(GLO)- Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi (làng Đak Trôk, xã Đak Yă, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) còn là chỗ dựa tin cậy của đồng bào Bahnar địa phương, hóa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, giữ gìn tình đoàn kết cộng đồng.
Sinh sống tại làng Đak Trôk từ nhỏ nên ông Srôi nắm chắc tình hình trong mỗi nếp nhà, thấu hiểu những khó khăn vất vả của người dân. Ông luôn trăn trở làm sao để giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cũng như giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, già làng Srôi (bìa trái) luôn đi đầu trong các phong trào tại địa phương. Ảnh: Hà Phương |
Trước đây, gia đình ông Srôi thuộc diện cận nghèo. 5 người trong gia đình sống phụ thuộc vào rẫy mì cằn cỗi và một ít đất trồng cà phê nên thu nhập thấp. Năm 2009, ông vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư cải tạo đất trồng gần 2 ha cà phê.
Ngoài trồng cà phê, ông còn nuôi dê, bò, gà để “lấy ngắn nuôi dài”. Hiện đàn bò của ông có 6 con, đàn dê 14 con và nhiều gia cầm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, ông thu gần 200 triệu đồng. Năm 2014, ông đã xây được ngôi nhà khang trang với kinh phí hơn 300 triệu đồng.
Trong 6 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi làng Đak Trôk, cùng với vai trò già làng, ông Srôi không thể nhớ hết đã tham gia hòa giải bao nhiêu vụ việc mâu thuẫn, xích mích, giúp hàn gắn tình cảm bao nhiêu gia đình. Nhờ được trang bị kiến thức về pháp luật, hiểu biết hương ước, phong tục tập quán của đồng bào Bahnar, lại mẫu mực trong lời nói việc làm nên ông đều hòa giải thành công các vụ việc mâu thuẫn trong gia đình, cộng đồng.
Trong các buổi họp làng, ông thường xuyên nhắc nhở dân làng cho con em đến trường, khi nào đủ tuổi mới được lập gia đình. Không chỉ dừng lại ở đó, già Srôi thường xuyên đến tận nhà vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, từ bỏ các tập tục lạc hậu.
Gia đình anh Thui (làng Đak Trôk) và gia đình bà Luận từng có xích mích, hiểu lầm. “Tôi mời già làng Srôi và tổ hòa giải đến giải quyết. Sau khi được phân tích kỹ càng, cân nhắc thiệt hơn, 2 bên gia đình đã hiểu rõ vấn đề, nhất trí không ai kiện ai, không để xảy ra điều tiếng. Tôi rất biết ơn già làng Srôi và tổ hòa giải”-anh Thui chia sẻ.
Để giúp bà con nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, ông Srôi thường xuyên đến từng nhà để vận động, tuyên truyền người dân không nghe, không tin kẻ xấu; thanh niên không uống rượu bia khi lái xe.
Nói về kinh nghiệm vận động quần chúng, già làng Srôi bộc bạch: “Ngoài việc phải có kiến thức nhất định về chính sách và pháp luật, tôi luôn làm gương và vận động gia đình chấp hành tốt quy định của Nhà nước để tăng sức thuyết phục đối với bà con trong làng. Kinh nghiệm cho thấy bà con chỉ tin và làm theo khi đã chứng kiến kết quả do mình làm được”.
Với những đóng góp tích cực, già làng Srôi được UBND huyện Mang Yang vinh danh tại hội nghị gặp mặt người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đó, ông Srôi được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư từ năm 2014 đến năm 2018; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen vì thành tích tiêu biểu thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên năm 2019.
HÀ PHƯƠNG