Tây Nguyên không có sự phân định rõ rệt bốn mùa, chủ yếu chỉ hai mùa mưa-nắng. Nhưng cũng chỉ Tây Nguyên mới có mùa lễ tết kéo dài hàng tháng, miên man với các sinh hoạt cộng đồng tưng bừng, độc đáo. Trong không gian kết nối đó, con người nồng nàn, đắm đuối với nhau, với thần linh và bao la đất trời...
Trình diễn cồng chiêng trong lễ bỏ mả
Hương xuân khác lạ
Khi lúa rẫy gặt xong về đậu trong chòi, nắng bắt đầu vàng trên những đồi nương, không khí hanh hanh quyện vào cái xiên xiết lạnh, Tây Nguyên tưng bừng mở hội, bắt đầu đón năm mới trong mùa “ăn năm, uống tháng”.
Trong mỗi lời kể của trưởng buôn A Nít (buôn Đing, xã Ea H’đing, huyện Cư Mgar), tôi đều như nghe thấy tiếng chiêng, hương rượu cần phảng phất, thấy từng nhịp chân theo những vòng xoang, thấy mùa màng no ấm. Đối với đồng bào bản địa sống trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ, thì với họ tết đúng nghĩa nhất đó là lễ hội mừng lúa mới. Họ hầu như không ăn tết Nguyên đán bởi tết lúa mới vào khoảng cuối tháng 12 âm lịch hàng năm, gần với Tết Nguyên đán. Đồng bào Xê Đăng lại có hẳn 2 tết: tết lửa và tết nước, hai vị thần của mùa màng và sự sống. Tết lửa là tết cơm mới, mừng mùa gặt mới, thường được tổ chức vào những ngày đầu tháng Một dương lịch. Tết nước là lễ cúng thần nước thường được tổ chức vào tháng Ba dương lịch.
Trong ký ức của ông A Nít, trước đây đến mùa Ning nơng (theo cách gọi của người Xê Đăng, là tháng không làm nông), đồng bào dân tộc nhiều vùng ở Tây Nguyên bỏ lại buôn làng để đi về rừng. Các già làng kể: người Xê Đăng còn giữ phong tục tắm gội nguyên thủy giữa mùa ăn năm, uống tháng. Dân làng cởi bỏ quần áo, để lại nhà tất cả những gì của thế giới văn minh rồi kéo nhau vào rừng theo già làng, sống đời sống nguyên thủy chừng gần nửa tháng. Mùa ning nơng bây giờ là mùa lễ hội kéo dài cả mấy tháng trời (gọi là mùa ăn năm, uống tháng), là cả cuộc trình diễn bản sắc độc đáo nơi bản làng núi rừng mênh mang.
Tây Nguyên mùa này không chỉ đẹp ở thị giác với những thảm màu lá hoa đa sắc trải lên những thảo nguyên mà còn là lễ hội của thanh âm cồng chiêng, đàn T’rưng, Goong… ngân xa đến các vị thần linh. Không gian tết Tây Nguyên với hừng hực những bếp lửa lớn, những xiên thịt khô nướng thơm lừng. Cả buôn làng quần tụ bên ché rượu cần đầy ắp dưới mái nhà rông. Mọi người thoải mái ăn uống, nhảy múa trong tiếng cồng chiêng huyền hoặc. Các điệu kể sử thi… hòa lẫn trong tiếng cồng chiêng thâu đêm suốt sáng.
Tây Nguyên mùa này không chỉ đẹp ở thị giác với những thảm màu lá hoa đa sắc trải lên những thảo nguyên mà còn là lễ hội của thanh âm cồng chiêng, đàn T’rưng, Goong… ngân xa đến các vị thần linh. Không gian tết Tây Nguyên với hừng hực những bếp lửa lớn, những xiên thịt khô nướng thơm lừng. Cả buôn làng quần tụ bên ché rượu cần đầy ắp dưới mái nhà rông. Mọi người thoải mái ăn uống, nhảy múa trong tiếng cồng chiêng huyền hoặc. Các điệu kể sử thi… hòa lẫn trong tiếng cồng chiêng thâu đêm suốt sáng.
Bà con buôn làng cùng nhau ăn uống trong lễ mừng lúa mới
Những sơn nữ mắt đen láy say sưa trong nhịp xoang, bên ngọn lửa bập bùng với từng lời ca “Lên cao nguyên đi anh. Chiều như mơ như thực. Hương cà phê thơm ngát. Khói lam chiều mênh mang… Lên cao nguyên với em. Hòa nhịp chiêng rộn ràng. Nối vòng dài mãi. Đêm rượu cần ngất ngây…”. Cứ thế họ xoay theo vòng xoang cho tàn đống lửa này thì đốt đống lửa khác, ai xoang cứ xoang, ai chiêng cứ chiêng, ai say cứ say...
