Với việc khởi nghiệp từ dược liệu theo hướng xanh và bền vững, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ) đã chế biến thành công sản phẩm trà hòa tan từ nấm linh chi, đinh lăng, quả dâu tằm và lạc tiên.
Sản phẩm với thương hiệu Linh Lăng trà đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022 và giành nhiều giải thưởng như: giải nhất cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Gia Lai, giải nhất cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp khu vực miền Trung-Tây Nguyên, giải khuyến khích cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc.
Năm 2022, chị Trang thành lập Công ty TNHH Dược thảo LiLa và đầu tư gần 300 triệu đồng mua sắm trang-thiết bị xây dựng cơ sở sản xuất. Chị cho biết: “Để sản xuất trà thảo dược sạch, đảm bảo chất lượng, việc xây dựng và phát triển vùng trồng dược liệu sạch có ý nghĩa rất quan trọng. Vì thế, Công ty đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn xã Tân An trồng 2 ha đinh lăng, 1 ha nấm linh chi và hơn 5 ha dược liệu khác”.
Việc xây dựng vùng trồng dược liệu theo hướng hữu cơ tại địa phương vừa giúp đơn vị chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng vừa góp phần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp xanh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Hiện Công ty tạo việc làm cho 3-5 lao động địa phương với tiền công 200-300 ngàn đồng/ngày. Thời gian tới, bên cạnh nâng cao chất lượng Linh Lăng trà, chị Trang sẽ sản xuất trà hoa cúc, bí đao, chiết xuất tinh dầu bạc hà…
Cũng tận dụng nguồn dược liệu tại địa phương để khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Hường (thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) đã đầu tư chế biến và xây dựng thương hiệu các sản phẩm dược liệu sấy khô từ hoa đu đủ đực, khổ qua rừng, sâm bố chính…
Với quyết tâm đưa sản phẩm dược liệu địa phương vươn xa, năm 2019, chị Hường đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng hơn 100 m2 chế biến sản phẩm dược liệu sấy khô.
“Trung bình khoảng 7 kg sâm bố chính tươi thì chế biến được 1 kg sấy khô và khoảng 9-10 kg hoa đu đủ đực và khổ qua rừng tươi chế biến được 1 kg sấy khô. Thời gian sấy kéo dài 14-20 giờ/lượt với lượng nhiệt duy trì mức 50-60 độ C nên sản phẩm được cô đặc từ từ, không bị mất đi dược tính và giữ được hương vị đặc trưng.
Thời gian sử dụng có thể kéo dài hơn 1 năm, thuận tiện cho người sử dụng. Ngoài sấy khô, tôi cũng đã cho ra thị trường dòng sản phẩm dược liệu dạng bột và được khách hàng rất ưa chuộng”-chị Hường cho hay.
Mỗi tháng, cơ sở của chị Hường cung cấp ra thị trường khoảng 300 kg hoa đu đủ đực, 200 kg sâm bố chính và 100 kg khổ qua rừng sấy khô. Với giá bán 320 ngàn đồng/kg hoa đu đủ đực, 180 ngàn đồng/kg khổ qua, 500 ngàn đồng/kg sâm bố chính sấy khô, sau khi trừ chi phí, gia đình chị lãi trên 200 triệu đồng/năm. Năm 2023, sản phẩm dược liệu sấy khô của gia đình chị Hường được công nhận OCOP 3 sao cấp huyện.
Nhận thấy nguồn dược liệu tại địa phương rất dồi dào, năm 2023, anh Nguyễn Vũ Phú Trường (thôn 5, xã An Phú, TP. Pleiku) quyết định sản xuất các loại trà thảo mộc theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh tìm hiểu và nghiên cứu cách chế biến trà từ cây tía tô, đinh lăng, lạc tiên, ổi…
Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, ngoài diện tích dược liệu trồng trong vườn nhà, anh còn liên kết với 5 hộ dân trong thôn trồng 5 sào tía tô theo hướng VietGAP. Ngoài ra, anh tiến hành thu mua búp ổi, cây lạc tiên, đinh lăng… với giá 25-60 ngàn đồng/kg.
