăh) cho hay: “Trước đây tôi cũng làm lúa 2 vụ nhưng vụ Đông Xuân thường thiếu nước cuối vụ, có năm hạn hán thì coi như mất mùa. Giờ đây nhờ có kênh mương thủy lợi dẫn nước về tận cánh đồng nên gần 1 ha lúa nước của gia đình đã sản xuất 2 vụ/năm. Mỗi vụ lúa gia đình thu hoạch được khoảng 6 tấn. Sau khi trừ chi phí đầu tư mỗi năm cũng lãi hơn 40 triệu đồng ”-ông Rơ Mah Tuyt nói.
Ông Siu Thọ-Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Klăh-cho biết: Làng Klăh có 182 hộ với 849 nhân khẩu, toàn bộ là người Jrai. Khoảng 2-3 năm trở lại đây, một số bà con trong làng đã tận dụng nguồn nước dồi dào, làm thêm lúa vụ thứ 2. Thêm vào đó là ngành nông nghiệp huyện phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con canh tác và sử dụng giống lúa mới nên năng suất tăng cao hơn 1-2 tấn/ha so với giống lúa 6 tháng truyền thống. Trong làng hiện còn 36 hộ nghèo/148 khẩu, 29 hộ cận nghèo/134 khẩu. “Gia đình mình cũng có 7 sào ở cánh đồng này và trồng lúa nước được 2 vụ. Mỗi vụ cũng thu hoạch được hơn 4 tấn, trong đó một phần để lại gia đình ăn, còn lại bán để lấy tiền trang trải cuộc sống”-ông Thọ vui vẻ nói.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số: Nhiều mô hình hiệu quả
Đổi thay ở xã Uar
Đến xã Ia Mơr hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận ra sự đổi thay trong cuộc sống của người dân. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Ksor Thăng-Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Krông-phấn khởi cho biết: Gần 100% đường nội làng đã được nhà nước đầu tư làm bê tông giúp người dân đi lại thuận tiện, các cháu nhỏ đi học không còn cảnh trên đường lầy lội vào mùa mưa, việc chăm sóc sức khỏe người dân được tốt hơn. “Cuộc sống người dân cũng từ bước được nâng lên. Hiện nay, trong làng còn 21 hộ hộ nghèo/72 khẩu (chiếm 23,8%), 12 hộ cận nghèo/63 khẩu (chiếm 13,6%). Thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cây trồng để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, hộ khá vươn lên thành hộ giàu”-ông Thăng chia sẻ.
Từ các nguồn vốn của nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giúp bộ mặt nông thôn Ia Mơ đang khởi sắc từng ngày. Ảnh: Lê Nam |
Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr Lê Ngọc Hiền-cho biết: Trường, trạm khang trang cơ bản tốt đáp ứng nhu cầu học tập của con em và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; điện, đường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của người dân. Công trình thủy lợi Ia Mơr đã đánh thức vùng biên giới khô khát một thời thành cánh đồng trù phú góp phần từng bước nâng cao thu nhập trong sản xuất. Không những vậy, người dân nơi đây cũng có bước chuyển biến mới trong chăn nuôi, nhiều hộ đã biết chăn nuôi bò với qui mô lớn, một số hộ đã tổ chức chăn nuôi theo tổ để giảm công lao động.
“Năm 2024, địa phương tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích đưa khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất chuyên sâu, bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 2024, giảm tỷ lệ hộ nghèo là 10,85%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 10,72%”-Phó Chủ tịch UBND xã thông tin thêm.