Đêm Sài Gòn thời Covid-19: Nương náu hè phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đêm Sài Gòn. Người ta thường dành thời gian nghỉ ngơi sau một ngày 'cày bừa' vất vả. Nhưng có nhiều phận đời giờ này mới bắt đầu làm việc, kiếm sống ở đoạn vỉa hè nào đó...

Hằng đêm, chị Lương Thị Thảo (35 tuổi, quê Bình Định) bán cào cào lá thốt nốt, kiếm tiền nuôi con ăn học. ẢNH: BÍCH NGÂN
Hằng đêm, chị Lương Thị Thảo (35 tuổi, quê Bình Định) bán cào cào lá thốt nốt, kiếm tiền nuôi con ăn học. ẢNH: BÍCH NGÂN
Chập tối những ngày tháng 3, chúng tôi hòa vào dòng người tấp nập trên đường phố giữa trung tâm Sài Gòn. Từ Q.1 đến Q.3, Q.4, những phận đời vẫn lặng lẽ mưu sinh trên hè phố. Nhịp sống của họ như dòng thời gian đang chuyển động ngược...
Nghề cha truyền con nối
Giữa dòng xe cộ còn tấp nập lúc chập tối, thi thoảng người ta lại tò mò nhìn 3 mẹ con chị Lương Thị Thảo (35 tuổi, quê Bình Định), khi dừng xe chờ đèn đỏ tại ngã tư Trương Định - Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1).
Chị Thảo có trên 20 năm bán đồ chơi dạo cho trẻ em. Nhưng món hàng lạ nhất là cào cào lá thốt nốt do chính tay chị đan ngay trên hè phố. Ăn tết ngoài quê xong, chị dẫn theo 2 con nhỏ vào Sài Gòn chơi vài hôm. Ở phòng trọ không ai trông coi nên chị dắt tụi nhỏ theo, ngày bán vé số dạo, đêm “nương nhờ” hè phố bán cào cào.
Chị kể, mình gắn bó với nghề bán cào cào từ lúc 20 tuổi. Miệt mài làm nghề, chị dành dụm ít tiền để hằng tháng gửi về quê cho ông bà nội nuôi 2 đứa nhỏ ăn học. Chị Thảo cho biết: “Đan cào cào là tui được cha dạy lại. Hồi đó, cha tui có mấy chục năm đan cào cào rồi theo mấy gánh hát ở quê bán. Bây giờ cha mất nên tui kế nghiệp, bán cào cào được 15 năm rồi”.
Chị Thảo cùng chồng thuê trọ ở ghép cùng người quen trên đường Trần Đình Xu (P.Cô Giang, Q.1). Với phương châm “tiết kiệm là trên hết”, mỗi tháng hai vợ chồng tốn khoảng 1,5 triệu đồng tiền trọ. Kể về chuyện mưu sinh, chị Thảo cho biết: “Ban ngày tui không có thời gian nên tối ra đây vừa đan cào cào vừa bán. Một con cào cào giá 20.000 đồng. Tui bán từ 16 giờ miết tới khoảng 23 giờ kiếm được từ 200.000 - 300.000 đồng. Đến giờ về, chồng tui (làm nghề phụ hồ) chạy xe qua đón mấy mẹ con”.
Lúc còn ở quê đều hay đi ngủ rất sớm, vậy mà giờ nửa đêm ở Sài Gòn, Thành (9 tuổi) và Danh (7 tuổi), con chị Thảo vẫn hồn nhiên vui đùa ở khoảnh vỉa hè rộng chừng vài mét vuông. Chốc chốc, tụi nhỏ lại chạy đến sà vào lòng mẹ. Chơi với cha mẹ ít ngày nữa, tụi nhỏ sẽ về quê ở với ông bà nội cho tiện bề học hành.
Vừa tâm sự, chị Thảo vừa thoăn thoắt đôi tay đan cào cào. Mất chừng 8 phút để chị cho “ra đời” một con cào cào. Chị còn tinh tế thắt kèm bông hồng cũng bằng lá thốt nốt bán cho khách. Giữa Sài Gòn hiện đại, tuổi thơ về “con cào cào lá tre” trong ký ức nhiều người bỗng hiện về. Thành thử ai dừng đèn đỏ cũng tỏ ra đầy tò mò...
“Gà trống nuôi con”
1 giờ sáng, khi xe cộ đã thưa thớt hẳn, ông Hà Văn Sơn (56 tuổi) cẩn thận đem mấy ký quýt còn dư xếp vào cần xé (giỏ) nhựa, đặt cạnh chỗ ngủ. Đêm nào ông và đứa con trai 4 tuổi cũng ngồi trên vỉa hè ngay góc ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ (Q.3). Ông tỉ mẩn lấy khăn lau mình mẩy cho con trai đang thiu thiu giấc bên hè phố.
Dưới ánh đèn đường hiu hắt, những vết chân chim trên khuôn mặt ông Sơn vẫn lộ rõ mồn một. Ông kể: “Hồi nó mới 9 tháng tuổi đã theo tui đi bán vé số rồi. Cũng tại tui với bả (vợ) chia tay nên tui nuôi đứa lớn, bả nuôi đứa nhỏ. Hồi đó không ai giữ nên tui ẵm con đi bán vé số ở ngã tư Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh)”.

