Thạc sĩ Phan Thị Nga-Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Gia Lai và đại diện các khoa, phòng tham dự buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Phan Thị Nga cho biết: Trường Chính trị tỉnh Gia Lai không chỉ là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức mà còn là nơi tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị-hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý Nhà nước cùng một số lĩnh vực khác.
Đặc biệt, trong đào tạo, bồi dưỡng, Trường Chính trị tỉnh đã có sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, đặc thù địa bàn, để học viên có thêm kỹ năng xử lý tình huống, khả năng chủ động phòng ngừa các tình huống chính trị-xã hội từ sớm, từ xa; góp phần hạn chế việc xảy ra “điểm nóng”, “xung đột” lớn tại cơ sở.
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cũng đề xuất Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu về chương trình (có giáo trình riêng) để giúp đơn vị bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, nhất là những người gần dân, sát dân trong việc bám nắm địa bàn như: người đứng đầu các tổ chức chính trị-xã hội, già làng, trưởng thôn…
Kết luận buổi làm việc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Ánh Tuyết đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm và sự chuẩn bị chu đáo của tỉnh Gia Lai và Trường Chính trị tỉnh trong suốt quá trình khảo sát tại tỉnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Ánh Tuyết cũng khẳng định, những chia sẻ của nhà trường và các cấp quản lý trong đợt khảo sát này sẽ là dữ liệu quan trọng để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có những nghiên cứu, báo cáo kiến nghị trực tiếp, sát với thực tế trong xây dựng chính sách đối với tỉnh Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung trong thời gian đến.