Đề xuất giải pháp xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Gia Lai có vùng nông thôn rộng lớn với 182 xã. Được xác định có tiềm năng và thế mạnh về kinh tế nông nghiệp, vì vậy, việc tháo gỡ một số điểm nghẽn để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với yếu tố bền vững là yêu cầu rất quan trọng.

Những cách làm sáng tạo mang nét đặc thù

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, lồng ghép xây dựng NTM với các cuộc vận động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với đặc thù của tỉnh.

Các cuộc vận động lớn trong vùng dân tộc thiểu số đã được kết hợp cùng phong trào xây dựng NTM như: “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Nhờ vậy đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng tích cực. Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng làng NTM bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện ý thức làm chủ của người dân trong việc tham gia xây dựng NTM.

Sau hơn 11 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, từ xuất phát điểm chưa có xã nào đạt chuẩn, bình quân chỉ đạt 3 tiêu chí/xã thì đến nay, Gia Lai đã có 91/182 xã và 131/1.225 thôn, làng được công nhận đạt chuẩn NTM (trong đó có 110 làng đồng bào dân tộc thiểu số), có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là TP. Pleiku, thị xã Ayun Pa và thị xã An Khê. Nguồn lực huy động xây dựng NTM giai đoạn 2011-2021 trên địa bàn tỉnh là hơn 31.868 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có 311 sản phẩm OCOP, trong đó có 49 sản phẩm đạt 4 sao, 262 sản phẩm 3 sao.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long tặng bằng khen cho đại diện các tập thể có thành tích xuất sắc về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2018 đến 2022. Ảnh: Đ.T

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long tặng bằng khen cho đại diện các tập thể có thành tích xuất sắc về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2018 đến 2022. Ảnh: Đ.T

Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Với đặc trưng văn hóa đa dạng của 44 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, tỉnh đã chú trọng công tác bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, phát huy các thế mạnh về văn hóa để phát triển du lịch.

Kết quả đạt được nói trên có vai trò quan trọng của công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã nghiên cứu các văn bản của Trung ương và vận dụng cụ thể, sáng tạo, phù hợp với nét đặc thù, lợi thế của địa phương, yếu tố văn hóa, tập quán của người dân, đặc biệt là hướng về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận song việc xây dựng NTM nâng cao tiến tới đảm bảo giữ được sự bền vững kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, nhất là khi triển khai thực hiện ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, số tiêu chí đạt được còn thấp, thiếu ổn định. Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách còn hạn chế, chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư…

Công tác xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số tuy bước đầu đã có kết quả nhưng đây vẫn là địa bàn khó khăn nhất của tỉnh và là “lõi nghèo của cả nước”. Số hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm đến 88,48% hộ nghèo khu vực nông thôn (tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của tỉnh năm 2020 là 7,04%). Trình độ sản xuất nông nghiệp lạc hậu, khả năng tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật chậm nên việc phát triển kinh tế để thoát nghèo gặp nhiều khó khăn; dễ bị các đối tượng phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, lôi kéo gây mất an ninh trật tự khu vực nông thôn.

Cấp ủy, chính quyền cấp xã một số nơi chưa quyết liệt, năng lực còn hạn chế trong công tác chỉ đạo điều hành xây dựng NTM phù hợp với đặc thù, gắn với địa bàn. Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 bổ sung nhiều chỉ tiêu mới và yêu cầu mức đạt chuẩn cao hơn khiến các địa phương còn khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện và giữ được các tiêu chí đã đạt ở giai đoạn trước.

Giải pháp xây dựng NTM bền vững

Gia Lai đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có thêm 33 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn và duy trì đạt chuẩn NTM lên 124, trong đó có 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 10 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 402 thôn, làng đạt chuẩn NTM, trong đó có 318 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Để đạt được mục tiêu trên, thiết nghĩ, tỉnh cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, nghiên cứu, điều chỉnh nguyên tắc, cơ chế phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 theo hướng khắc phục những tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2016-2020 và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Trong đó, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các địa phương đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ cách mạng, vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ các địa phương tiếp tục đạt chuẩn NTM và phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng bền vững.

Tăng cường hỗ trợ về nguồn lực cho xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 50% gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực từ người dân và doanh nghiệp để đầu tư hạ tầng nông thôn, thủy lợi, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Thứ hai, quan tâm thực hiện tiêu chí thủy lợi và chú trọng phát triển kinh tế nông thôn. Đây chính là cái gốc của phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn bởi nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng của hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Thứ ba, tiếp tục triển khai xây dựng NTM trong vùng dân tộc thiểu số gắn với đặc thù của địa phương. Tỉnh cần đề nghị với Trung ương sớm có cơ chế vùng đặc thù, ưu tiên trong xây dựng NTM. Ban hành cơ chế, có giải pháp hiệu quả trong khai thác và phát triển du lịch nông thôn gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa. Hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, sản phẩm du lịch gắn với các hoạt động nông nghiệp, làng nghề, ẩm thực, văn hóa…; xây dựng các công cụ, câu chuyện sản phẩm nhằm giới thiệu, quảng bá cho các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện hỗ trợ các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trên địa bàn theo hướng thân thiện với môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch không rác thải.

Thứ tư, gắn cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” với xây dựng NTM. Nắm vững phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”; phấn đấu 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, phổ biến Sổ tay tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Huy động và sử dụng hiệu quả lực lượng người có uy tín, đội ngũ người hoạt động không chuyên trách tại cơ sở trong cuộc vận động xây dựng NTM. Kịp thời biểu dương gương người tốt, việc làm hiệu quả trong xây dựng NTM để tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn dân.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tiếp tục phát triển các đặc sản có lợi thế của các đơn vị cấp xã, cấp huyện theo Chương trình OCOP.

Thứ sáu, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền cấp xã trong xây dựng NTM. Đẩy mạnh các phong trào xây dựng NTM, kịp thời báo cáo kết quả, tháo gỡ những vướng mắc, có những cách làm mới, phù hợp để đạt được các mục tiêu về xây dựng NTM.

Có thể bạn quan tâm

Chủ động đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại

Chủ động đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại

(GLO)- Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn, không để phát sinh các “điểm nóng” trên địa bàn.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc cho cáo buộc của ngoại trưởng Mỹ là "đạo đức giả và vô trách nhiệm"

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc cho cáo buộc của ngoại trưởng Mỹ là "đạo đức giả và vô trách nhiệm"

(GLO)- Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 23/4 chỉ trích cáo buộc của Ngoại trưởng Mỹ là "đạo đức giả và vô trách nhiệm", khẳng định nước này có quyền duy trì "quan hệ thương mại bình thường" với tất cả quốc gia, trong đó có Nga.