Đánh sập đường dây làm giả giấy tờ, con dấu "siêu khủng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các giấy tờ làm giả tinh vi có quy mô rất lớn và mang tính chất phức tạp được một kỹ sư xây dựng móc nối với các chân rết tự sản xuất.

Công an làm việc với đối tượng Hà Văn Nghĩa.
Công an làm việc với đối tượng Hà Văn Nghĩa.


Vào tháng 1-2017, thông tin mạng lưới về ổ nhóm hoạt động mua bán, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước với số lượng lớn, trong phạm vi toàn quốc từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tiêu thụ được tiết lộ. Sau khi xác minh thông tin, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã xác lập chuyên án nhằm triệt phá đường dây trên.

Sau gần 3 tháng lần theo các đầu mối, cơ quan điều tra xác định đối tượng cầm đầu đường dây tội phạm trên là Hà Văn Nghĩa (SN: 1983, trú tại xã Ninh Hải, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Ban ngày, Nghĩa là một kỹ sư xây dựng nhưng đến tối lại trở thành “chuyên gia” giấy tờ giả mạo.

Quá trình điều tra, trinh sát phát hiện Hà Văn Nghĩa bắt đầu sản xuất các loại giấy tờ giả từ năm 2015 đến nay thông qua việc đăng tải trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo. Ngoài việc trực tiếp sản xuất và bán các loại giấy tờ, con dấu giả, Nghĩa còn móc nối, sử dụng các chân rết như Dương Mạnh Long, Hoàng Lâm, Trần Văn Cường để đăng tải, móc nối làm giả các giấy tờ con dấu thu lời bất chính.

Tại Cơ quan Điều tra, Hà Văn Nghĩa khai nhận hoạt động và sử dụng ngôi nhà của mình tại tổ 6 Văn La, phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội làm nơi sản xuất giấy tờ giả. Mỗi “chân rết” sử dụng khoảng 20 tài khoản Facebook, Zalo…. Để phục vụ cho công việc, Nghĩa đã đầu tư hơn 100 triệu đồng mua máy tính, máy in, máy ép dấu, máy photo...

Tính từ năm 2015 đến khi bị bắt, Nghĩa đã sản xuất và bán gần 2.000 bộ hồ sơ giả, giấy tờ giả các loại cùng mẫu dấu, dấu của cơ quan Nhà nước, đơn vị Công an, Quân đội, các trường đại học, công ty trong và ngoài nước.

 

Tang vật vụ án.
Tang vật vụ án.


Mỗi bộ giấy tờ giả hoặc bộ dấu, Nghĩa bán từ 500.000 đồng đến 25 triệu đồng. Nghĩa thừa nhận đã giao dịch và bán cho khoảng từ 500-700 người tại nhiều tỉnh, thành phố. Ước tính đối tượng này đã thu lời bất chính số tiền 500 triệu đồng.

Khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của Nghĩa, cơ quan công an phát hiện một xưởng sản xuất có khoảng 2.000 phôi bằng thạc sỹ, 3.000 phôi bằng đại học, 4.000 phôi bằng trung cấp; 5.000 các loại giấy tờ giả như chứng minh nhân dân, giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận, bảng điểm, học bạ.

Đặc biệt, có khoảng 200 mẫu dấu các loại, 500 con dấu giả. Ngoài ra, còn thu giữ 4 máy tính xách tay, 2 máy tính để bàn, 3 máy in màu, 2 máy in thường, 2 máy scan, 2 máy ép plastic, 1 máy photocopy loại lớn, 1 máy cắt mẫu dấu, 1 máy ép dấu cùng nhiều đồ vật, tài liệu liên quan khác.

Cơ quan điều tra cũng làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan như Dương Mạnh Long đã bán gần 200 các loại giấy tờ giả và con dấu giả, thu lợi bất chính khoảng 100 triệu đồng. Trần Văn Cường đã bán 200 bộ, thu lời bất chính khoảng 70 triệu đồng. Còn Hoàng Lâm bán 300 bộ hồ sơ giấy tờ giả các loại hưởng lợi khoảng 300 triệu đồng.

Đáng chú ý trong vụ án này, cơ quan công an còn xác định, Hoàng Lâm đã cung cấp CMND và “sổ đỏ” cho chị gái là Hoàng Thị Thu Phương (SN: 1972) cùng chồng là Trần Anh Dũng (SN 1971, trú tại phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 22-3-2017, hai đối tượng này đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên ra quyết định truy nã đặc biệt toàn quốc.

Ngày 21-4, Công an Bắc Từ Liêm đã bắt giữ được Trần Anh Dũng tại xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, Hà Nội và Hoàng Thị Thu Phương tại đường Pháo đài Láng, quận Đống Đa, Hà Nội. Cơ quan Công an Q.Bắc Từ Liêm đang phối hợp với Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Hiện, Công an Bắc Từ Liêm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Hà Văn Nghĩa, Dương Mạnh Long, Trần Văn Cường và Hoàng Lâm để điều tra làm rõ về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Theo Công an TP. Hồ Chí Minh

Có thể bạn quan tâm