Theo đó, trong những năm qua, các mô hình triển khai trên địa bàn huyện Đak Pơ đều được người dân quan tâm, ứng dụng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước tạo sự thay đổi nhận thức về tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, về cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tạo ra được bước chuyển biến về sản xuất thâm canh có áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tuyết Mai |
Cụ thể, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp hàng năm, từ năm 2015-2018, huyện Đak Pơ đã triển khai 7 mô hình. Các mô hình triển khai được ngân sách Nhà nước hỗ trợ chủ yếu về giống, vật tư, chi phí tập huấn hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, sơ kết, tổng kết để nâng cao nhận thức cho cộng đồng; phần còn lại do hộ thực hiện mô hình đảm nhận như công lao động, nguyên vật liệu tại chỗ, phân chuồng...
Hầu hết các mô hình triển khai thực hiện được các cơ quan chuyên môn lựa chọn đối tượng và xây dựng phương án triển khai cụ thể. Kết quả, các mô hình đã đạt được mục tiêu đề ra và cho thấy hiệu quả nhất định trong giai đoạn triển khai thực hiện. Từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ cơ sở đã có 5 mô hình được triển khai. Các mô hình này đã xây dựng được các đề án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, các mô hình sản xuất nông nghiệp chịu nhiều tác động bởi yếu tố thời tiết, thiên tai địch họa nên có những đề án chưa đem lại kết quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai 3 mô hình từ nguồn thực hiện Chính sách bảo vệ phát triển đất trồng lúa, qua đó đã cung cấp được các giống lúa, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, có tính thích ứng với biến đổi khí hậu và diễn biến bất thường của thời tiết. Các giống có năng suất ổn định và chất lượng gạo được người dân ưa thích.
Dịp này, đã có 1 tập thể và 9 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông giai đoạn 1993-2023.