Đánh thức tiềm năng phát triển cây dược liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 3-7-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn phát triển cây dược liệu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, Gia Lai đã định hình một số vùng chuyên canh cây dược liệu, mở hướng phát triển kinh tế trong những năm tới.

Tiềm năng dồi dào

Gia Lai là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn, phong phú và đa dạng về sinh học, có hệ động-thực vật rừng phong phú. Đặc biệt, có 573 loài dược liệu quý hiếm, có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm dược liệu chủ lực, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 7.798 ha dược liệu. Trong đó, chủ yếu trồng trên đất nông nghiệp khoảng 7.149 ha, dược liệu dưới tán rừng khoảng 649 ha; tập trung tại một số huyện như: Kbang, Kông Chro, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Sê, Chư Pưh…

Những năm 2016-2017, hồ tiêu chết, giá thấp, nhiều nông dân trồng hồ tiêu ở huyện Chư Sê và Chư Pưh rơi vào cảnh khó khăn chồng chất. Trong lúc loay hoay tìm cây trồng phù hợp thì một số người dân từ tỉnh Thái Bình vào mua đất trồng hoa hòe-một loại dược liệu quý có đặc tính chịu hạn tốt, nhanh thu hoạch, chi phí đầu tư thấp hơn so với các loại cây công nghiệp dài ngày khác. Vì vậy, một số hộ mua giống hoa hòe trồng thử nghiệm và đã đem lại hiệu quả kinh tế khả quan.

1-8516.jpg
Người dân xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) đầu tư mở rộng diện tích trồng cây hoa hòe. Ảnh: N.D

Bà Mai Thị Hiếu (thôn Phú Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cho hay: Những năm trước, vườn hồ tiêu của gia đình bị chết nhiều, giá xuống thấp khiến cuộc sống rơi vào cảnh nợ nần. Khi thấy một số hộ trong xã trồng cây hoa hòe, bà đã tìm đến học tập kỹ thuật, kinh nghiệm và áp dụng vào trồng khoảng 2 ha. Khoảng 8 tháng, cây hoa hòe bắt đầu thu hoạch rải đều quanh năm.

Sản phẩm hoa hòe khô được thương lái thu mua ổn định 70-80 ngàn đồng/kg, có thời điểm lên đến 180-200 ngàn đồng/kg. Nhờ đó, gia đình bà có nguồn thu nhập ổn định với gần 300 triệu đồng/năm.

“Từ 2 ha ban đầu, hiện nay, tôi mở rộng diện tích trồng mới hơn 3 ha và chuẩn bị cho thu hoạch. Cây hoa hòe không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương trong khâu chăm sóc, thu hoạch”-bà Hiếu nói.

Còn ông Đào Tiến Tình-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đào Tiến Phát Gia Lai (thị trấn Chư Sê) chia sẻ: “Tôi trồng hoa hòe được hơn 5 năm theo hướng ứng dụng công nghệ cao như tưới nước nhỏ giọt, sử dụng phân bón hữu cơ… Sản phẩm trà hoa hòe của Công ty được công nhận OCOP 3 sao.

Hiện tại, với diện tích 30 ha trồng tại các huyện Chư Sê và Mang Yang, mỗi năm, chúng tôi thu được khoảng hơn 50 tấn hoa hòe khô, bán với giá thị trường khoảng 60 ngàn đồng/kg, doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng”.

Cũng theo ông Tình, cây hoa hòe cho thu hoạch quanh năm, ít bị sâu bệnh gây hại, chi phí đầu tư thấp hơn cây công nghiệp dài ngày nên đây là hướng phát triển kinh tế ổn định của Công ty và bà con nông dân trong những năm tới.

Hiện nay, có 55 sản phẩm dược liệu được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, OCOP 4 sao. Nhiều sản phẩm tiêu thụ mạnh, được người tiêu dùng đánh giá cao như: cà gai leo, tinh dầu sả, trà sâm linh chi đại ngàn, trà đinh lăng, nấm linh chi đỏ, đan sâm sấy khô…

Thúc đẩy phát triển cây dược liệu

Nghị quyết số 09 đã góp phần đánh thức tiềm năng phát triển cây dược liệu tại một số địa phương trong tỉnh, tạo động lực để các địa phương, người dân, doanh nghiệp tham gia vào công tác bảo tồn, phát triển sản xuất cây dược liệu theo hướng bền vững.

