Đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Việc triển khai cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy sản xuất, nâng tầm thương hiệu hàng Việt, phát triển kinh tế-xã hội. Liên quan đến việc triển khai thực hiện CVĐ trên địa bàn tỉnh, P.V Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh.

*P.V: Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh ta đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?
 

Ông Siu Trung. Ảnh: Anh Huy
Ông Siu Trung. Ảnh: Anh Huy

- Ông SIU TRUNG: Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh luôn hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức tự giác trong tiêu dùng, sử dụng hàng Việt; hướng dẫn MTTQ các cấp trong tỉnh lồng ghép thực hiện CVĐ gắn với CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các tổ chức chính trị-xã hội gắn CVĐ với các phong trào thi đua, các chương trình, CVĐ của cấp mình triển khai. Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh kịp thời đăng tải nhiều hình ảnh, bài viết, phóng sự truyền hình để người tiêu dùng tìm hiểu, nắm bắt thông tin và ưu tiên lựa chọn, mua sắm hàng Việt. Các cơ quan, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo cũng chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động tích cực hưởng ứng CVĐ bằng những việc làm cụ thể: mua sắm vật dụng hàng ngày, trang-thiết bị phục vụ cơ quan là những sản phẩm do Việt Nam sản xuất.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp tổ chức 4 lớp tập huấn với trên 400 đại biểu tham gia về nội dung triển khai các phong trào thi đua yêu nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Báo Gia Lai và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh tăng cường lượng tin, bài, phóng sự quảng bá các sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam đạt chất lượng cao, những thương hiệu có uy tín trên thị trường nhằm tạo dựng niềm tin đối với người dân trong tỉnh khi sử dụng hàng hóa Việt Nam. Sở Công thương đã xây dựng và xuất bản 12 số bản tin hoạt động công nghiệp và thương mại, xuất bản 300 ấn phẩm tuyên truyền quảng bá các mặt hàng đặc trưng của tỉnh và cung cấp các thông tin liên quan đến xuất khẩu trên website...

Các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện cũng đã vào cuộc quyết liệt ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc để bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh từ đó tích cực tham gia CVĐ. Các doanh nghiệp chủ động tham gia các phiên chợ hàng Việt về nông thôn gồm nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, từng bước nâng cao nhận thức của người dân khi mua sắm và sử dụng hàng Việt Nam.

Ngoài ra, việc triển khai các chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, sức tiêu thụ hàng Việt tại các chợ nông thôn gia tăng, việc sử dụng hàng nội địa dần trở thành thói quen của người dân. Kết quả triển khai CVĐ đã từng bước hình thành văn hóa tiêu dùng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, thể hiện sâu sắc lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Cuộc vận động đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 Phiên chợ hàng Việt về miền núi tại xã Ia Nan, huyện Đức Cơ. Ảnh: Vũ Thảo
Phiên chợ hàng Việt về miền núi tại xã Ia Nan, huyện Đức Cơ. Ảnh: Vũ Thảo



*P.V: Thưa ông, để CVĐ ngày càng lan tỏa sâu rộng và việc ưu tiên dùng hàng Việt trở thành thói quen trong các tầng lớp nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ đã và sẽ có những giải pháp cụ thể nào?

- Ông SIU TRUNG: Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện CVĐ, Ban Chỉ đạo đã đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện cụ thể gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền; hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy mạnh mẽ vai trò các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nước; chú trọng các hoạt động phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam; thúc đẩy sử dụng ngày càng nhiều hàng hóa, dịch vụ Việt Nam có chất lượng tốt; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích; tăng cường kiểm tra, giám sát; tổ chức sơ kết, tổng kết và biểu dương, tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong CVĐ; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp, các ngành, các tổ chức thành viên.

Ban Chỉ đạo tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa CVĐ, vận động kiều bào ưu tiên sử dụng sản phẩm hàng hóa Việt Nam, đồng thời, tích cực quảng bá hàng hóa Việt Nam ở nước sở tại. Thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Chỉ thị số 03 gắn với các CVĐ, các phong trào thi đua yêu nước của MTTQ và các tổ chức thành viên nhằm vận động các tầng lớp nhân dân thi đua sáng tạo thực hành tiết kiệm, dồn sức tham gia phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Bên cạnh đó, tuyên truyền giới thiệu các doanh nghiệp tiêu biểu, địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng có thông tin; phối hợp các cơ quan, tổ chức vinh danh các doanh nghiệp sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh; phối hợp tổ chức bình chọn các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, được người tiêu dùng tin cậy. Nêu cao trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh góp phần cùng chính quyền thực hiện hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới. Vận động, hướng dẫn người dân giám sát phát hiện, tố giác hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhái, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý kịp thời nhằm bảo vệ người tiêu dùng...

*P.V: Xin cảm ơn ông!
 

ANH HUY (thực hiện)

 

 

Có thể bạn quan tâm