Điểm sáng xã hội hóa thể thao học đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau gần 3 năm triển khai công tác xã hội hóa thể dục thể thao (TDTT) học đường, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã gặt hái được nhiều thành tích nổi bật, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Gần 1 tỷ đồng xã hội hóa TDTT
Ngồi trong căn phòng truyền thống tại khu TDTT rộng gần 2.000 m2 của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, anh Khổng Tam Cường (tổ 4, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) nhớ lại: “Từ tháng 9-2019 trở về trước, không mấy người dám đặt chân vào khu này đâu. Lý do là ngoài cỏ mọc um tùm, rác rưởi thì còn có nhiều kim tiêm do người nghiện ma túy vứt lại. Hưởng ứng lời kêu gọi của nhà trường, tôi cùng anh Khuất Hữu Long và một số Mạnh Thường Quân đầu tư hơn 700 triệu đồng để cải tạo 1/2 diện tích khu đất này thành nơi tập luyện TDTT. Chúng tôi xây dựng nhà vệ sinh, phòng truyền thống và 2 sân bóng mi ni cỏ nhân tạo. Từ khi đưa vào hoạt động, đây là sân học thể dục của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, còn ngoài giờ thì chúng tôi dạy bóng đá cho trẻ em”.
Hồ bơi thông minh của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP. Pleiku). Ảnh: Thiên Di
Để phát huy hiệu quả của bể bơi thông minh, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP. Pleiku) thực hiện xã hội hóa hoạt động dạy và học bơi. Ảnh: Thiên Di

Sát phòng truyền thống là bể bơi thông minh có mái che, tường bao xung quanh. Chỉ tay về bể bơi, thầy Trương Tiến Sỹ-Hiệu trưởng nhà trường-giới thiệu: “Bể bơi do Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku kêu gọi tài trợ cho trường từ cuối năm 2020. Để phát huy hiệu quả của bể bơi, chúng tôi đã thực hiện xã hội hóa hoạt động dạy và học bơi. Theo đó, ngoài giờ học chính khóa, thầy Nguyễn Quang Đức-giáo viên dạy môn Thể dục còn dạy bơi có thu phí đối với học sinh của trường hoặc trường khác. Một phần tiền phí học bơi chi trả cho giáo viên trực tiếp dạy, phần còn lại để trả tiền điện bơm nước và hóa chất tẩy rửa bể”.

Cùng chúng tôi tham quan Nhà Thi đấu thể thao đa năng được xây dựng đối diện khu TDTT, thầy Sỹ cho biết thêm: “Chúng tôi bắt đầu triển khai công tác xã hội hóa TDTT học đường là từ đây. Cụ thể, năm 2018, sau khi được cấp trên phê duyệt chủ trương, nhà trường đồng ý để chị Phạm Thị Hồng Nga (tổ 4, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) tài trợ 200 triệu đồng sửa mái tôn, lót thảm nền nhà thi đấu và tổ chức dạy cầu lông có thu phí ngoài giờ học chính khóa của trường. Bên cạnh đó, hàng tháng, chị Nga tự trả tiền điện chiếu sáng và đóng cho Công đoàn nhà trường 1 triệu đồng để làm quỹ hoạt động. Riêng đầu năm nay, 1 vị phụ huynh đã tài trợ cho trường 4 thiết bị dạy môn bóng rổ”.
Nhà thi đấu đa năng của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP. Pleiku). Ảnh: Thiên Di
Nhà thi đấu đa năng của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP. Pleiku). Ảnh: Thiên Di
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku: Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi là một trong những đơn vị làm rất tốt công tác xã hội hóa TDTT học đường. Đây là điển hình để các đơn vị trường học khác ở TP. Pleiku học tập và làm theo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh; đồng thời góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT trong cộng đồng.

Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất

Chủ trương xã hội hóa TDTT học đường đã phát huy hiệu quả đối với công tác dạy và học ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. Hiệu quả rõ nhất đó là cảnh quan nhà trường trở nên sạch đẹp, khang trang. Dù đang trong dịp hè nhưng khuôn viên trường luôn sạch sẽ. Bên trong Nhà Thi đấu thể thao đa năng, thảm tập không một vết bẩn, dụng cụ tập được xếp gọn gàng. 
Một lợi ích thiết thực khác mà công tác xã hội hóa TDTT mang lại là Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành điểm sáng của tỉnh về hoạt động giáo dục thể chất. Đây là trường có câu lạc bộ bóng đá học đường đầu tiên ở TP. Pleiku. 2 năm gần đây, đội bóng đá nam của trường vươn lên tốp đầu khối tiểu học của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố. Tại giải bóng đá cụm liên trường tiểu học TP. Pleiku năm 2021, đội bóng nam của trường giành chức vô địch. Ngoài ra, 8 cầu thủ từng học ở trường được tuyển chọn vào các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp trong nước. Điển hình là các em Trần Hoàng Sang, Bùi Quang Phúc, Nguyễn Hữu Phú hiện thuộc biên chế các đội trẻ của Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. 
 Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (áo cam) thi đấu bóng đá (ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: Thiên Di
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (áo cam) thi đấu bóng đá (ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: Thiên Di

Học sinh trong trường luôn có ý thức tập luyện TDTT. Với môn bơi, ngoài việc toàn bộ học sinh của trường được hướng dẫn kỹ năng bơi và trang bị kiến thức về phòng tránh đuối nước thì còn có 120 em đang tham gia khóa học nâng cao do thầy Nguyễn Quang Đức dạy. Riêng môn cầu lông, từ năm 2018 đến nay có 90 học sinh của trường theo học. “Từ khi tôi về dạy cầu lông ở đây, học sinh của trường tham gia khá nhiều. Trung bình mỗi năm có 30 cháu theo học. Cứ sau giờ tan học, các cháu vào tập rồi phụ huynh đến đón về. Có một số cháu đã chuyển lên học THCS và thi đấu khá tốt tại một số giải trong tỉnh. Tôi nhận thấy phụ huynh trường này cũng rất ủng hộ việc nhà trường phối hợp với tổ chức, cá nhân để dạy thể thao cho học sinh”-huấn luyện viên cầu lông Phạm Thị Hồng Nga chia sẻ.

THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm

Hàng năm, các giải thể dục-thể thao được địa phương tổ chức. Ảnh: K.P

Ia Nhin đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng

(GLO)- Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Ia Nhin (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

U80 vẫn đam mê chạy bộ

U80 vẫn đam mê chạy bộ

(GLO)- Dù tuổi cao nhưng vợ chồng ông Lê Đình Quốc (SN 1950, tổ 7, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) và bà Lê Thị Thu (SN 1952) vẫn tham gia đều đặn các giải chạy bộ trong và ngoài tỉnh. Sức khỏe và nghị lực của cặp runner U80 này khiến nhiều người thán phục.

“Chinh phục đỉnh Pờ Yầu”: Hứa hẹn những màn tranh tài hấp dẫn

“Chinh phục đỉnh Pờ Yầu”: Hứa hẹn những màn tranh tài hấp dẫn

(GLO)- Sau 2 lần tổ chức, Giải Việt dã “Chinh phục đỉnh Pờ Yầu” đã tạo nên thương hiệu trong làng việt dã. Cuối tuần này, 550 vận động viên (VĐV) sẽ tiếp tục chinh phục cung đường lên đỉnh Pờ Yầu (làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Giải chạy hứa hẹn những màn tranh tài hấp dẫn.

Sức sống từ thể thao đô thị

Sức sống từ thể thao đô thị

Giải Pickleball vô địch quốc gia lần thứ nhất sắp khởi tranh có đến hơn 60 câu lạc bộ (CLB) trên toàn quốc tham gia. Qua đó cho thấy tốc độ phát triển như của môn thể thao này dù mới “gia nhập” vào Việt Nam trong khoảng 5 năm gần đây.

Krông Pa “ươm mầm” tài năng bóng chuyền

Krông Pa “ươm mầm” tài năng bóng chuyền

(GLO)- Từng là “cái nôi” của bóng chuyền dân tộc thiểu số nhưng sau đó, Krông Pa rơi vào khoảng trống về tài năng. Hiện nay, những người đam mê môn thể thao này vẫn âm thầm ươm tài năng trẻ với hy vọng vực dậy phong trào bóng chuyền nơi “chảo lửa”.

Đưa tinh hoa võ Việt vươn xa

Đưa tinh hoa võ Việt vươn xa

(GLO)- Sau hơn 1 tuần tranh tài sôi nổi tại TP. Pleiku, Giải Vô địch Võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33 đã khép lại với những dấu ấn đáng nhớ. Những đổi thay về luật thi đấu, độ tuổi, hạng cân, trang phục của vận động viên (VĐV)... được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt để đưa tinh hoa võ Việt vươn xa.