Đề xuất mất bằng lái xe phải thi lại:Không quản được,đẩy khó cho dân!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đề xuất của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể về việc những người mất bằng lái xe sẽ phải thi lại toàn bộ đang tạo ra “cơn bão” tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều từ người dân, chuyên gia.
 
Học thi giấy phép lái xe ô tô tại TP.HCM. ẢNH: GIA KHIÊM
Cụ thể, tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp Quốc hội ngày 6.3, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết để giải quyết những bất cập trong việc cấp giấy phép lái xe, Bộ GTVT đang đề xuất “phương án những người mất bằng lái xe sẽ phải thi lại toàn bộ để tránh tình trạng lợi dụng nhằm có thêm bằng lái thứ 2, thứ 3 để hoạt động kinh doanh”.
"Bất cập và lỏng lẻo nằm ở sự phối hợp của các lực lượng chức năng thì phải chỉnh đốn lại khâu này. Không thể vì một sự phối hợp chưa chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước mà đẩy phần khó về cho người dân"
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải VN

Lý giải cho đề xuất này, đại diện Vụ Quản lý phương tiện và người lái - Tổng cục Đường bộ VN cho rằng hiện dữ liệu giấy phép lái xe được tổng cục lưu trữ bằng hệ thống phần mềm điện tử. Nếu mất bằng lái xe, người dân chỉ cần mang bằng lái gốc hoặc chứng minh thư/căn cước công dân ra các đơn vị để đề nghị cấp lại, lệ phí cấp lại giấy phép lái xe là 135.000 đồng/lần.
Theo Thông tư liên tịch 01 của Bộ Công an - Bộ GTVT phối hợp cung cấp số liệu vi phạm, CSGT sẽ gửi các vi phạm của người lái xe sang Tổng cục Đường bộ cập nhật. Hệ thống phần mềm quản lý giấy phép lái xe của ngành đường bộ có cả phần mềm quản lý vi phạm bằng lái...
Lý thuyết là vậy, tuy nhiên đại diện Vụ Quản lý phương tiện và người lái thừa nhận hiện tại việc liên thông dữ liệu chưa đầy đủ. Nguyên do phía CSGT mới gửi dữ liệu các trường hợp bị tước bằng lái mà chưa cập nhật đầy đủ các trường hợp tạm giữ có thời hạn. Nhiều trường hợp tạm giữ giấy phép lái xe do vi phạm có thời hạn 1 - 2 tuần nhưng lái xe không đến nộp phạt lấy lại bằng, mà giả mất bằng lái đến cơ quan đường bộ để xin lại. Thậm chí, một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải lái xe giả mất bằng để xin cấp lại.
“Đề xuất trên của Bộ trưởng GTVT nhằm mong muốn quản chặt tình trạng này, hạn chế đối tượng giả mất bằng hoặc bị tạm giữ bằng cố tình khai sai để xin cấp lại. Tuy vậy, đây mới là đề xuất, có thể Bộ sẽ giao cho các cơ quan tham mưu nghiên cứu các vấn đề về pháp chế, quy định. Ngành giao thông cũng đang xây dựng quy chế phối hợp để lực lượng CSGT cập nhật luôn các vi phạm bằng phần mềm, liên thông thông tin hai ngành để thuận tiện quản lý”, vị này thông tin.
 
Nhiều ý kiến cho rằng công tác đào tạo, giám sát, thi sát hạch giấy phép lái xe hiện nay cần cải cách hoàn toàn. ẢNH: MAI VỌNG
Lãng phí thời gian, tiền bạc của dân
Bộ GTVT đang sửa đổi Thông tư 12 về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, trong đó khoản 3, điều 36 theo dự thảo: “Người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất, quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải dự sát hạch lại”.

Khoản 4, điều 36 cũng được sửa đổi: “Người có giấy phép lái xe bị mất từ lần thứ hai trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại giấy phép lái xe”.

