Đến Pleiku thưởng thức ẩm thực Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Năm 1979, trong liên hoan văn hóa cồng chiêng Gia Lai-Kon Tum, tôi gặp Ksor Hnao lần đầu tiên. Phong độ vô cùng trẻ trung với vẻ đẹp đầy nam tính của người đàn ông Tây Nguyên: Vai rộng, mặt như nét khắc trên những bức tượng gỗ và nụ cười cởi mở.

Anh là một nghệ sĩ điệu nghệ. Khi đeo trống dẫn đầu đội chỉnh chiêng của làng Kép (TP. Pleiku), anh không chỉ giữ nhịp mà còn nhún nhảy khởi động vòng xoang của trai gái trong làng. Khi gảy ting ning, tiếng đàn anh réo rắt và cuốn hút (ting ning là loại đàn dùng tỏ bày tâm tình với các cô gái). Khi hát giao duyên song ca với bạn gái trên sân khấu, tiếng hát anh nồng nàn, ấm áp. Cứ như thế, hàng chục năm nay Ksor Hnao mang nghệ thuật diễn xướng dân gian Jrai của mình đi mọi  miền quê, giới thiệu với bạn bè. Để tưởng thưởng xứng đáng cho nỗ lực gìn giữ văn hóa truyền thống của Ksor Hnao, năm 2015, Nhà nước đã trao tặng anh danh hiệu cao quý “Nghệ nhân Ưu tú”.

 

Gà nướng, cơm lam. Ảnh: internet
Gà nướng, cơm lam. Ảnh: internet

Ấy vậy mà năm nay, khi đến Gia Lai, bạn bè làm công tác sưu tầm ở Pleiku dặn nhất định phải ghé quán ẩm thực Jrai của anh. Ngay tại làng Kép. Mới khai trương đầu năm 2017. Gặp tôi, anh bảo: “Lớn tuổi hung rồi, chẳng lẽ nhảy nhót miết? Văn hóa Jrai mình còn nhiều điều tốt đẹp lắm, đâu chỉ có hát múa. Mình ấp ủ nguyện vọng làm nhà hàng giới thiệu ẩm thực Jrai lâu rồi”.

Chẳng cần phải tìm trên bản đồ, hỏi người đi đường ai cũng chỉ được ngay địa điểm chính xác của làng Kép, nơi có nhà hàng của Ksor Hnao.  

Mượn gia đình, vay ngân hàng, tích cóp (toàn những khái niệm trước đây chưa hề có trong tư duy của người dân tộc thiểu số nhé), anh đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Trong khuôn viên rộng hơn 600 m2 đầy cây xanh, 3 dãy nhà sàn nhỏ bằng tranh tre nứa lá đủ sức tiếp cùng một lúc cả trăm thực khách được dựng lên. Chẳng mấy sang trọng mà nườm nượp khách. Có lẽ bởi hàng loạt những món ăn từ chế biến đơn giản như cây chuối non bóp gỏi đến những món phức tạp nhất của nghệ thuật ẩm thực Jrai, cùng với những gia vị sẵn có của vườn nhà… Tất cả được hệ thống lại, chế biến cho vừa miệng thực khách. Cơm lam, gà sa lửa, heo nướng xiên, rượu ghè… là bình thường quá rồi nhé. Hãy xem anh bày những gì lên bàn mời chúng tôi: cua sữa nhỏ xíu rang lá é, da bò ướp sả um lá chuối, nai bóp củ nén um, súp cà đắng… cứ thế mà lần lượt từng mẹt lên bàn. 21 món ăn truyền thống cơ mà. Có thưởng thức hết được không?

- Thỏa ước nguyện rồi. Bây giờ phải làm cho ngon, cho sạch để giữ uy tín với khách thôi.
- Thế bỏ ca hát, nhảy múa sao?
- Đâu có, đêm qua vẫn đốt đống lửa, tấu ching mời khách cùng ca hát và nhảy xoang đấy chứ.

Lấy chiếc đàn ting ning, anh gọi nghệ nhân Rơ Chăm Tih cầm đàn kơ ní, 2 nghệ sĩ tràn đầy hứng khởi cùng tấu lên bài dân ca Jrai Dam dra quen thuộc. Rồi bài Ru em Bahnar lại được nhạc sĩ Thảo Nam Giang và Thạc sĩ Y Phương đồng điệu cất lên góp giọng. Cái nắng trưa cao nguyên như đổ lửa, nhưng trên nhà sàn của Ksor Hnao ở làng Kép, giữa cây lá xanh rợp và tình bạn bè thân thiết, không gian vẫn mát rười rượi.


Đến Pleiku nhớ tới làng Kép, ghé nhà hàng ẩm thực Jrai của Ksor Hnao nhé. Không chỉ ủng hộ tâm nguyện giữ gìn văn hóa truyền thống của anh ấy mà bạn còn sẽ được thưởng thức một bữa ăn ngon miệng thật sự. Ấy mà, quán có tiếp thị trên facebook đó: Gà nướng Ksor Hnao. Vô tìm là thấy ngay.

Linh Nga Niê Kdăm

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.