Diện tích cây dược liệu ngày càng tăng trên phần đất nông nghiệp, từng bước hình thành các vùng trồng dược liệu tập trung tại các huyện: Kbang, Mang Yang, Chư Sê, Chư Pưh, thị xã An Khê… Đồng thời, đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm dược liệu.

Ông Trương Thanh Hà-Quyền Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp-Kiểm lâm tỉnh-cho biết: Tiềm năng phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển ổn định, người dân đã ý thức được bảo tồn và phát triển cây dược liệu trong phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn nhất định như các địa phương chưa điều tra, thống kê, tổ chức bảo tồn và khai thác bền vững dược liệu tự nhiên; phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, còn mang tính tự phát, diện tích trồng, chế biến còn hạn chế.

Bên cạnh đó, người trồng chưa quan tâm đến thổ nhưỡng, kỹ thuật trồng để bảo tồn các dược liệu quý. Một số địa phương chế biến dược liệu theo phương pháp truyền thống phơi khô hoặc sấy… mà chưa sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn, công nghệ cao.

hoa-hoe-say-kho-chuan-bi-xuat-ban-cua-nguoi-dan-xa-ia-blu.jpg
Hoa hòe sấy khô chuẩn bị xuất bán của người dân xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh. Ảnh: N.D

Theo quyền Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp-Kiểm lâm tỉnh, mới đây, Chính phủ tổ chức họp cho ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp có bổ sung chi tiết về nuôi, trồng, phát triển và thu hoạch cây dược liệu trong rừng.

Việc sửa đổi Nghị định nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý; trong đó, đặt ra yêu cầu bổ sung chính sách khuyến khích hỗ trợ tổ chức, cá nhân trồng dược liệu, mở rộng khu vực trồng dược liệu tại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên… Đây là bước đột phá mới để dược liệu trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh trong những năm tới.

“Thời gian tới, Chi cục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị liên quan hoàn thành thống kê, khai thác bền vững vùng dược liệu tự nhiên, hình thành các cơ sở liên kết sản xuất gắn với chế biến dược liệu; tập trung phát triển ổn định cây dược liệu. Đồng thời, tổ chức rà soát xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho từng loại cây dược liệu phù hợp…”-ông Trương Thanh Hà nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn sử dụng hệ thống quản lý văn bản iDesk

Tập huấn sử dụng hệ thống quản lý văn bản iDesk

(GLO)- Ngày 27-6, Chi cục Lâm nghiệp- Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai) tổ chức tập huấn sử dụng hệ thống quản lý văn bản iDesk sau sáp nhập tỉnh. Tham dự có lãnh đạo Chi cục cùng lãnh đạo các phòng chuyên môn, Hạt Kiểm lâm và 3 Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng.

Xuất khẩu gạo đạt 2,34 tỷ USD. Ảnh: Nguồn internet

Xuất khẩu gạo đạt 2,34 tỷ USD

(GLO)- Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong tháng 5-2025, Việt Nam đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn gạo, trị giá hơn 573 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo, trị giá 2,34 tỷ USD.

Đòn bẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đòn bẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Sau hơn 4 năm triển khai (2021-2025), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã góp phần giảm nghèo bền vững và tạo động lực để các địa phương phát triển. Chương trình là đòn bẩy cho sự phát triển vùng đồng bào DTTS.

Giấc mơ của những người tha hương

Giấc mơ của những người tha hương

(GLO)- Khu vực gần Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (thuộc làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) từng được ví như vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” bởi sự hoang vắng và cằn cỗi. Ấy thế mà với những người dân miền Tây Nam Bộ tha hương, nơi đây trở thành miền đất hứa và cùng xây dựng quê hương thứ hai.

Cộng đồng chung tay bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Cộng đồng chung tay bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, những năm gần đây, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã triển khai giao khoán quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) cho cộng đồng dân cư sinh sống ở vùng đệm; qua đó, tạo sinh kế, giúp người dân cải thiện thu nhập và bảo vệ tài nguyên rừng tốt hơn.

Đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng hồ tiêu

Đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng hồ tiêu

(GLO)- Khoảng 2 năm trở lại đây, hồ tiêu tăng giá giúp bà con nông dân có lợi nhuận khá. Dù vậy, hiện nay, người dân không ồ ạt đầu tư trồng mới mà chỉ trồng dặm tại những trụ hồ tiêu bị chết và trồng xen vào vườn cà phê, cây ăn quả. Đồng thời, đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng hồ tiêu.

null