Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cải cách thủ tục hành chính

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính-Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tại phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ trực tuyến với các địa phương chiều 14-11. Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Tại tỉnh Gia Lai, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long-Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh chủ trì tại điểm cầu tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Tham dự phiên họp có các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Hội trường 2-9. Ảnh: Anh Huy

Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Hội trường 2-9. Ảnh: Anh Huy

Tại phiên họp, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Phạm Thị Thanh Trà đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện công tác CCHC trong 10 tháng năm 2023.

Theo đó, công tác CCHC đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai những nhiệm vụ, giải quyết quan trọng để đẩy mạnh CCHC. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn đối với CCHC nói chung, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Công tác CCHC đã có những chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả khá toàn diện trên 6 nội dung: cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Cụ thể, Chính phủ đã tổ chức 8 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; các bộ, ngành đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh tại 30 văn bản quy phạm pháp luật; các bộ, ngành đã đơn giản hóa 437 TTHC/1.086 TTHC (đạt 40%) để thực thi nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.

Đến nay 20/20 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành. Đây là những kết quả bước đầu, giúp cho các bộ, ngành, địa phương có thêm cơ sở pháp lý trong việc xây dựng Đề án vị trí việc làm của đơn vị, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức gắn với sử dụng và quản lý hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức. 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức viên chức; trong đó có 67 bộ, ngành, địa phương đã đồng bộ 100% dữ liệu và 11 bộ, ngành, địa phương đồng bộ trên 90% dữ liệu...

Chính phủ cũng đã ban hành một số nghị quyết có liên quan đến thúc đẩy, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, 24 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao. Toàn quốc có 12.597 cơ sở khám-chữa bệnh triển khai-khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip (đạt 98.2% tổng số cơ sở khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc, tăng 142 cơ sở so với thời điểm sơ kết 6 tháng).

Trên cơ sở gợi ý thảo luận của Thủ tướng Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã trình bày tham luận, thảo luận tập trung vào việc tháo gỡ các khó khăn, rào cản, đề xuất phương hướng, giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đạt mục tiêu CCHC năm 2023. Đồng thời nêu lên một số kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc rà soát, bãi bỏ một số phí, lệ phí; xem xét về việc công bố danh mục các TTHC đặc thù không yêu cầu số hóa hồ sơ;...

Các đại biểu nghe Thủ tướng Chính phủ kết luận phiên họp. Ảnh: Anh Huy

Các đại biểu nghe Thủ tướng Chính phủ kết luận phiên họp. Ảnh: Anh Huy

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện CCHC thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, CCHC là vấn đề rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc, sinh kế, đảm bảo đời sống cho người dân. Do đó những tồn tại, hạn chế như: thủ tục hành chính còn rườm rà; môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng; người dân, doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực... cần sớm khắc phục để mau chóng khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ tiếp thu tối đa các ý kiến, trên cơ sở đó ban hành kết luận phiên họp để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC đạt hiệu quả thời gian tới. Các thành viên Ban Chỉ đạo cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công, đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất, thông thoáng nhất cho người dân, doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động, phát huy tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao; nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, sức lan tỏa của CCHC đối với phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay; triển khai thực hiện đồng bộ 6 nội dung về CCHC, nhất là cải cách TTHC với người dân, doanh nghiệp tại cơ sở nhằm tạo ra các bước đột phá.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới phương pháp, cách làm; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền và rà soát, cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết với người dân, doanh nghiệp. Thành viên Ban Chỉ đạo CCHC các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ, tuyệt đối không đùn đẩy trách nhiệm. Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp thường xuyên lắng nghe, đối thoại, tiếp thu ý kiến người dân một cách nghiêm túc...

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Chi bộ thôn 6 Lê Viết Bích Huệ (bìa trái) trao đổi công tác tổ chức đại hội chi bộ điểm với Bí thư Đảng ủy xã Ia Blang Hà Đình Thủy. Ảnh: P.D

Đảng bộ xã Ia Blang tích cực chuẩn bị đại hội điểm

(GLO)- Đảng bộ xã Ia Blang được Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê (tỉnh Gia Lai) chọn tổ chức đại hội điểm nhiệm kỳ 2025-2030 để rút kinh nghiệm trước khi chỉ đạo chung ra diện rộng. Ý thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Đảng ủy xã đã khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Tố Hải tặng quà cho cán bộ và Nhân dân bôn Rưng Ma Nhiu nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Vũ Chi

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Tố Hải dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại bôn Rưng Ma Nhiu

(GLO)- Sáng 9-11, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai Phạm Thị Tố Hải đã về dự, chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con bôn Rưng Ma Nhiu (xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa) nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.