Đak Pơ đánh thức tiềm năng du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sở hữu nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử-văn hóa, huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đang tập trung nguồn lực để phát triển du lịch nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Nhiều thắng cảnh

Cách trung tâm huyện Đak Pơ gần 30 km, đồi thông Hà Tam là điểm du lịch sinh thái lý thú dành cho du khách yêu thích trải nghiệm, khám phá thiên nhiên. Đây là quần thể thông cổ thụ nằm trên ngọn núi cao chừng 1.200 m so với mực nước biển và được trồng từ thời Pháp thuộc. Trong đó có hàng chục cây thông đường kính gốc trên 2 m. Đến nơi đây, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên và tận hưởng không khí mát mẻ. Cạnh rừng thông cổ thụ là dòng suối Đak Hyam với nhiều thác nước đẹp hút hồn. Anh Hoàng Phương-Giám đốc Công ty du lịch Niềm Vui Việt (Vietjoy Tourist) hào hứng chia sẻ: “Tôi thực sự ấn tượng với vẻ đẹp của rừng thông Hà Tam. Điều mà tôi tâm đắc nhất ở đây là thiên nhiên nguyên sơ cùng hệ thống thác nước rất đẹp. Tôi cho rằng sẽ rất tuyệt vời nếu nơi đây có thể làm du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng”.

Thác Võ-thắng cảnh đẹp của xã Tân An. Ảnh: Nguyễn Hiền
Thác Võ (xã Tân An) là một trong những điểm dừng chân của du khách muốn khám phá thiên nhiên. Ảnh: Nguyễn Hiền


Rời đồi thông Hà Tam, xuôi theo quốc lộ 19 về hướng thị xã An Khê, du khách sẽ gặp Tượng đài chiến thắng Đak Pơ sừng sững trên một ngọn đồi cao. Đây là nơi giáo dục lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, đoàn kết chống các thế lực ngoại xâm và trở thành điểm đến của hàng trăm lượt du khách khi ngang qua địa phận Đak Pơ mỗi năm.

Thác Võ (xã Tân An) cũng là một trong những điểm dừng chân của du khách muốn khám phá thiên nhiên. Thác nằm trên một khúc sông Ba, đoạn qua thôn Tân Phong và Tư Lương. Đoạn sông này có mực nước nông cùng nhiều đá tảng to, bằng phẳng và nhiều cây có tán lá to, đẹp. Để tạo thuận lợi cho du khách, Hội Liên hiệp phụ nữ và Đoàn xã Tân An đã làm 1 cây cầu tre bắc ngang qua thác, cắm biển chỉ dẫn, dọn vệ sinh và phát dọn tán cây làm lối đi thuận lợi. Anh Nguyễn Thành Công (thôn Tân Phong) cho hay: “Mấy năm gần đây, nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Vì thế, chúng tôi thường ra phát quang cây cối, dọn rác nhằm tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp. Bà con trong thôn cũng mở một số gian hàng bán thức ăn, nước uống để phục vụ du khách”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiếu-Bí thư Đảng ủy xã Tân An: “Bên cạnh thác Võ, trên địa bàn xã còn có nhiều địa điểm phù hợp với du lịch sinh thái. Cùng với đó, xã cũng sở hữu một hệ thống đình, vạn có lịch sử hàng trăm năm và bia đá Chăm ở thôn Tư Lương kỳ bí rất phù hợp với du khách yêu thích tìm hiểu lịch sử-văn hóa. Những năm gần đây, xã đón một lượng lớn du khách đến tham quan ở các địa điểm nói trên”.

 Một góc trung tâm huyện Đak Pơ có cảnh đẹp hút hồn. Ảnh: Nguyễn Hiền
Một góc trung tâm huyện Đak Pơ. Ảnh: Nguyễn Hiền


Tiếp tục kêu gọi đầu tư

Ngoài thiên nhiên kỳ thú, hệ thống đền đài, miếu mạo chứa đựng nhiều yếu tố lịch sử-văn hóa thì Đak Pơ còn hấp dẫn du khách với những vườn cây ăn quả, các loại trái cây đang dần hình thành nên thương hiệu, thích hợp với du lịch nông nghiệp. Đơn cử như thương hiệu trái cây vùng núi Đá Lửa của xã Cư An.

Cùng với đó, huyện Đak Pơ còn lưu giữ nhiều nét đặc trưng văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng 15 dân tộc cùng chung sống với nhiều lễ hội truyền thống. Hàng năm, người dân tổ chức một số lễ hội mang đậm bản sắc như lễ hội đâm trâu, bỏ mả của người Bahnar hoặc lễ hội múa khèn đón xuân mới của người Mông. Tuy vậy, lượng du khách đến tham quan tại các di tích, thắng cảnh chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của địa phương.

Trong giai đoạn 2020-2025, huyện Đak Pơ ưu tiên phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hiền
Trong giai đoạn 2020-2025, huyện Đak Pơ ưu tiên phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hiền


Để phát triển ngành “công nghiệp không khói”, huyện Đak Pơ đang tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch, kêu gọi thu hút doanh nghiệp đầu tư. Trong giai đoạn 2020-2025, huyện ưu tiên phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, xây dựng vùng trái cây trên đường vào rừng thông Hà Tam, rừng cây ăn quả núi Đá Lửa, vùng chuyên canh rau xã Cư An sẽ thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Pơ Nguyễn Thanh Hiền cho hay: “Tới đây, huyện tiếp tục tôn tạo các điểm di tích lịch sử-văn hóa và vận động bà con làng Hway (xã Hà Tam) xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Huyện cũng sẽ tổ chức quảng bá, kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại rừng thông Hà Tam”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Thanh Mai-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đak Pơ-cho biết: “Mấy năm qua, huyện chú trọng phát triển các loại hình du lịch bằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng và kêu gọi nhà đầu tư. Đã có nhiều doanh nghiệp đến làm việc với huyện để đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, do còn một số vướng mắc về thủ tục và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên mới chỉ dừng ở việc khảo sát địa điểm. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng và thủ tục hành chính để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tập trung tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức và vận động người dân tham gia phát triển du lịch để Đak Pơ trở thành điểm đến yêu thích của du khách”.

 

 THIÊN DI - NGUYỄN HIỀN

Có thể bạn quan tâm

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.