Bình luận về đề xuất gây nhiều tranh cãi của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải VN (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN), cho biết trước đây đã có quy định khi mất giấy phép lái xe thì người mất phải chờ 1 tháng (kể từ ngày nộp đơn trình báo mất và xin cấp lại bằng lái) để lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh xem mất thật hay do vi phạm bị thu giữ bằng lái.

Tuy nhiên, sau đó trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, có ý kiến cho rằng quy định này gây khó khăn cho người dân, nên đã bãi bỏ. “Bây giờ lại đưa ra đề xuất, các trường hợp mất bằng lái xe đều buộc phải thi lại để cấp bằng mới sẽ rất khó cho những người bị mất thật. Trong khi người dân vừa bị mất tài sản, giấy tờ lại bị làm khó thêm lần nữa, bị buộc phải thi lại để cấp GLPX, gây lãng phí thời gian và kinh phí”, ông Quyền nói.
Đồng quan điểm, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức (Trường đại học Việt Đức), đánh giá việc yêu cầu cá nhân mất bằng lái xe phải thi lại từ đầu vừa không có ý nghĩa về mặt quản lý, vừa gây khó khăn cho những người mất bằng thật sự. Lý do, dù một người có một hay nhiều bằng lái thì vẫn chỉ có một mã số, một thông tin bằng lái duy nhất trong hệ thống phần mềm quản lý chung. Khi người đó bị giữ bằng lái, nếu phần mềm cập nhật đầy đủ, thì việc đưa ra bằng lái khác lúc vi phạm cũng vô ích.
“Với trường hợp mất bằng mà tìm lại được phải mang đến nộp lại để cơ quan chức năng tiêu hủy. Trường hợp phát hiện một người dùng nhiều bằng lái thì phải phạt thật nặng”, ông Tuấn đề xuất.
Cần giải quyết từ gốc
Giải pháp khắc phục tình trạng một số người báo mất giả để xin cấp lại giấy phép lái xe, theo ông Nguyễn Văn Quyền chỉ cần tăng cường phối hợp sự quản lý giữa bộ GTVT và công an, áp dụng công nghệ thông tin xây dựng phần mềm liên thông dùng chung giữa 2 ngành. Chính phủ nên chỉ đạo lực lượng chức năng, nhất là lực lượng CSGT cập nhật đầy đủ, kịp thời các trường hợp bị thu giữ bằng lái về cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe đã được Tổng cục Đường bộ chuyển giao công nghệ trước đó.
Khi ngành giao thông tiếp nhận đơn trình báo mất giấy phép lái xe để xin cấp lại của người dân thì bộ phận cấp giấy phép lái xe sẽ tra cứu dữ liệu, nếu hợp lệ thì thực hiện cấp lại theo quy định. “Bất cập và lỏng lẻo nằm ở sự phối hợp của các lực lượng chức năng thì phải chỉnh đốn lại khâu này. Không thể vì một sự phối hợp chưa chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước mà đẩy phần khó về cho người dân”, ông Quyền nói.
