Đấu thầu, cung ứng thuốc: “Bài toán” cần lời giải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Đợt giám sát vừa qua của Thường trực HĐND tỉnh cho thấy, việc đấu thầu, cung ứng thuốc thuộc danh mục được Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán của các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh quản lý giai đoạn 2021-2024 gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh.

Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT và công tác khám-chữa bệnh. Đây là “bài toán” cần lời giải để bảo đảm hoạt động của các cơ sở y tế cũng như công tác chăm sóc sức khỏe người dân.

Thiếu thuốc BHYT

Từ ngày 17-7 đến 6-8, đoàn giám sát do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút làm trưởng đoàn đã triển khai giám sát “Việc đấu thầu, cung ứng thuốc thuộc danh mục được Quỹ BHYT thanh toán của các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh quản lý giai đoạn 2021-2024” tại 12 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, 5 bệnh viện tuyến tỉnh và Sở Y tế.

Qua giám sát đã nổi lên một số vấn đề. Đó là việc xây dựng kế hoạch sử dụng thuốc của một số trung tâm y tế chưa sát với nhu cầu thực tế, mô hình bệnh tật, dân số tại địa phương và thẻ BHYT người dân đăng ký khám-chữa bệnh ban đầu tại địa phương.

Cùng 1 loại thuốc nhưng có đơn vị đề xuất dự trù từ 2 đến 3 danh mục thuốc có thành phần tương tự để tránh rớt thầu, dẫn tới việc thực hiện cam kết sử dụng thuốc BHYT chưa đạt tối thiểu 80% số lượng mà đơn vị đã lập kế hoạch. Vẫn còn một số loại thuốc không lựa chọn được nhà thầu, dẫn đến thiếu các loại thuốc gây nghiện, hướng thần, thuốc phục vụ cấp cứu, thuốc tiền chất, chuyên khoa đặc trị, các vị thuốc y học cổ truyền…

Thực tế đó đã ảnh hưởng đến quyền lợi khám-chữa bệnh của bệnh nhân có thẻ BHYT, gây khó khăn cho các y-bác sĩ khi lựa chọn thuốc có thành phần tương đương thay thế hoặc phải chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên để điều trị vì không có thuốc.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra việc cấp thuốc bảo hiểm y tế cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: N.N

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra việc cấp thuốc bảo hiểm y tế cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: N.N

Bác sĩ Lý Tiến Thành-Phó Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh-cho biết: “Từ tháng 8-2023 đến thời điểm giám sát, đơn vị không đấu thầu được và không có vị thuốc y học cổ truyền (dạng thuốc sắc) để phục vụ khám-chữa bệnh”.

Còn bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì cho hay: Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tại địa phương đối với thuốc gây nghiện, hướng thần, tiền chất gặp khó khăn do các thuốc này phải quản lý chặt chẽ, có ít hoặc không có nhà thầu tham dự.

Qua các đợt đấu thầu tập trung cấp địa phương tỉnh Gia Lai như năm 2021-2022, thuốc Morphin, Pethidin, Tramadol (dạng tiêm) không có nhà thầu tham gia, thuốc Phenobarbital (dạng tiêm) không xây dựng được giá kế hoạch; năm 2023-2024, thuốc Morphin, Pethidin, Tramadol không có kết quả trúng thầu.

“Để đảm bảo có thuốc chữa bệnh cho người dân, Bệnh viện phải tự tổ chức đấu thầu nhiều lần, mất rất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến công tác chuyên môn. Mặc dù đơn vị cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu thuốc BHYT nhưng vẫn có một số trường hợp người bệnh BHYT phải tự mua thuốc vì thiếu thuốc”-bác sĩ Phúc nói.

Theo Giám đốc Sở Y tế Lý Minh Thái: Hiện nay, Gia Lai chưa có đơn vị đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương chuyên nghiệp. Do đó, UBND tỉnh giao Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị làm nhiệm vụ này. Sở Y tế phải trưng tập các dược sĩ, bác sĩ, kế toán và một số vị trí liên quan tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các cơ sở y tế trên địa bàn để thành lập Tổ chuyên gia và Tổ thẩm định làm công tác xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, lập hồ sơ mời thầu, đánh giá kết quả lựa chọn nhà thầu cũng như công tác thẩm định.

Do đây là nhiệm vụ kiêm nhiệm nên gặp một số khó khăn trong triển khai như: vừa thực hiện nhiệm vụ đấu thầu vừa phải đảm bảo công tác khám-chữa bệnh; nhân sự không chuyên sâu lĩnh vực đấu thầu thuốc; thời gian thực hiện công tác đấu thầu thuốc thường kéo dài 6 tháng từ khi xây dựng danh mục đến lúc công bố kết quả lựa chọn nhà thầu.