“Mỗi tháng, tôi tiêu thụ hơn 100 kg lá tươi các loại cây trồng trên cho nông dân trong xã. Việc thu hái và chế biến đều đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi cũng đầu tư gần 70 triệu đồng mua máy sấy, máy xay, máy tiệt trùng… để sản xuất các loại trà thảo mộc từ cây dược liệu”-anh Trường chia sẻ.
Đến nay, sản phẩm trà thảo mộc của anh Trường không chỉ có mặt trên thị trường Gia Lai mà còn mở rộng tiêu thụ tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên. Mỗi tháng, anh xuất bán khoảng 20-25 kg trà đinh lăng, tía tô, lạc tiên, búp ổi sấy khô... với giá gần 1,3 triệu đồng/kg. Hiện anh đưa ra thị trường các loại trà từ cà gai leo, xạ đen, hà thủ ô và có kế hoạch đầu tư mua sắm máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các mô hình khởi nghiệp về sản xuất, chế biến dược liệu. Đây được xem là hướng đi góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Ông Phạm Văn Quyến-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-thông tin: Năm 2023, huyện có 15 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Bên cạnh một số sản phẩm truyền thống như lúa gạo thì xuất hiện nhiều sản phẩm mới, trong đó có sản phẩm dược liệu sấy khô. Theo kế hoạch, năm nay, huyện tiếp tục đánh giá, phân hạng thêm 2 sản phẩm vào OCOP là bột sâm bố chính và dây khổ qua sấy khô.
Huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cũng như làm cầu nối trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các sự kiện do tỉnh, huyện tổ chức, qua đó góp phần đa dạng hóa các sản phẩm đặc trưng cũng như mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương.
Thành phố Pleiku cũng rất chú trọng công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Hiện nay, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn thành phố là 11 ha, chủ yếu là đinh lăng, hà thủ ô, sả, sâm đương quy…
Cây dược liệu được trồng tập trung tại các xã, phường: Chi Lăng, Thống Nhất, Chư Á, An Phú, Diên Phú và xã Gào. Ngoài ra, công tác kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến dược liệu cũng được thành phố chú trọng.
Theo ông Trần Tấn Quang-Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku: Bên cạnh với đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển cây dược liệu, thành phố cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên doanh đầu tư phát triển vùng nguyên liệu dược liệu theo chuỗi giá trị, đặc biệt là khâu bảo quản, chế biến, chiết xuất và hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc.
Cùng với đó, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến; xây dựng và phát triển sản phẩm gắn với du lịch và Chương trình OCOP của địa phương.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, ngày 3-7-2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về bảo tồn và phát triển cây dược liệu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nhận thức và hành động của hệ thống chính trị đã mang lại hiệu quả thiết thực, huy động được nhiều nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư tham gia bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, tổng diện tích dược liệu trên địa bàn tỉnh hơn 7.798 ha. Gia Lai có 55 sản phẩm dược liệu được công nhận OCOP (trong đó có 9 sản phẩm 4 sao, 46 sản phẩm 3 sao).
Đặc biệt, tỉnh có 4 cơ sở chế biến dược liệu gồm: Cụm nhà máy chế biến dược liệu thực phẩm Trường Sinh và Dự án nghiên cứu, hoàn thiện, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến dược liệu (TP. Pleiku); Nhà máy chế biến dược liệu của Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai; Nhà máy chiết xuất tinh chất hoa hòe, dược liệu tại Cụm Công nghiệp An Khê; Nhà máy chế biến dược liệu và nông sản Tây Nguyên tại Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang.
Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, nhiều năm qua, các địa phương, doanh nghiệp và người dân cũng đã mạnh dạn đầu tư phát triển, mở rộng diện tích trồng dược liệu trên đất nông nghiệp trên 7.000 ha với các loại như mật nhân, đinh lăng, lan kim tuyến, sâm bố chính, sâm đương quy, đẳng sâm, cà gai leo, hà thủ ô…
Ngoài 6 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh nghiên cứu và phát triển các loại dược liệu quý, Gia Lai hiện có trên 142 ha dược liệu được trồng theo hướng hữu cơ.
"Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị liên quan thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu, triển khai thực hiện các đề tài, dự án liên quan đến phát triển, sản xuất dược liệu"-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-thông tin.