Mùa này Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mùa này, gió cứ miệt mài thổi. Trong những cơn ào ạt ấy, lớp mịn rây rây túa đi muôn nơi, nơi nào gió qua cũng để lại dấu vết của mình cứ như là lưu luyến lắm. Bụi đỏ, thứ bụi đặc trưng không lẫn vào đâu được của vùng đất bazan mỗi năm chỉ có hai mùa. Đã mưa thì mưa chẳng thấy mặt trời. Mà hanh khô thì cũng quắt queo cả lá trên cây.
Nhìn những đám lá vàng chạy lăng xăng trên sân trường rồi bỗng cuộn mình làm xiếc trên không, sau đó ồ ạt thảy mình xuống nền xi măng cứng mà thấy xác xơ theo lá. Chợt thương những nhánh khô gầy đang cố níu giữ điều gì rất đỗi mong manh. Giữ làm sao được khi gió Tây Nguyên dường như đã trở thành “thương hiệu”? Ai đó đã ví những cơn gió nối đuôi nhau như những đàn ngựa tung hoành, kể ra cũng không sai. Gió lồng lộng tứ bề cứ như có thể thổi tung tất cả trên mọi cung đường. Cỏ cây và cả con người dường như cũng khô đi vì gió.
Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương
Mùa này, tôi thương cha và những người nông dân chọn cà phê để gửi gắm niềm tin. Đây là khoảng thời gian thu hái sau một năm ròng vất vả nhọc nhằn. Hái được từng chùm quả chín đỏ trong nắng gió bụi mù đã là tất thảy sự cố gắng, nhưng để giữ được sản phẩm của mình sau khi thu hái có khi phải bằng những đêm trắng. Con đường vào rẫy cách xa phố thị. Ở những khoảng sân phơi là những chiếc võng bạt, những túp lều dựng vội để đêm đêm người ngủ lại cùng cà. Pleiku càng về khuya nhiệt độ càng giảm. Đất lạnh, gió lạnh, người co ro cuộn mình trong võng, hoặc cong mình để chống lại những khắc nghiệt của thiên nhiên. Thương đến thắt lòng.
Mái tôn trên nhà dường như đã lỏng dần đinh ốc. Đêm nằm nghe gió thốc và tiếng tôn va vào nhau mà lại thương mình. Thương cả những ngôi nhà giông giống nhà mình. Chợt nghĩ, an cư lạc nghiệp, ông bà đã nói không sai. Những lúc ấy chỉ nghĩ, gió ơi, thôi đừng thổi nữa, đêm đã muộn lắm rồi. Lại chạnh lòng khi nghĩ đến những căn nhà tuềnh toàng xiêu lệch ở làng xa. Dễ hồ chỉ cần vài cơn lốc thì có lẽ cũng khó nhận ra đó từng là chốn đi về của những mảnh đời cơ cực. Nhưng những con người nơi đây vẫn bám đất bám làng, để mỗi năm khi những đợt mưa dầm vừa ngớt thì lại tiếp tục trân mình đón mùa gió trở về. Gió gần như là một phần trong đời sống mà con người chẳng thể nào chối bỏ.
Những người có tâm hồn nhạy cảm, thường khi thấy những đám lá khô lại nghĩ đến một khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên. Có lẽ đó là những lúc lòng mình chùng lại, bỏ qua hết những bộn bề đua chen chỉ để dừng lại ngắm những chiếc lá chạy tung tăng trên đường. Chỉ vậy thôi mà đã thu hết cả mùa lá rụng về lưu lại trong lòng. Chỉ thương cho những chị lao công đêm ngày quét lá. Những nhát chổi vừa dứt, chưa kịp với tay quệt mồ hôi trán, qua một cơn gió thì những đám lá vàng đã ào ào rụng xuống. Không quét thì không được, mà quét thì biết đến bao giờ cho xong. Cuộc chạy đua với thiên nhiên bao giờ cũng làm cho sức người mệt nhoài.
Lại thương những đứa trẻ con bị bó mình trong những chiếc áo dày cộm, găng tay, khẩu trang kín mặt. Thương hơn nữa cũng là những đứa trẻ con nhưng chẳng có nổi một manh áo ấm tươm tất để chống chọi với mùa đông. Những cơn gió mang theo hơi rét buốt da buốt thịt khiến người lớn cũng xuýt xoa vì lạnh. Vậy tránh sao khỏi sự chạnh lòng trước những thiếu khó của những mảnh đời không may mắn. Những lúc ấy, chỉ ước mình có đủ đầy những gì có thể sẻ chia để chia sẻ chút ấm áp cho cuộc đời này.
Ngoài kia, gió vẫn thổi, lá vẫn tuôn và con người vẫn bộn bề xuôi ngược trước trăm nỗi lo toan. Lắng lòng một chút trước mùa gió, mùa lá rụng cũng là một cách để suy ngẫm những điều đã qua và đang tới. Mình vốn dĩ cũng thích Tây Nguyên mùa này đến lạ, nhưng cũng rất đề phòng nên lúc nào cũng sẵn áo ấm khăn len. Mùa này, nhớ giữ ấm cho mình, để lỡ có giây phút ngẫu hứng nào muốn chạy xe đến ngắm những con đường ngoại ô lộng gió thì cũng không phải co ro trước thiên nhiên!
 NGÔ THANH VÂN

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.