TS Vũ Anh Tuấn cho rằng Bộ GTVT cần thay đổi hoàn toàn từ hình thức đến nội dung đào tạo, thi sát hạch giấy phép lái xe. Dẫn số liệu từ một khảo sát do Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức thực hiện năm 2018, ông Tuấn cho biết trong 100 người được khảo sát chỉ có 20 người nhớ được các quy định về luật giao thông đường bộ. Các kỹ năng nhận định tình huống nguy hiểm và ý thức tuân thủ quy định cũng như nhận thức hợp tác giữa các phương tiện trên đường rất kém. Đây là 3 nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng vi phạm giao thông tràn lan, phổ biến như hiện nay.
Trong khi đó, công tác đào tạo, sát hạch lại thiếu khoa học, chỉ mang tính chất đối phó. Cụ thể, về hình thức, thay vì học viên phải lên lớp học lý thuyết đầy đủ, bài bản thì cơ sở đào tạo chỉ phát cho cuốn tài liệu về tự học thuộc lòng, lên thi kiểu đối phó. Về nội dung, các bài học lý thuyết quá nhiều, khô khan khiến người học chỉ có thể học vẹt, khó học khó nhớ. Vấn đề quan trọng nhất là giáo dục ý thức, đạo đức, tư duy của người tham gia giao thông thì lại bỏ trống hoàn toàn. Trong khi các bài thực hành thì sơ sài, chỉ dừng lại ở các kỹ năng sơ đẳng, kiểm soát xe trong các tình huống không thật (1 mình 1 xe), học viên không được chuẩn bị đầy đủ về cả kỹ năng và tâm lý để giải quyết hàng ngàn tình huống bất ngờ xảy ra trên đường thật.
“Cần cải cách hoàn toàn công tác đào tạo, giám sát, sát hạch giấy phép lái xe. Chương trình học phải chú trọng đến đào tạo ý thức, văn hóa giao thông và cung cấp đầy đủ kỹ năng cho người điều khiển phương tiện, thông qua các phương thức học sáng tạo, dễ học, dễ nhớ. Chỉ khi người học thay đổi được nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa giao thông, về lợi ích thật sự của việc học để thi giấy phép lái xe thì tai nạn giao thông và vấn nạn bằng giả mới có thể giải quyết được”, ông Tuấn khẳng định.
Xử lý các trường hợp gian dối giả mất để làm lại bằng lái xe
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể hôm qua 7.3 vừa có công văn hỏa tốc gửi Tổng cục Đường bộ yêu cầu tổ chức rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại; hoặc trường hợp cố tình báo mất để xin cấp lại với mục đích sở hữu đồng thời nhiều bằng lái xe. Với những trường hợp nghi ngờ như xin cấp lại giấy phép lái xe nhiều lần, cần kịp thời kiểm tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định pháp luật. Tổng cục có trách nhiệm phối hợp với Cục CSGT để kết nối, cập nhật thông tin vi phạm của các lái xe vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên toàn quốc, nhằm xác định nhanh và xử lý kịp thời với lái xe bị cơ quan chức năng thu giữ bằng lái do vi phạm. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm siết chặt lại công tác cấp giấy phép lái xe đã mất theo quy đúng quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách để xin cấp lại bằng lái không đúng quy định. Đề xuất các giải pháp xử lý vi phạm với hành vi gian dối, cố tình báo mất để xin cấp lại bằng lái, trong đó có giải pháp sát hạch trước khi cấp lại bằng.