Ngoài ra, việc thanh quyết toán 20% còn lại của quý IV từ Quỹ BHYT phải chờ đến tháng 10 năm sau tạo gánh nặng và ảnh hưởng đến việc chi trả các chế độ, chính sách cho đội ngũ y-bác sĩ cũng như chi trả tiền thuốc cho các nhà thầu.

Cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc

Làm việc với đoàn giám sát, đại diện các đơn vị đã kiến nghị cấp thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, cung ứng thuốc. Dược sĩ Hoàng Văn Hoa-Trưởng khoa Dược (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) nêu ý kiến: “Đa số y-bác sĩ làm công tác đấu thầu hiện nay đều thiếu chuyên môn nghiệp vụ trong công tác này. Tuy có tập huấn nhưng thời gian ít nên cũng không thể nắm bắt hết các quy định dẫn đến khi thực hiện nhiệm vụ thì ở trong tình cảnh “vừa làm vừa lo”. Tôi kiến nghị tỉnh cần thành lập đơn vị đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương”.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút đề nghị Sở Y tế sớm tổ chức tuyển dụng viên chức năm 2024 để bổ sung đủ chỉ tiêu biên chế cho các trung tâm y tế còn thiếu. Đồng thời, rà soát, kiện toàn các chức danh lãnh đạo tại cơ sở y tế công lập để đảm bảo đủ nhân lực trong quản lý, điều hành công tác khám-chữa bệnh cho người dân; nghiên cứu hỗ trợ chi phí cho các viên chức của Sở được trưng tập thực hiện công tác đấu thầu tập trung cấp địa phương.

Hiện nay, một số thuốc không trúng thầu theo kết quả đấu thầu tập trung cấp địa phương thì các trung tâm y tế, bệnh viện thường phải chỉ định thầu. Nhưng do gói thầu số lượng ít, giá trị nhỏ nên nhiều nhà thầu không tham gia.

Ông Vũ Chí Hùng-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa-kiến nghị Sở Y tế tiếp tục đấu thầu tập trung cấp địa phương lần 2 đối với những mặt hàng không trúng thầu lần 1, tránh tình trạng các đơn vị xin mua sắm theo hình thức chỉ định thầu, mỗi đơn vị một giá khác nhau.

Ông Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn giám sát-nhìn nhận: Qua giám sát cho thấy có tình trạng thiếu thuốc, tuy không trầm trọng nhưng ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT và công tác khám-chữa bệnh. Đây là vướng mắc cần quan tâm tháo gỡ kịp thời.

Hiện nay, mô hình đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương là phù hợp. Vấn đề còn vướng là việc thanh quyết toán 20% còn lại của quý IV từ Quỹ BHYT phải chờ đến tháng 10 năm sau dẫn đến các bệnh viện chậm được thanh toán và thiếu kinh phí thanh toán tiền thuốc. Việc này là bất cập, phải kiến nghị tháo gỡ.

Đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai kiểm tra việc bảo quản thuốc tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện

Đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai kiểm tra việc bảo quản thuốc tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện

Đánh giá về đợt giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút nhấn mạnh: Đợt này, đoàn đã tiến hành giám sát trực tiếp tại 12 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và 5 bệnh viện tuyến tỉnh.

Qua đó, đoàn đã đánh giá một số kết quả đạt được và làm rõ những vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách trong quá trình triển khai thực hiện đấu thầu, cung ứng thuốc. Đây là cơ sở để kiến nghị, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét tháo gỡ khó khăn. Sở Y tế có trách nhiệm báo cáo vấn đề khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện đấu thầu, cung ứng thuốc; rà soát và bổ sung phần kiến nghị.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng cho rằng, Sở Y tế cần tổ chức tập huấn, quán triệt, hướng dẫn cho các bệnh viện, trung tâm y tế về các quy định mới liên quan đến công tác đấu thầu thuốc. Bên cạnh đó, Sở cần lưu ý các đơn vị đấu thầu tập trung và kiểm soát việc cung ứng thuốc, nhất là đối với các loại thuốc giải độc tại các trung tâm y tế để kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa.

Đối với danh mục thuốc xây dựng đấu thầu, Sở cần quan tâm đến các đối tượng bệnh lao, nhi, tâm thần…; thường xuyên theo dõi tình hình để đánh giá năng lực nhà thầu, đảm bảo cung ứng thuốc kịp thời cho các cơ sở y tế công lập.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút phát biểu kết thúc buổi giám sát tại Sở Y tế. Ảnh: N.N

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút phát biểu kết thúc buổi giám sát tại Sở Y tế. Ảnh: N.N

Đối với Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút chỉ rõ: Điều 32 Luật BHYT quy định, tổ chức BHYT có trách nhiệm tạm ứng kinh phí hàng quý cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT tối thiểu bằng 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT thực tế của quý trước đã được quyết toán và trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT, tổ chức BHYT có trách nhiệm xem xét và thông báo kết quả quyết toán chi phí.