Ăn tết ở nhà mồ
Mùa khô Tây Nguyên đẹp và lãng mạn. Trên đường về buôn, gió thổi qua đồi hoa quỳ vàng rực. Sóng dập dềnh trên những đám cỏ đuôi chồn. Một chùm hoa dại ven đường cũng đủ rủ rê tâm hồn du khách thành thi sĩ. Vào mùa này, đến bất kỳ buôn làng nào, càng ở vùng sâu vùng xa càng được dự những lễ hội tưng bừng nguyên bản.
Buôn đồng bào Gia Rai ở huyện vùng biên giới Ea Súp rộn ràng trong những ngày đầu mùa xuân. Già Y Phi Mjau vừa rít thuốc vừa cười xuề xòa rồi kể chuyện: Người Gia Rai sống dựa vào nương rẫy nên lễ tết cũng phải phụ thuộc vào vòng quay của mùa. Ngày xuân cũng là ngày làm lễ bỏ mả nhà mồ. Với người Gia Rai khi mùa màng thu hoạch xong, mùa mưa kết thúc từ tháng 11 năm trước đến hết tháng Tư dương lịch năm sau, là khi tổ chức lễ bỏ mả, ăn mừng vui chơi quanh nhà mồ. Đêm trước khi làm lễ bỏ mả, dân làng trong buôn nhộn nhịp chuẩn bị chiêng trống đến khu vực nhà mồ, đánh chiêng như để thức tỉnh hồn ma, thần linh cùng về ăn tết. Nhà mồ vốn hiu quạnh trở nên tưng bừng với rượu, thịt, ánh lửa bập bùng với những bài ca tiếng nhạc cổ truyền khua động núi rừng. Đây là một nghi lễ đặc biệt quan trọng trong nghi lễ vòng đời của người Gia Rai. Ở đó lửa bập bùng suốt đêm, là chiêng ngày nối ngày, rượu cần vơi lại đầy, trai gái dập dìu theo những vòng xoang. Quanh nhà mồ, những nghệ nhân mải mê tạc tượng gỗ cho người quá cố.
Với đồng bào Tây Nguyên, thế giới của người chết do một vị thần cai quản gọi là Yang Jũ. Chỉ sau khi làm lễ bỏ mả linh hồn được chết đi sống lại thêm 7 lần nữa, biến thành giọt sương đọng trên lá cây. Khi một đứa trẻ sinh ra, người ta lấy một cái bát ra hứng những giọt sương ở ngoài vườn hoặc trong rừng về làm lễ đặt tên cho đứa trẻ. Lễ bỏ mả là dịp vui mừng để hồn người chết còn quanh quẩn người sống sớm trở thành giọt sương để đầu thai lại làm người.
Ngày xưa người ta tổ chức lễ bỏ mả trong 7 ngày đêm nhưng nay chỉ còn 4 ngày đêm. Nghi thức này được xem như tiệc chung của cả làng. Người trong làng nhà nào có bò góp bò, có gì góp cái đó, nhà nghèo quá không có gì để góp thì cũng không sao. Mọi người cùng quây quần nấu nướng đến tối khách các làng khác kéo đến chung vui đón tết. Lửa hội được đốt lên tại một khu đất trống giữa khu nhà mồ, già làng và các người có chức vị trong làng sẽ chủ trì và thực hiện nghi thức cúng. Họ thay mặt các con trong làng cầu chúc một năm mới an lành và mùa màng bội thu, cuộc sống yên ổn suốt năm. Xong phần nghi lễ mọi người cùng quây quần thành vòng tròn thưởng thức nồi cơm nóng hổi, vừa ăn vừa uống rượu cần.
Các đôi trai gái dìu nhau vào vòng xoang, nhún nhảy nhịp nhàng theo tiếng chiêng, bước chân nhẹ nhàng, lắc hông uyển chuyển, những vòng tay mềm mại đung đưa. Cảm giác lâng lâng rạo rực, ánh mắt nhìn nhau đã tỏa men, núi rừng như nghiêng ngả.
Mùa xuân trên Tây Nguyên đầy ắp nắng vàng, ngăn ngắt trời xanh và gió lộng. Rải rác trên những triền đồi, nương rẫy cà phê bắt đầu trổ hoa trắng muốt, mùi thơm dịu khiến không gian thêm thấm đượm ân tình.
Theo cán bộ văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Đắk Lắk, với cư dân bản địa Tây Nguyên, ngày tết mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, và ở đó chứa toàn bộ vốn sống của đồng bào về nhân sinh quan thế giới quan, những phong tục tập quán tín ngưỡng được trao truyền từ đời này qua đời khác. |
Nguyễn Thảo (TP)