Mai Hà

“Rất vô lý !”
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia pháp lý xung quanh đề xuất mất bằng lái xe sẽ phải thi lại mà Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra.
Khi được hỏi về đề xuất này, đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông - Cục CSGT (Bộ Công an) thẳng thắn bày tỏ thái độ không đồng tình vì cho rằng “chính sách này không hợp lý, không hợp pháp mà lại ảnh hưởng tới quyền của người dân”. “Tôi nghĩ tư lệnh ngành mà nói như vậy là đang đẩy phần khó cho người dân theo kiểu không quản lý được thì cấm”, ông Sơn nói.
TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng việc bắt người mất giấy phép lái xe phải thi lại có thể làm phát sinh chi phí xã hội và chi phí của người dân rất lớn so với hiệu quả mà nó đem lại trong việc hạn chế gian lận mà Bộ trưởng Thể nhắm đến. “Nếu chi phí của việc làm bằng thứ 2, thứ 3 để gian lận có thể là 100 triệu thì chi phí của việc toàn bộ những người mất bằng phải thi lại có thể là 10 tỉ, tức là gấp 100 lần mà chưa chắc xử lý được vấn đề vì khi đã muốn gian lận, người ta vẫn có thể chấp nhận thi lại để lấy bằng”, ông Dũng phân tích.
Theo ông Dũng, nguyên nhân của việc gian lận để được cấp bằng lái thứ 2, thứ 3 mà Bộ trưởng Thể đưa ra chủ yếu là do hệ thống cấp bằng và quản lý bằng lái xe có vấn đề. Do đó, muốn xử lý được vấn đề này thì phải giải quyết ở khâu cấp và quản lý bằng lái chứ không phải ở người dân. “Với sự phát triển của công nghệ như hiện nay, một giải pháp kỹ thuật hoàn toàn có thể kiểm soát được để đảm bảo khi cấp bằng lái xe mới thì bằng đã cấp trước đó không còn hiệu lực nữa”, ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là không có cơ sở. “Bất kỳ quy phạm pháp luật nào cũng phải dựa trên cơ sở, căn cứ thực tiễn và nó phải có đạo lý của nó chứ không phải anh là cơ quan quản lý nhà nước anh muốn ban hành cái gì cũng được”, ông Quyền nói. Theo ông Quyền, nguyên tắc của nhà nước pháp quyền là nhà nước quản lý không được thì trách nhiệm trước hết thuộc về nhà nước và không bao giờ được đổ phần khó lại cho người dân. “Không thể vì cơ quan quản lý nhà nước không quản được việc cấp bằng mà bắt người dân phải thi lại”, ông Quyền nói.
Đồng quan điểm, luật sư Lương Văn Trung, Trung tâm trọng tài quốc tế VN, phân tích: “Bản thân giấy phép lái xe là chứng nhận một người đủ điều kiện để thực hiện một công việc, tương tự như thẻ luật sư hay thẻ nhà báo. giấy phép lái xe chỉ là một tờ giấy để khẳng định một sự thật. Việc mất đi một giấy xác nhận không có nghĩa sự thật đó bị nghi ngờ hoặc không còn giá trị nữa, để buộc phải thực hiện lại. Đặt trường hợp nếu thẻ luật sư mất đi thì chẳng lẽ luật sư đó phải học lại lớp đào tạo luật sư, tập sự lại mới được cấp thẻ; hoặc khi nhà báo bị mất thẻ nhà báo thì cá nhân nhà báo đó phải làm việc liên tục hai năm sau mới được cấp thẻ lại. Rất vô lý!”.
Bộ GTVT thanh tra việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe
Bộ GTVT vừa có quyết định thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang.
Bộ GTVT giao Chánh thanh tra Bộ phê duyệt kế hoạch thanh tra, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, thay đổi thành viên đoàn thanh tra. Thời kỳ thanh tra bắt đầu từ ngày 1.1.2018 đến thời điểm thanh tra. Thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra. Việc thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại các tỉnh, thành phố nêu trên nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2019 của Bộ GTVT.
M.Hà- Lê Hiệp-Thái Sơn-Phan Thương

Mai Hà (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

Trong phiên họp trực tuyến mới đây với sự tham dự của đại diện 10 Ủy ban Olympic quốc gia - trừ Timor Leste, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) đã yêu cầu quốc gia đăng cai SEA Games 31 cập nhật tình hình các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm khi thi đấu hồi tháng 5-2022 tại Việt Nam, trong đó có 5 trường hợp của đoàn thể thao chủ nhà.
Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Việc Quang Hải sa sút phong độ là nguyên nhân chính khiến tuyến giữa tuyển Việt Nam chơi không tốt trong trận hòa Thái Lan 2-2. Điều này, buộc HLV Park Hang-seo phải tính đến phương án thay Quang Hải.
Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

(GLO)- 19 giờ 30 phút ngày 13-1, đội tuyển Việt Nam bước vào trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 với Thái Lan. Trận đấu trong mơ này sẽ là cơ hội cho huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đòi lại món nợ trước người Thái để có lời chia tay ngọt ngào với bóng đá Việt.
Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

AFF Cup 2022 hứa hẹn kết thúc cực kỳ hấp dẫn với trận chung kết trong mơ giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan. HLV Park Hang-seo cũng có cơ hội đánh bại 'Voi chiến' ở một giải đấu chính thức để khép lại triều đại thành công của mình.
Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

(GLO)- Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, kịch tính, giải bóng đá mini 5 người thanh niên khối THPT năm 2023 do Thành Đoàn và Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku tổ chức đã khép lại. Giải góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo mối quan hệ đoàn kết trong hội viên thanh niên khối trường THPT trên địa bàn thành phố.