Liên kết trồng húng quế: Hướng đi mới trong phát triển cây dược liệu tại Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ liên kết với các hộ dân trồng 23 ha húng quế, anh Nguyễn Hoàng Luân (xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu. Mô hình mở ra triển vọng phát triển cây dược liệu tại địa phương.

Thu nhập cao

Anh Nguyễn Hoàng Luân cho biết: Năm 2019, nhờ các mối quan hệ quen biết, anh chọn vùng đất Lào Cai làm nơi khởi nghiệp. Theo đó, anh liên kết với các hộ dân triển khai mô hình trồng húng quế cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh dầu tại địa phương. Giữa năm 2023, anh Luân quyết định đưa loại cây dược liệu này về Krông Pa trồng với mong muốn giúp bà con địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thông qua Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Phú Cần, anh liên kết với 20 hộ dân tại xã Phú Cần và xã Chư Drăng triển khai mô hình trên diện tích 23 ha.

Khi tham gia mô hình, các hộ dân được ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và 5 triệu đồng chi phí đầu tư; đồng thời, được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại. Xuống giống từ tháng 5-2023, cây húng quế sinh trưởng, phát triển tốt, được đánh giá là phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Hiện nay, vườn húng quế bắt đầu cho thu hoạch, năng suất ước đạt 100 tấn/ha/vụ.

Các hộ dân tham quan diện tích trồng húng quế đến kỳ thu hoạch. Ảnh: Vũ Chi

Các hộ dân tham quan diện tích trồng húng quế đến kỳ thu hoạch. Ảnh: Vũ Chi

Không chỉ trực tiếp nhận đầu tư cho các hộ dân, ông Trần Thế Chanh-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Phú Cần còn trồng 1 ha húng quế. Ông cho hay: Toàn bộ diện tích đất này trước đây gia đình ông trồng cây thuốc lá. Tuy nhiên, qua nhiều năm, đất đai bạc màu, sâu bệnh nhiều ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Sau khi tìm hiểu, thấy húng quế là loại cây dễ trồng, cách chăm sóc giống như các loại hoa màu tại địa phương nhưng thu nhập lại cao, đặc biệt không lo đầu ra cho sản phẩm, ông quyết định trồng thử nghiệm trên diện tích 1 ha.

Theo ông Chanh, cây húng quế được sử dụng để chiết xuất tinh dầu nên cần chăm sóc kỹ để năng suất thân, lá, cành đạt cao. Theo đó, người trồng phải chú ý bấm ngọn cho đến khi số cành đạt tối đa, sau đó bón thúc phân và đảm bảo đủ nước tưới để cây húng phát triển nhanh.

“1 ha húng quế của gia đình cho thu hoạch lứa đầu tiên được 25 tấn. Với giá thu mua 2 triệu đồng/tấn, tôi đã lấy lại vốn đầu tư và bắt đầu có lãi từ đợt thu hoạch thứ 2. Dự kiến sau 5 đợt thu, gia đình tôi lãi 180 triệu đồng, bằng với trồng cây thuốc lá. Tuy nhiên, so với trồng thuốc lá, cây húng quế đỡ vất vả hơn rất nhiều và không gây độc hại cho sức khỏe”-ông Chanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thưởng (thôn Hưng Hà, xã Phú Cần) cũng phấn khởi khi 1 ha húng quế đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Theo ông Thưởng, trồng húng quế khá dễ, sau khi làm đất và xuống giống thì chỉ mất công chăm sóc trong khoảng 1 tuần đầu. Cây không cần nhiều phân, ít sâu bệnh nên ít chi phí đầu tư. Sau khi cắt xong lứa đầu tiên thì bón thêm phân hữu cơ. Những đợt thu hoạch sau, cây thường cho năng suất cao hơn đợt đầu 10-15 tấn. Khi năng suất giảm còn khoảng 20 tấn/ha, người trồng nên phá bỏ để xuống giống đợt khác. “Nếu tính cả chi phí hệ thống tưới nhỏ giọt, tôi đầu tư khoảng 70 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi trên 150 triệu đồng”-ông Thưởng nhẩm tính.

