Kỳ vọng "cú hích" từ Dự án sân golf Đak Đoa - Kỳ cuối: Không "sốt" đất và xung đột nguồn nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, một số trang mạng xã hội đăng tải nhiều ý kiến mang tính cá nhân nhưng lại mượn danh người dân cho rằng Dự án sân golf Đak Đoa sẽ gây ra một số hệ lụy về môi trường sinh thái, gây xung đột, ô nhiễm nguồn nước; tạo “cơn sốt” đất gây hệ lụy lâu dài lên đời sống xã hội. Tuy nhiên, qua khảo sát tại các địa phương liên quan đến Dự án, những điều này là không có cơ sở.

Thông tin “sốt” đất là sai sự thật

Trước thông tin về tình trạng “sốt” đất tại khu vực Dự án sân golf Đak Đoa, ông Thái Văn Hưng-Bí thư Đảng ủy xã Glar-cho rằng: Thời điểm năm 2018, có một số đối tượng đến tìm mua đất rồi cũng chính những người này tự thổi giá đất lên cao hơn so với thực tế nhằm trục lợi. Dự lường việc này, Huyện ủy Đak Đoa đã có Nghị quyết 04 về việc ngăn chặn tình trạng bán đất, cho thuê đất không đúng quy định. Hàng năm, xã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền người dân hạn chế bán đất, cho thuê đất khi không cần thiết; cần giữ lại đất để làm tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế. “Qua nắm bắt thực tế từ cơ sở, tình trạng mua bán đất thời gian qua có chút biến động nhưng không đáng kể. Đặc biệt không có tình trạng đầu cơ đất, chỉ một số hộ có nhu cầu về đất sản xuất hay vì nhu cầu tiêu dùng thực tế của gia đình nên đã bán một phần đất”-ông Hưng cho biết.

 

 Ranh giới giữa diện tích thực hiện dự án với đường đi của người dân thôn H'Lâm được cắm mốc rõ ràng, người dân đồng thuận, mong dự án sớm triển khai. Ảnh: Minh Nguyễn
Ranh giới giữa diện tích thực hiện Dự án với đường đi được cắm mốc rõ ràng, người dân đồng thuận, mong Dự án sớm triển khai. Ảnh: Minh Nguyễn

Ông Hồ Phước Thành-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Dự án theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo nhà đầu tư có đủ năng lực và điều kiện thực hiện Dự án theo đúng tiến độ đã đăng ký. Trường hợp nhà đầu tư không triển khai Dự án theo đúng chủ trương đầu tư đã được phê duyệt, UBND tỉnh sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ thu hồi chủ trương đầu tư và triển khai thủ tục chấm dứt hoạt động của Dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư.

Theo anh Đỗ Xuân Nghĩa (làng H'Lâm, thị trấn Đak Đoa): Khi có Dự án, giá đất ở khu vực xung quanh cũng tăng lên đôi chút nhưng không đáng kể. Không có hiện tượng người dân bán đất ồ ạt sau khi nghe thông tin Dự án được phê duyệt. “Cũng có vài hộ bán đất ở đây đi mua chỗ khác vì muốn mở rộng quy mô sản xuất. Đa số các hộ muốn giữ lại đất cho con cháu sau này. Vì vậy, tại làng H'Lâm không có hiện tượng người dân nơi khác đến thu gom mua đất, đẩy giá lên cao”-anh Nghĩa cho hay.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thành-Chủ tịch UBND thị trấn Đak Đoa cũng nhận định: “Sau khi có thông tin về xây dựng Dự án sân golf và khu phức hợp Đak Đoa, nhiều người ở địa phương khác tìm đến hỏi mua đất xung quanh khu vực Dự án. Tuy nhiên, chúng tôi phối hợp với Ban Nhân dân thôn tuyên truyền, vận động những hộ dân sống gần Dự án không sang nhượng đất trong thời gian này để tránh tình trạng lợi dụng trục lợi. Qua theo dõi, từ khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án, khu vực làng H'Lâm không có hiện tượng “sốt” đất. Một số trường hợp mua bán là do nhu cầu về nhà ở. Đây là vấn đề diễn ra hàng ngày trong cuộc sống. Đặc biệt, tại một số làng đồng bào dân tộc thiểu số gần khu vực Dự án, bà con rất ý thức trong việc giữ đất sản xuất, chưa có vấn đề gì ngoài tầm kiểm soát của chính quyền”.

