Đầy ắp tình người sau clip học trò miền núi mang gạo đi đổi bút chì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau khi chia sẻ clip học trò miền núi mang gạo đi đổi bút chì, thầy giáo xúc động vì 'bị ngộp' trong quà tặng là quần áo, đồ dùng học tập của dân mạng khắp nơi gửi về cho các em.

Vừa qua, thầy giáo Đồng Xuân Huyền, giáo viên Trường tiểu học Phan Chu Trinh (H.Phú Thiện, Gia Lai) ngồi ở ghế đá sân trường thì một học trò lớp 2 xách bịch gạo đến hỏi: "Mua gạo không?" khiến thầy ngỡ ngàng. Sau khi hỏi thăm, thầy giáo càng ngạc nhiên hơn khi biết học trò bán gạo lấy tiền mua bút chì.

Hình ảnh học trò mang gạo đi bán để mua bút chì khiến nhiều người xúc động
Hình ảnh học trò mang gạo đi bán để mua bút chì khiến nhiều người xúc động

Lòng tốt của cộng đồng mạng

Cậu học sinh trong clip trên là Nay Thất, người dân tộc Jrai. Cha mẹ ly hôn, Nay Thất được bà ngoại đón về chăm sóc. Vốn tiếng Kinh hạn chế, khi giao tiếp, Nay Thất cũng như các bạn cùng trang lứa chỉ nói được những câu đơn giản. Em cho biết bịch gạo được bà cho mang đi bán để mua bút.

"Thời tôi đi học có khó khăn nhưng không đến nỗi này. Nay học trò của mình còn phải mang gạo đi đổi bút nên tôi quá bất ngờ. Tôi lấy bút của mình tặng học trò và nói em mang gạo về nấu ăn", thầy Huyền kể.

Những món quà của cộng đồng mạng gửi về giúp học trò vùng cao
Những món quà của cộng đồng mạng gửi về giúp học trò vùng cao

Sau đó, thầy giáo gửi đoạn clip này cho em gái của mình, chị Đồng Thị Trang (34 tuổi), người thường tặng đồ dùng học tập cho học trò, xem. Ngay lập tức, chị Trang nhờ thầy mua 100 cây bút để sẵn và tặng các em khi cần. Chị Trang nói: "Tôi không có nhiều nên giúp được gì thì giúp thôi. Tôi đăng clip này lên mạng không phải để kêu gọi nhưng bất ngờ clip được lên xu hướng, rất nhiều người liên hệ xin thông tin để gửi quà đến các em. Một số người muốn gửi tiền nhưng tôi và anh trai không nhận, chỉ nhận quà và làm cầu nối chuyển đến các em học sinh người đồng bào".

Cả một tuần sau đó, thầy Huyền liên tục nhận quà gồm sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, giày dép, gạo, mì từ khắp nơi gửi về… Có những món quà được bọc gói cẩn thận kèm những lời nhắn gửi thân thương. Các thầy cô trong trường cùng hỗ trợ tặng cho học trò. Không chỉ Nay Thất, gần 600 em học sinh nhận được quà từ cư dân mạng.

"Người đưa đò" ở vùng đặc biệt

Năm 2011 khi vừa ra trường, thầy Huyền từ Hà Tĩnh vào Gia Lai công tác. Tiếp xúc nhiều lứa học sinh người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn nhưng thật thà, chất phác, thầy giáo quê miền Trung quyết tâm gắn bó với vùng đất đầy nắng này. Hôm nào thấy học sinh vắng, thầy Huyền cùng đồng nghiệp lại chia nhau tìm đến nhà để đưa các em quay lại trường học.

Thầy giáo xúc động chia sẻ: "Lúc tôi mang quần áo, mì, sữa đến nhà Nay Thất, em mừng nói "Ôi, cảm ơn!". Thấy học sinh vui tươi, đầy đủ bút vở có động lực đến trường tôi cũng hạnh phúc. Không ngờ sức mạnh cộng đồng mạng lớn tới vậy".

Những món quà của cộng đồng mạng gửi về giúp học trò vùng cao
Những món quà của cộng đồng mạng gửi về giúp học trò vùng cao

Ông Phan Công Đương, Trưởng phòng GD-ĐT H.Phú Thiện, cho biết huyện là vùng miền núi khó khăn, tỷ lệ dân tộc thiểu số trên 60%, trong đó có một số xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Do vậy, nhiều em học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn.

Các thầy cô giáo, những người làm trong ngành giáo dục cũng chính là người kết nối nhà hảo tâm tài trợ quần áo, bút, sách vở, xây trường, nấu cơm cho học sinh ăn để đi học. Việc duy trì số lượng học sinh tới trường được đặt lên hàng đầu, giáo viên quan tâm dạy dỗ các em như người mẹ thứ hai.

"Để chăm lo đời sống cho học sinh dân tộc thiểu số và động viên các em tới trường, ngành giáo dục huyện tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thể dục thể thao phù hợp với nét văn hóa của dân tộc, tăng cường tiếng Việt giúp các em có kỹ năng giao tiếp, tổ chức các hoạt động kết nối yêu thương", Trưởng phòng GD-ĐT H.Phú Thiện thông tin.

Theo Vũ Phượng (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đừng để tâm hồn nghèo nàn

Đừng để tâm hồn nghèo nàn

(GLO)- Nhớ hồi dạy bài Thu điếu (Nguyễn Khuyến) trong chương trình Ngữ văn lớp 11, tôi đã hỏi học trò: Em từng có ấn tượng hay cảm xúc đặc biệt gì với mùa thu chưa? Nhiều em trả lời ngập ngừng: “Em thấy mùa thu… trời mát mẻ”, “Em thấy mùa thu… lá cây rụng nhiều”, “Em thấy mùa thu… thường mưa”.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…