Hướng đi mới trong phát triển kinh tế

Nhằm tạo điều kiện cho người dân được hưởng mức giá cao nhất không qua trung gian, giảm chi phí vận chuyển, anh Luân quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu tại xã Chư Drăng. Dự kiến cuối tháng 8 này, nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Anh Luân cho hay: Vùng đất trồng húng quế phải có nắng kéo dài để cây cho mùi thơm đặc trưng. Chính vì vậy, loại cây này rất thích hợp với vùng đất Krông Pa. Tại Krông Pa, húng quế có thể cho thu hoạch 5-6 đợt/năm, lợi nhuận vì vậy sẽ cao hơn.

Theo các hộ trồng húng quế ở xã Phú Cần và Chư Drăng, loại cây trồng này cho lợi nhuận vượt trội hơn lúa, mì, mía và ngang bằng với cây thuốc lá. Không những thế, trồng húng quế nhàn hơn cây thuốc lá về khâu chăm sóc và thu hoạch. Mỗi héc ta húng quế sử dụng khoảng gần 1 kg hạt giống. Sau khi xuống giống 3 tháng, cây cho thu hoạch lứa đầu tiên. Nếu chăm sóc tốt, cây húng quế có thể cho thu hoạch 5-6 đợt, mỗi đợt cách nhau 30 ngày. Khi thu hoạch chỉ cần dùng máy cắt cỏ cắt ngang thân cây rồi gom lại vận chuyển đến nhà máy.

Tinh dầu húng quế thường được sử dụng tạo hương cho các món ăn, nhiều nơi đốt để đuổi muỗi, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh. Vì vậy, đây là loại cây trồng có nhiều triển vọng. Theo anh Luân, nhà máy có công suất tối đa 40 tấn/ngày, tương đương với sản lượng 2 ha húng quế. Vì vậy, vùng nguyên liệu có thể mở rộng lên 200 ha.

Chủ tịch UBND huyện Hồ Văn Thảo cho biết: Mặc dù mới “bén duyên” với vùng đất Krông Pa nhưng cây húng quế cho thấy nhiều ưu điểm như: dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao. Sau khi trừ chi phí, người dân lãi trên 150 triệu đồng/ha. Đặc biệt, việc đơn vị đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ngay tại địa phương đã giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, giúp người nông dân yên tâm mở rộng diện tích gieo trồng, hình thành vùng nguyên liệu bền vững cho nhà máy chế biến. Đây được coi là bước đột phá trong phát triển cây dược liệu tại địa phương, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai hiện có 6 nông hội thuộc lĩnh vực ngành, nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, rượu ghè). Ảnh: Hà Duy

Đẩy mạnh phát triển mô hình nông hội để nâng chất lượng sản phẩm địa phương

(GLO)- Gia Lai hiện có 168 mô hình nông hội, trong đó, nhiều nông hội hoạt động hiệu quả đã góp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giúp đời sống hội viên được nâng lên. Tuy nhiên, còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc triển mô hình nông hội nên hoạt động thiếu hiệu quả.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân sử dụng phân viên dúi sâu trước khi gieo sạ lúa. Ảnh: V.C

Bón phân viên dúi sâu cho cây lúa: Hiệu quả kép

(GLO)- Mặc dù mới được triển khai thí điểm song mô hình bón phân viên dúi sâu trên cây lúa tại huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã mang lại hiệu quả kép, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Vụ Đông Xuân 2024-2025, mô hình được nhân rộng ra tất cả 9 xã trong toàn huyện.

Trứng vịt thả đồng của gia đình ông Lê Văn Bé có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Trứng vịt thả đồng trở thành sản phẩm OCOP

(GLO)- Tận dụng diện tích mặt nước và đất trồng lúa ở địa phương, ông Lê Văn Bé (thôn Đoàn Kết, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) đã đầu tư nuôi vịt đẻ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn, sản phẩm trứng vịt Văn Bé đã đạt chứng nhận OCOP năm 2024.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, các xã, thị trấn của huyện Đak Pơ chủ động xây dựng dự án hỗ trợ bò lai sinh sản theo nhóm cộng đồng để giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi.

Nhiều hộ dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi trâu. Ảnh: N.M

Nuôi trâu làm giàu cơ nghiệp

(GLO)- Cách đây hơn 40 năm, các hộ dân tộc Tày, Nùng từ một số tỉnh phía Bắc vào xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp đã mang theo tập quán chăn nuôi trâu để phục vụ sản xuất. Về sau, người dân chuyển sang nuôi trâu thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình.