Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Kbang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng 10-1978, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Bấy giờ, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau khi thăm cán bộ, chiến sĩ đang lao động trên công trường thủy lợi Đak Uy, Đại tướng đã về thăm Đoàn Kinh tế Quốc phòng 332 đứng chân trên địa bàn huyện An Khê cũ.
Lúc đó, huyện Kbang còn chưa ra đời. Ban Chỉ huy Đoàn 332 đóng ở Tân Tạo (huyện An Khê). Tại Ka Nak chỉ có Trung đoàn 711 đứng chân làm nhiệm vụ khai thác gỗ. Sau khi đi trực thăng từ Pleiku xuống Tân Tạo, Đại tướng yêu cầu đưa ông vào Trung đoàn 711 để xem xét nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và kiểm tra công việc.
Ông Trương Văn Nhuần-nguyên cán bộ Tuyên huấn Đoàn 332-nhớ lại: Bấy giờ, đường 7 nối An Khê với Ka Nak hãy còn là con đường đất mấp mô, tình hình an ninh vẫn còn phức tạp. Từ Tân Tạo, Đại tướng vào Ka Nak bằng chiếc xe U oát duy nhất của Sư đoàn. Để đảm bảo an toàn cho Đại tướng, dọc đường cứ 50 m lại có 1 vệ binh sư đoàn bí mật đứng gác… Vào đến Ka Nak, sau khi xem xét nơi ăn ở, ông yêu cầu đưa mình xuống hiện trường khai thác để kiểm tra công việc, xong mới quay về gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn…
Đã hơn 40 năm, ông Nhuần vẫn còn nhớ rất rõ lời Đại tướng dặn dò: Đây là vùng đất rất quan trọng về cả mặt kinh tế lẫn quốc phòng, không chỉ với địa phương mà còn liên quan đến các tỉnh đồng bằng. Khai thác rừng nhưng không được phá rừng. Nếu chỉ biết khai thác mà không bảo vệ, rừng sẽ trả thù. Nơi nào khai thác cường độ cao thì phải giảm xuống; phải tận dụng hết gỗ, củi, không được lãng phí…
Bộ đội mới rời tay súng bước sang làm kinh tế-một công việc mới mẻ, phải tích cực học tập, phát huy tính sáng tạo để tổ chức tốt công tác quản lý kinh tế lâm nghiệp. Đi đôi với đẩy mạnh sản xuất phải tích cực tăng gia để cải thiện đời sống, phải làm sao để sau mỗi bữa cơm ít ra cũng có quả chuối mà ăn. Làm lâm nghiệp phần lớn sống ở rừng, do đó phải tạo được mối quan hệ mật thiết với địa phương, phải đoàn kết tốt nội bộ, đoàn kết tốt quân-dân; tích cực vận động đồng bào định canh, định cư để góp phần nâng cao đời sống cho bà con.
Cựu chiến binh Đoàn 332 dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Ngọc Tấn
Cựu chiến binh Đoàn 332 dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Ngọc Tấn
Theo ông Nhuần, Đại tướng căn dặn những điều này không phải là ngẫu nhiên. Trước đó, Đại tướng yêu cầu báo cáo rất kỹ về trữ lượng tài nguyên rừng, kế hoạch khai thác… Xuống hiện trường, Đại tướng yêu cầu đưa ông đến nơi khai thác mật độ cao nhất, chăm chú quan sát từng động tác cầm cưa máy, cưa tay của chiến sĩ… Mặc dù thời gian chỉ hơn 1 ngày, nhưng hình ảnh vị Đại tướng giản dị, sâu sát, chan hòa với hoàn cảnh còn rất thiếu thốn bấy giờ đã in dấu mãi trong tâm khảm của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 332…
17 năm sau, Đoàn 332-Liên hiệp Kon Hà Nừng giải thể. Mãi cho đến năm 2016, sau rất nhiều cố gắng, Ban Liên lạc Đoàn 332 được thành lập. Ủy ban nhân dân huyện Kbang cũng đồng ý cho Ban Liên lạc sử dụng trụ sở cũ của Liên hiệp Kon Hà Nừng để làm nhà lưu niệm. Thể theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ và công nhân Đoàn 332, Ban Liên lạc đã làm Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các liệt sĩ Đoàn 332 hy sinh trong sự nghiệp xây dựng kinh tế, đặt nền móng cho sự ra đời của huyện Kbang ngày nay…
Sau thời gian được trùng tu, căn nhà đã trở nên trang trọng, đúng yêu cầu của một đền tưởng niệm. Gian bên trái là bàn thờ các liệt sĩ. Gian giữa thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được bày biện trang trọng, theo đúng truyền thống dân tộc: Trên cao treo ảnh Bác Hồ, dưới là pho tượng bán thân của Đại tướng.
Ông Trương Văn Nhuần cho biết: Tượng được đúc bằng đồng cao 0,7 m, nặng 70 kg. Với lòng kính yêu Đại tướng sâu sắc, vợ chồng ông Phạm Ngọc Sáng-Tống Thị Lan (nguyên là công nhân quốc phòng thuộc Trung đoàn 713, Đoàn 332) đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để đúc tượng Đại tướng cung tiến… Đền thờ càng thêm uy nghiêm, trang trọng khi mới đây các cựu chiến binh, công nhân viên quốc phòng Đoàn 332 tại Hưng Yên đã cung tiến thêm 1 bộ lư đồng trị giá 20 triệu đồng.
Từ ngày trụ sở cũ của Liên hiệp Kon Hà Nừng trở thành Nhà tưởng niệm Đại tướng và các liệt sĩ Đoàn 332, cùng với sự họp mặt truyền thống hàng năm các cựu chiến binh, cựu công nhân viên chức của Đoàn, Khu lưu niệm đang trở thành “địa chỉ đỏ” của người dân Kbang để tưởng nhớ một người con ưu tú của dân tộc và những người đã ngã xuống cho những giá trị của cuộc sống hôm nay nở hoa kết trái.
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.