Độc đáo sản phẩm OCOP Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Huyện Krông Pa có điều kiện địa lý hết sức độc đáo, không giống với hầu hết các địa phương khác trong tỉnh Gia Lai. Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp của Krông Pa cũng mang tính độc đáo riêng, khó lẫn với cùng loại sản phẩm của các địa phương khác.

Từ điều kiện thiên nhiên

Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Trong quá trình trao đổi chất của con bò, có 2 nguyên tố hết sức quan trọng là Kali và Natri. Trong khi qua nghiên cứu cho thấy, đồng đất Krông Pa chứa hàm lượng Kali tự nhiên rất cao nên khả năng trao đổi chất của bò ở đây rất tốt, mắn đẻ, chịu được kham khổ… “Ngay cả 2 địa phương liền kề là thị xã Ayun Pa hay huyện Sơn Hòa của tỉnh Phú Yên, điều kiện địa lý cũng không được như huyện Krông Pa. Tuy cũng có đàn bò đông đúc, nhưng nói về chất lượng thịt thì khó mà bì được với bò Krông Pa”-ông Duyên khẳng định.

Bên cạnh những điều kiện trên thì Krông Pa sở hữu trên 700 ha cỏ trồng và khoảng 24.000 ha đồng cỏ tự nhiên, chưa kể khoảng 160.000 ha thảm cỏ dưới tán rừng. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để địa phương phát triển đàn bò theo hướng bền vững. Theo đó, Krông Pa đang sở hữu đàn bò lớn nhất vùng Tây Nguyên (so cùng đơn vị hành chính cấp huyện) với khoảng 63.000 con, trong đó có khoảng 25.000 con bò lai.

 Chế biến đặc sản thịt bò một nắng Krông Pa-sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu OCOP của tỉnh bằng hệ thống năng lượng điện. Ảnh: Lê Hòa
Chế biến đặc sản thịt bò một nắng Krông Pa-sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu OCOP của tỉnh bằng hệ thống năng lượng điện. Ảnh: Lê Hòa



Chính những điều kiện trên đã làm nên thương hiệu bò Krông Pa với thớ thịt đỏ tươi, thịt thơm. “Thịt bò Krông Pa ngon nhất là vào dịp cuối năm. Bởi đây là thời điểm chồi non, lộc biếc nơi đây tích lũy được. Thịt bò vào mùa này rất mềm, thớ thịt có màu đỏ tươi, khi ăn vào thì có mùi thơm hết sức quyến rũ”-ông Duyên cho biết.

Đến sản phẩm OCOP

Khi nhắc tên Krông Pa, nhiều người nghĩ ngay đến sản phẩm thịt bò một nắng. Bò một nắng Krông Pa không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà đã có mặt ở khắp cả nước. Sau mỗi chuyến công tác hay du lịch ở Gia Lai, ngoài một số mặt hàng đặc trưng, nhiều người vẫn không quên mua vài ký thịt bò một nắng mang về làm quà. Krông Pa từng được nhắc đến với cái tên “chảo lửa”, bởi thời tiết ở đây vô cùng hanh khô. Theo khảo sát của các chuyên gia, số giờ nắng trong năm ở đây đạt khoảng 1.700 giờ. Bò nhiều, nắng nhiều nên từ hàng chục năm nay, người dân nơi đây đã nghĩ ra cách làm thịt bò một nắng. Ban đầu chỉ đơn giản là để dành ăn dần, sau đó đã trở thành đặc sản.

 


Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: “Bên cạnh những cá nhân cũng như sự giúp đỡ của chính quyền địa phương thì rất cần tổ chức, doanh nghiệp vào cuộc nhằm đẩy mạnh thương hiệu các sản phẩm được chứng nhận OCOP. Một mình người dân rất khó làm nên tên tuổi sản phẩm, càng khó hơn khi làm cho sản phẩm đó có tên tuổi trên thị trường”.

Chị Đinh Thị Hậu-chủ cơ sở sản xuất bò một nắng Tuấn Hậu (thị trấn Phú Túc) cho biết: Bò một nắng Krông Pa được làm từ phần thịt đùi-phần thịt ngon nhất của con bò. Sau khi tẩm ướp gia vị, đem phơi nắng một ngày là được. Khi ăn, lấy miếng bò nướng trên bếp than hồng, đến khi vừa ngửi được mùi thơm là ăn được. Nướng kỹ quá miếng thịt bò sẽ dai, khó ăn, đặc biệt sẽ bị mất vị ngọt của thịt. Bò một nắng Krông Pa chấm với muối kiến vàng. Khi bán cho khách 1 kg bò một nắng thì kèm thêm một hộp nhỏ bằng nắm tay trẻ em đựng muối kiến vàng.

Bên cạnh bò, Krông Pa còn có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng khác như: hạt điều, heo địa phương, gà, thuốc lá… Tính đến cuối năm 2021, huyện Krông Pa đã có 10 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, chủ lực vẫn là bò một nắng: Tý Vân, Nguyệt Viên, Tuấn Hậu, Đức Mười. Ngoài ra còn có các sản phẩm nông nghiệp khác của huyện được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP như: thịt heo ba chỉ một nắng Tý Vân, heo ba rọi một nắng Nguyệt Viên, hạt điều rang muối Hưng Lê…

Chỉ riêng năm 2021, Krông Pa đã có 4 sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 3 sản phẩm từ bò, một sản phẩm khác là hạt điều rang muối Hưng Lê.

 

 TRẦN BÌNH ĐỊNH
 

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.