Tuy nhiên, việc thanh quyết toán 20% kinh phí còn lại của quý IV phải chờ đến tháng 10 năm sau đã khiến các cơ sở y tế gặp khó khăn. Đề nghị Bảo hiểm Xã hội tỉnh nghiên cứu thực hiện quyết toán kinh phí quý IV theo Điều 32 Luật BHYT. Bảo hiểm Xã hội tỉnh cần nghiên cứu hỗ trợ kinh phí chi trả cho việc trưng tập nhân lực từ các cơ sở y tế làm công tác đấu thầu thuốc để giảm gánh nặng chi thường xuyên cho các cơ sở y tế công lập.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh cũng cần phối hợp với Sở Y tế thực hiện thanh quyết toán BHYT, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên xem xét giải quyết.

Có thể bạn quan tâm

Người ủng hộ đòi bảo vệ ông Trump như tổng thống Biden, mật vụ Mỹ càng thêm bị nghi ngờ

Người ủng hộ đòi bảo vệ ông Trump như tổng thống Biden, mật vụ Mỹ càng thêm bị nghi ngờ

(GLO)- Truyền thông Mỹ ngày 16/9 đưa tin, ngay sau vụ ông Trump bị ám sát hụt lần hai, những người ủng hộ ông đã yêu cầu cựu Tổng thống cần được lực lượng mật vụ tăng cường bảo vệ hơn nữa, nhất là trong những lần ông xuất hiện trước đông người và thời gian đến ngày bầu cử không còn nhiều.
Vụ 21 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm tại thành phố Pleiku: Tạm đình chỉ hoạt động cơ sở cung cấp thực phẩm

Vụ 21 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm tại thành phố Pleiku: Tạm đình chỉ hoạt động cơ sở cung cấp thực phẩm

(GLO)- Ngay sau khi nhận thông tin về vụ 21 học sinh nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), ngày 16-9, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có Công văn số 2385/ATTP-NDTT về việc điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm gửi Sở Y tế Gia Lai.
Đồng lòng hướng về bà con vùng lũ

Gia Lai đồng lòng hướng về bà con vùng lũ

(GLO)- Sau khi cơn bão Yagi (bão số 3) gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh phía Bắc, người dân cả nước, trong đó có Gia Lai đã đồng lòng hướng về bà con vùng bão lũ bằng nhiều cách thức ủng hộ thiết thực, đậm nghĩa đồng bào. Đến 16-9,  Gia Lai đã ủng hộ hơn 8 tỷ đồng và nhiều hàng hóa.

Pleiku: 21 học sinh đau bụng, buồn nôn sau khi uống trà sữa, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm

Pleiku: 21 học sinh đau bụng, buồn nôn sau khi uống trà sữa, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm

(GLO)-Tin từ Trung tâm Y tế TP. Pleiku, đơn vị đang điều tra, xác minh trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau khi uống trà sữa trong tiệc liên hoan nhân dịp Tết Trung thu tại lớp 7.1 Trường THCS Tôn Đức Thắng (phường Thống Nhất, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) khiến 21 học sinh đau bụng, buồn nôn.
Cẩn thận khi mua bánh Trung thu

Cẩn thận khi mua bánh Trung thu

(GLO)- Bánh Trung thu là thực phẩm không thể thiếu mỗi dịp trăng rằm tháng 8. Với nhiều chủng loại được bày bán trên thị trường, làm thế nào để chọn được bánh Trung thu ngon, giá cả phải chăng, an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng là vấn đề được nhiều người quan tâm.
10 chuyến xe chở gần 200 tấn hàng của Gia Lai, Kon Tum lăn bánh hướng về đồng bào miền Bắc

10 chuyến xe chở gần 200 tấn hàng của Gia Lai, Kon Tum lăn bánh hướng về đồng bào miền Bắc

(GLO)- Chiều 13-9, tại Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku), Nhà xe Phi Hổ, Công ty cổ phần Hoàng Kim Tây Nguyên và Chủ nhà hàng Đồng Xanh Thuận Sơn tổ chức 10 “chuyến xe nghĩa tình” chở gần 200 tấn hàng cứu trợ của người dân Gia Lai, Kon Tum hướng về đồng bào miền Bắc bị thiệt hại bởi cơn bão số 3.