Thắp nén nhang ngày đầu xuân tưởng nhớ vị nữ anh hùng dân tộc Trệu Thị Trinh tại đền tưởng niệm bà tại làng Phú Điền- huyện Hậu Lộc- Thanh Hoá trở thành nét văn hoá đẹp của người xứ Thanh nói riêng và người Việt nói chung.
Cái rạo rực, bồi hồi cứ níu chặt lấy tôi trên đường ra viếng đền Bà Triệu- vị Nữ Vương tài giỏi đã có công lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Ngô cuối thế kỉ thứ 3. Mới sáng tinh mơ ngày mồng một Tết mà người tới viếng đền đã nườm nượp đổ về. Sở dĩ gọi khu khu di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia này là “Đền Bà Triệu” là bởi nhân dân quen gọi vị nữ tướng Triệu Thị Trinh là Bà Triệu với lòng kính cẩn và tưởng nhớ công ơn to lớn của bà.
Khu đền tưởng niệm Bà Triệu dựng trên núi Gai (hay còn gọi là núi Ải, núi Nưa) theo lối kiến trúc “Nội công ngoại quốc”. Qua cổng đền là một hồ sen rộng gồm cổng tam quan dẫn tới một hồ sen rộng bốn bề kè đá. Sau nhà tiền đường là một khoảng sân nhỏ, hai bên tả hữa là nhà tiếp khách và sửa soạn đồ lễ. Cuối sân là ba gian hậu cung. Toàn bộ khu đền trông về hướng Tây, dựa lưng vào núi, vững chãi và uy nghi. Đền nằm ngay quốc lộ 1A nên trên đường thiên lý ra Bắc vào Nam, bất cứ ai cũng có thể dừng chân vào viếng đền, thắp nén nhang tưởng nhớ và bày tỏ niềm biết ơn sâu sắc của hậu thế đối với vị nữ tướng dũng cảm, kiên cường.
Một góc đền Bà Triệu. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Vào ngày Tết, đền Bà Triệu đón hàng ngàn lượt người từ khắp nơi đổ về. Trong không gian linh thiêng ấy, ngoài thắp hương tưởng nhớ tới vị nữ anh hùng dân tộc, người dân còn gửi gắm bao ước vọng. Hương trầm thơm ngát với làn khói trầm mặc, bảng lảng khiến lòng người càng vội vàng ngay từ cổng đền. Vào sâu bên trong, ai cũng muốn thắp thêm một nén nhang cầu mong những điều bình an, tốt lành trong dịp đầu xuân mới. Có một điều lạ là, khu Hậu cung không rộng cửa đón du khách như gian Tiền đường mà cửa đóng then cài. Dù vậy, vẫn không ngăn được rất đông người đến dâng lễ, thắp nhang ngoài cửa. Người quản lý ở đây cho biết, những kẻ săn lùng đồ cổ luôn dòm ngó và lấy cắp khá nhiều vật quý nên gian hậu cung luôn phải đóng cửa phòng kẻ gian. Mồng một Tết đúng vào ngày Lễ tình yêu nên rất nhiều cặp nam thanh nữ tú sau khi thắp nhang viếng đền đã đến đây, tay trong tay cùng cầu mong những điều thầm kín với ý nguyện chân thành bên người tri âm.
Sau khi viếng đền, dòng người lại nườm nượp kéo lên núi hái lộc và thưởng ngoạn cảnh đẹp thơ mộng từ độ cao gần cả nghìn mét. Không bỏ lỡ dịp, chúng tôi cũng hoà vào dòng người đông như trẩy hội leo lên tận đỉnh núi với bao háo hức. Ngọn núi Gai không hiểu sao có rất nhiều tên gọi, người gọi núi Bân, có người lại gọi núi Nưa… Anh bạn học cùng cấp ba với tôi nhà ở ngay chân núi, bố lại là một thầy giáo dạy lịch sử nên kể cho tôi nghe bao nhiêu câu chuyện lịch sử từ thời Bà Triệu cho đến những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ kiên cường của dân ta liên quan tới ngọn núi này. Chứng nhân bao thăng trầm lịch sử, trên mình vẫn còn lại nhiều hố bom mìn nhưng giờ đây, ngọn núi lại trở thành nơi thưởng ngoạn cảnh đẹp vô vùng hẫp dẫn với du khách. Lên đây, mọi người không quên hái một cành lộc biếc, dù chỉ là một nhánh cây rừng hy vọng gặp nhiều tài lộc trong năm mới.
Thắp nhang cầu an lành. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Du khách khi ra về cũng không quên rút cho mình một lá số may mắn trong năm mới. Sau khi rút được lá số tốt, họ thường tới nhờ những cụ già ghi lại những điều tốt lành lên một tờ giấy vàng (gọi là sớ) và mang về treo trong nhà. Vì thế, những cụ già áo dài, khăn đóng ngồi viết sớ là hình ảnh không thể thiếu, đồng thời làm nên không gian văn hoá độc đáo tại đây.
Đi lễ chùa mỗi dịp tết đến xuân về, đặc biệt là thắp nhang tưởng nhớ những anh hùng dân tộc trong những đền, miếu linh thiêng với tấm lòng thành kính trở thành tín ngưỡng của người Việt, mang trong mình bao nét văn hoá đẹp. Còn tôi, đã thoả cái háo hức, cái mong đợi của một người con xa quê lâu ngày về chốn cũ. Thế mới càng hiểu, vì sao người ta vẫn đau đáu với chốn cũ quê xưa dù ở bất cứ phương trời nào…
Hoàng Ngọc (mail từ Thanh Hóa)