(GLO)- Trong 2 năm 2019-2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã triển khai 3 đề án khuyến công. Với phương châm hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và cơ sở công nghiệp nông thôn, các đề án đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
Năm 2019, lần đầu tiên huyện Đak Pơ triển khai Đề án bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Cuộc bình chọn đã thu hút sự tham gia của 9 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn. Qua bình chọn, có 5 sản phẩm đạt yêu cầu được UBND huyện cấp chứng nhận.
Hoạt động này đã khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn quan tâm đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, tính cạnh tranh cao, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường và giải quyết việc làm.
Ông Bùi Công Chính (xã Cư An, huyện Đak Pơ) nung phôi sắt bằng lò nung cao tần. Ảnh: Nguyễn Hiền |
Anh Lê Văn Thắng-chủ cơ sở chổi đót Đức Phúc (thị trấn Đak Pơ) cho biết: “Với việc được công nhận đạt chuẩn và được cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, cơ sở của tôi đã được đông đảo người dân biết đến. Từ đó, sản phẩm chổi đót Đức Phúc có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Đây cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng làm ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”.
Từ thành công của lần bình chọn đó, năm 2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp tục xây dựng 2 đề án khuyến công gồm: “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất nông cụ rèn” và “Hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu bảo hộ cho các sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Phú An Xanh”.
Bà Trương Thị Thiên Lý-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-thông tin: Cơ sở lò rèn của ông Bùi Công Chính (thôn An Sơn, xã Cư An) hàng ngày vẫn nhận đơn đặt hàng đều đặn. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng. Năm 2019, sản phẩm của ông được UBND huyện chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Tuy nhiên, việc sản xuất nông cụ luôn phải trải qua 1 khâu quan trọng đó là nung đỏ phôi sắt để rèn. Công việc này sử dụng nguồn nhiên liệu từ than đá, than củi gây ảnh hưởng môi trường cũng như sức khỏe người thợ.
Do đó, năm 2020, huyện đã xuất kinh phí từ nguồn vốn khuyến công địa phương để hỗ trợ cơ sở 1 máy nung cao tần bằng điện để thay thế hoàn toàn lò đốt than. Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 90,8 triệu đồng. Trong đó, vốn khuyến công địa phương hỗ trợ hơn 40,6 triệu đồng, hộ thụ hưởng góp thêm 50,2 triệu đồng.
“Sau khi đề án được triển khai, lò rèn vận hành tốt, đem lại doanh thu, lợi nhuận cho đối tượng thụ hưởng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”-bà Lý nói.
Phấn khởi khi được hỗ trợ, ông Bùi Công Chính chia sẻ: “Loại máy nung cao tần này đơn giản, gọn nhẹ, dễ sử dụng. Từ khi được hỗ trợ máy, gia đình tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức cho việc rèn sắt, ít tiêu hao điện năng; giúp tăng năng suất. Từ đó, hiệu quả sản xuất cũng tăng lên rất nhiều”.
Bà Nguyễn Thị Ngự-Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú An Xanh (xã Phú An) cho biết: Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ đang hoàn thiện hồ sơ để hỗ trợ HTX xây dựng và đăng ký nhãn hiệu bảo hộ cho các sản phẩm. Kinh phí thực hiện hơn 12,8 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn khuyến công địa phương hỗ trợ 6 triệu đồng, đơn vị đóng góp 6,8 triệu đồng.
“Khi đăng ký nhãn hiệu thành công, sản phẩm của HTX được bảo hộ trên thị trường, qua đó tạo sự khác biệt giúp người tiêu dùng không bị nhầm lẫn với các sản phẩm cùng loại khác”-bà Ngự cho hay.
NGUYỄN HIỀN