Điều tra văn bản "tiếp tay" cho Công ty địa ốc Alibaba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 11-12, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi vào cuộc làm rõ những sai phạm của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba) hoạt động trên địa bàn, xác định UBND huyện Long Thành đã ban hành bốn văn bản cho phép Công ty Alibaba thi công và thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật đường giao thông nông thôn.
 
Văn phòng trái phép của Công ty Alibaba tại xã Long Phước bị tháo dỡ sau khi Nguyễn Thái Lĩnh bị bắt.
Theo đó, trong tháng 8-2017, UBND huyện Long Thành đã ban hành bốn văn bản cho phép Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Alibaba thi công và thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật đường giao thông nông thôn tại bốn vị trí ở xã Long Phước.
Cụ thể, tại văn bản số 7100/UBND-KT ngày 18-8, UBND huyện Long Thành cho phép thi công và thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật đường giao thông nông thôn tại thửa đất số 185, 186, 206 tờ bản đồ số 61, xã Long Phước (Dự án Alibaba Long Phước 1).
Tiếp theo, ngày 21-8, UBND huyện Long Thành ban hành văn bản số 7163, cho phép thi công và thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật đường giao thông nông thôn tại thửa đất số 126, tờ bản đồ số 55, xã Long Phước (Dự án Alibaba Long Phước 8). Cùng ngày 21-8, UBND huyện Long Thành ban hành văn bản số 7164/UBND-KT cho phép thi công và thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật đường giao thông nông thôn tại thửa đất số 5, tờ bản đồ số 79, xã Long Phước (Dự án Alibaba 7).
Trước đó, ngày 17-8, UBND huyện Long Thành ban hành văn bản số 7082/UBND-KT về việc thi công và thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật đường giao thông nông thôn tại thửa đất số 651, 710, tờ bản số 67, xã Long Phước (Dự án Alibaba Long Phước 6) cho phép Phạm Nam Thắng (SN 1974), Phạm Văn Hải (SN 1982), cả hai cùng có hộ khẩu thường trú tại số 546C, đường Lê Đức Thọ, phường 7, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, Thắng và Hải không thi công mà chuyển toàn bộ khu đất trên cho Nguyễn Thái Lĩnh.
Việc UBND huyện Long Thành ban hành bốn văn bản trên được cho là đã “tiếp tay” cho Công ty Alibaba tiến hành vẽ dự án, rao bán đất nền nông nghiệp trái phép, lừa khách hàng. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, thời điểm trước khi Nguyễn Thái Lĩnh bị Bộ Công an bắt, chỉ riêng tại xã Long Phước, Công ty Alibaba có đến 20/29 dự án rao bán đất nền trên địa bàn Đồng Nai.
Trả lời phóng viên Nhân Dân điện tử, một lãnh đạo huyện Long Thành lý giải, địa phương ban hành các văn bản trên dựa trên Quyết định 25 ngày 20-4-2016 của UBND tỉnh Đồng Nai, về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh. Do các khu đất trên chỉ có quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xã nông thôn mới, chưa có quy hoạch các tuyến đường xóm, ấp nên khi có người hiến đất để làm đường theo quy định phải tiếp nhận: “Bốn trường hợp này đến xin hiến đất làm đường dựa theo Quyết định 25. Lúc đầu, UBND huyện không đồng ý tiếp nhận, nhưng họ khiếu nại lên tổng đài hành chính công 1022 cho rằng, huyện không tiếp nhận là sai luật. Sau đó, huyện buộc phải đồng ý tiếp nhận hiến đất làm đường đi, nhưng với điều kiện phải làm xong đường.
Đối với câu hỏi, thời điểm bấy giờ, địa phương có biết các đối tượng này mục đích chính hiến đất làm đường để tách thửa vẽ dự án, rao bán đất nên nông nghiệp không? vị lãnh đạo huyện Long Thành thẳng thắn: “Lúc bấy giờ, địa phương không hề biết, vì chưa có dấu hiệu gì vi phạm. Đến khi có các văn bản trên, Công ty Alibaba rầm rộ tổ chức các sự kiện giới thiệu dự án, rao bán đất nền nông nghiệp trái phép, thì chính quyền đã ngăn chặn bằng cách không cấp sổ”.
Được biết, một số cán bộ phòng ban và lãnh đạo UBND huyện Long Thành liên quan đến tham mưu, ký các quyết định trên đang thực hiện việc giải trình với các cơ quan chức năng.
Theo nguồn tin của phóng viên Nhân Dân điện tử, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc điều tra, làm rõ trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân liên quan đến việc ban hành bốn văn bản trên cho Nguyễn Thái Lĩnh, Phạm Nam Thắng, Phạm Văn Hải thi công và thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật.
Xử nghiêm cán bộ bao che

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng trong quá trình điều tra, nếu phát hiện có sự bao che của cán bộ, công chức, các cơ quan nhà nước cần xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Chủ tịch UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo rút kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, kinh doanh bất động sản khi đã để xảy ra vụ án trên địa bàn; nếu phát hiện có vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Thiên Vương (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.