Hai cha con ông Hà Văn Sơn (56 tuổi) mang theo mền mỗi khi đi bán để ngủ tại chỗ, sáng thì đón chuyến xe buýt đầu ngày về phòng trọ. ẢNH: TRÁC RIN
Hai cha con ông Hà Văn Sơn (56 tuổi) mang theo mền mỗi khi đi bán để ngủ tại chỗ, sáng thì đón chuyến xe buýt đầu ngày về phòng trọ. ẢNH: TRÁC RIN
Ông Sơn kể hồi trẻ ông từng làm nghề đục đá hoa cương, chạy xe ôm, phụ hồ..., thu nhập cũng tạm ổn để nuôi vợ con. Sau khi chia tay vợ, ông lâm cảnh “gà trống nuôi con”. “Ngặt nỗi, sức khỏe con trai không ổn định. Nó thường xuyên lên cơn co giật nên tui phải ở cạnh suốt. Mới mấy bữa trước nó đau nên đem đi bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bị viêm phế quản cấp”, ông Sơn vừa nói vừa đưa mắt nhìn con.
Ông kể tiếp: “Tui nuôi nó từ nhỏ tới lớn nên mến tay, mến chân. Ban đêm đi bán mà dắt nó theo ngủ ngoài đường bụi bặm cũng đứt ruột lắm, nhưng để ở nhà trọ không ai trông. Phần sức khỏe con không ổn định nên tui cũng không dám gửi trẻ”.
Mỗi tối, hai cha con đón xe buýt từ nhà trọ ở Q.10 sang Q.3 bán quýt rồi ngủ ở đó luôn. Tới 4 giờ sáng, hai cha con đón chuyến xe buýt đầu ngày về lại phòng trọ. Kể về cơ duyên đến với nghề bán trái cây đêm trên vỉa hè, ông Sơn nhớ lại: “Hồi trước hai cha con đi bán vé số dạo, người ta thấy cực quá nên chỉ cách buôn trái cây. Sau một thời gian tích góp, tui tìm chỗ lấy hàng dưới chợ đầu mối Thủ Đức về bán. Hôm trúng mánh tui kiếm được 250.000 đồng, ế cũng được vài chục ngàn, đủ sống qua ngày”. 
Chó… xin quà
Đó là chú chó tên Sushi của bà Hai (72 tuổi, quê An Giang, ngụ Q.4). Đều đặn 22 giờ hằng đêm, không bảo không rằng, Sushi sủa inh ỏi để... đi xin quà từ thiện. Với bà Hai, con chó chẳng khác nào người bạn đồng hành suốt 3 năm nay. “Tui xin người quen về nuôi đó. Từ nhỏ đã theo tui ra xin quà từ thiện nên Sushi cũng biết... xin quà”.
Ban ngày bà Hai đi nhặt ve chai kiếm vài chục ngàn đồng. Nhưng chừng đó chưa đủ tiền để đóng tiền trọ, cũng như ăn uống hằng ngày. Chừng 20 giờ, bà Hai lom khom đẩy xe tự chế chở theo “người bạn” Sushi lên cầu Ông Lãnh (nối Q.1 với Q.4). Ai cho gì bà nhận nấy. Mỗi khi thấy người nào dừng xe, chú chó vẫy đuôi mừng quýnh.

Chú chó Sushi theo bà Hai đi xin từ thiện suốt 3 năm. ẢNH: BÍCH NGÂN
Chú chó Sushi theo bà Hai đi xin từ thiện suốt 3 năm. ẢNH: BÍCH NGÂN
“Con chó này khôn lắm. Nó còn biết... đòi quà nữa. Nhưng cũng tùy người, ai ăn mặc chỉnh tề tấp xe vô là nó vẫy đuôi chào đón. Ai ăn mặc xuề xòa, đi đứng thập thò, tiếp cận là nó sủa ngay”, bà Hai kể về “người bạn”. Lúc này, một người phụ nữ ghé cho bà Hai 5.000 đồng rồi quay ra xoa đầu Sushi đầy thân thiết. Bà Hai tiếp tục: “Cô này là mối của nó đó. Tối nào chạy xe ngang đây cổ cũng ghé vô cho 5.000 - 10.000 đồng. Cái áo nó đang mặc cũng là cô đó mua cho, cổ thương nó lắm”.

Sài Gòn có như thế thì những mảnh đời già cả, hiu quạnh như tui mới tồn tại được

Bà Hai (72 tuổi, quê An Giang, ngụ Q.4)
Cùng bà Hai “đóng chốt” trên cầu Ông Lãnh chừng 3 năm nhận quà từ thiện, nên Sushi cũng không ít lần hốt hoảng khi thấy cảnh chủ vội vã bỏ chạy khi bị đẩy đuổi. “Giờ mà nghe tui nói “cơ quan chức năng đến, chạy đi Sushi”, là nó phóng lên xe để tui đẩy về. Hôm trời mưa gió, tui không đi xin quà được thì nó sủa ngủ không được luôn”, bà Hai kể rồi nói bà chỉ có 1 đứa con nhưng nghèo khó, không lo được gì cho bà. Tay chân bà Hai lại đau khớp nên 3 năm nay, bà phải chờ đợi những món quà từ những tấm lòng hảo tâm.
“Tui hay được người ta lì xì lắm. Biết mình lớn tuổi nên người ta thương tình ghé cho này cho nọ. Sài Gòn có như thế thì những mảnh đời già cả, hiu quạnh như tui mới tồn tại được chứ. Đúng không?”, giọng bà Hai bỗng sang sảng giữa trời đêm Sài Gòn.

(còn tiếp)

Theo Bích Ngân-Trác Rin (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".