Qua trao đổi với P.V, đại diện chính quyền các địa phương thuộc phạm vi Dự án gồm các xã: Tân Bình, Glar và thị trấn Đak Đoa đều khẳng định không có hiện tượng đầu cơ, thu gom đất để tạo ra những cơn sốt giá ảo như một vài ý kiến chủ quan đã nhận định.

Không gây ảnh hưởng đến nguồn nước

Ông Đặng Bá Hàm (tổ 5, thị trấn Đak Đoa) bày tỏ: “Qua các cuộc họp với chính quyền và đại diện chủ đầu tư, chúng tôi được thông tin rõ về nguồn nước phục vụ sân golf sẽ được lấy từ những nơi khác nên sẽ không ảnh hưởng gì đến nguồn nước sản xuất, sinh hoạt của địa phương. Chúng tôi tin tưởng vào sự tính toán của Nhà nước cũng như của tỉnh và địa phương nên hoàn toàn không lo ngại gì về vấn đề ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước hay thiếu đi một vài cây xanh bởi nhà đầu tư đã cam kết với người dân trước khi thực hiện Dự án”.

 Ông Phan Văn Phương (bìa phải)-Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết, xung quanh khu vực Dự án sân golf Đak Đoa không có xung đột về nguồn nước. Ảnh: Minh Nguyễn
Ông Phan Văn Phương (bìa phải, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình) cho biết, xung quanh khu vực Dự án sân golf Đak Đoa không có xung đột về nguồn nước. Ảnh: Minh Nguyễn


Cũng về vấn đề này, ông Phan Văn Phương-Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình-khẳng định: Tất cả các thông tin liên quan đến chủ trương xây dựng sân golf và khu phức hợp Đak Đoa, trong đó có giải pháp xử lý nguồn nước đều được chủ đầu tư công khai tại các cuộc họp lấy ý kiến người dân. Đơn vị tư vấn của Tập đoàn FLC cùng chính quyền địa phương đã mời người dân đến để tham vấn ý kiến về môi trường, trong đó phương án chủ động nguồn nước phục vụ Dự án nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của các địa phương và người dân. “Qua ghi nhận tại cuộc họp, người dân cũng có ý kiến liên quan đến nguồn nước phục vụ Dự án nhưng đơn vị tư vấn khẳng định không có việc khoan giếng lấy nước làm ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân. Phương án của chủ đầu tư là sẽ lắp đặt hệ thống dẫn nước từ Biển Hồ (TP. Pleiku) về phục vụ Dự án, một phần sử dụng nước từ đập 3.1 (xã Tân Bình), nguồn nước từ hồ Ia Băng (xã Ia Băng) và hệ thống nước tập trung của huyện. Với các phương án mà cơ quan tư vấn chủ đầu tư đưa ra, người dân và chính quyền rất hoan nghênh vì không ảnh hưởng đến nguồn nước của địa phương nên hoàn toàn không có chuyện xung đột, tranh chấp nguồn nước dẫn đến tình trạng thiếu nước sản xuất như các thông tin đã đề cập”-ông Phương khẳng định.

Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Siểm-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-nhấn mạnh: “Huyện cũng như các ngành của tỉnh sẽ phối hợp với nhà đầu tư để đảm bảo về nguồn nước, tránh xung đột. Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt đánh giá tác động môi trường, trong đó đã nói rất rõ các giải pháp làm sao giảm thiểu nhất vấn đề ảnh hưởng đến môi trường cuộc sống của người dân trong vùng Dự án”.

 

MINH NGUYỄN
 

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.