Đak Đoa xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông qua tin báo trên mạng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ hình ảnh người dân cung cấp qua mạng xã hội, Công an huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Việc này đã tác động mạnh mẽ đến ý thức của người tham gia giao thông.

Qua theo dõi, nắm thông tin trên mạng xã hội, Công an huyện Đak Đoa phát hiện 1 nam thanh niên có hành vi bốc đầu xe, ngồi về một bên điều khiển xe mô tô tại đoạn đường liên huyện Đak Đoa đi Chư Prông. Tiến hành xác minh, Công an huyện xác định H. (SN 2001, trú tại xã Glar) là người điều khiển, quay và đăng tải video trên nền tảng TikTok. Ngay sau đó, lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an huyện phối hợp với Công an xã Glar tiến hành xử phạt H. về hành vi vi phạm nêu trên.

Trước đó, Công an huyện nhận tin báo, hình ảnh từ người dân về việc 2 nam thanh niên không đội mũ bảo hiểm điều khiển xe mô tô nẹt pô, lạng lách đánh võng tại khu vực vòng xoay thị trấn Đak Đoa. Qua trích xuất hình ảnh từ camera an ninh, Công an huyện xác định 2 nam thanh niên này là HNg. và Ph. (trú tại làng Dôr 2, xã Glar). Từ đó, Công an huyện đã mời đương sự lên làm việc và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1,25 triệu đồng đối với HNg. về hành vi điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm.

Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Đak Đoa) yêu cầu các thanh-thiếu niên đua xe trái phép viết cam kết không tái phạm. Ảnh: M.T

Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Đak Đoa) yêu cầu các thanh-thiếu niên đua xe trái phép viết cam kết không tái phạm. Ảnh: M.T

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông huyện, năm 2023, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã tiếp nhận 42 tin báo của quần chúng nhân dân liên quan đến vi phạm về TTATGT trên địa bàn. Từ đó, Công an huyện đã xác minh, tra cứu nguồn gốc, chủ phương tiện và gửi thông báo vi phạm hành chính đối với 30 trường hợp; đồng thời tiến hành lập biên bản và ra 22 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 24 triệu đồng. Trong đó, đa số trường hợp bị xử phạt do hành vi không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định.

Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Vinh-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Đak Đoa) cho biết: Trước đây, khi bị kiểm tra và xử lý vi phạm, một số người còn đôi co, tỏ ý không phục khi bị bắt lỗi. Còn hiện nay, từ hình ảnh và video người dân ghi lại, hầu hết các trường hợp vi phạm đều tự giác chấp hành, thậm chí còn ủng hộ phương thức phạt “nguội” này.

“Do lực lượng Cảnh sát Giao thông không thể tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ trên tất cả các tuyến đường nên việc xử lý vi phạm qua tiếp nhận thông tin, hình ảnh của người dân sẽ tác động mạnh mẽ đến ý thức của người tham gia giao thông, phát huy tinh thần thượng tôn pháp luật của quần chúng nhân dân, qua đó giúp giảm thiểu hành vi vi phạm, kiềm chế tai nạn giao thông”-Thiếu tá Vinh nhấn mạnh.

Lực lượng Công an xã Hneng (huyện Đak Đoa) theo dõi tình hình trật tự, an toàn giao thông qua dữ liệu hình ảnh từ camera. Ảnh: M.T

Lực lượng Công an xã Hneng (huyện Đak Đoa) theo dõi tình hình trật tự, an toàn giao thông qua dữ liệu hình ảnh từ camera. Ảnh: M.T

Cũng theo Thiếu tá Vinh, cùng với việc sử dụng, điều hành trang Facebook chính danh Công an huyện Đak Đoa thì còn có 111 nhóm Zalo, Fanpage chính danh của Công an các xã, thị trấn và các thôn, làng, tổ dân phố. Hiện trong Facebook “An toàn giao thông huyện Đak Đoa” xây dựng từ tháng 11-2020 đã có trên 3.700 thành viên tham gia. Ngoài đăng tải bài viết tuyên truyền pháp luật về TTATGT trên không gian mạng, Công an huyện còn tiếp nhận, xử lý thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm về giao thông do cá nhân, tổ chức cung cấp, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và giám sát TTATGT trên địa bàn.

Trên cơ sở cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm của người dân, lực lượng Cảnh sát Giao thông thường xuyên tuyên truyền, đăng tải các bài viết về Luật Giao thông đường bộ để người hiểu rõ và nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân khi tham gia giao thông; thông tin các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn huyện hay các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng ngoài địa bàn, hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn, công tác xử lý của lực lượng chức năng để tuyên truyền, giáo dục, răn đe người vi phạm.

“Những kết quả bước đầu cho thấy tín hiệu rất khả quan từ việc tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin, hình ảnh về vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Mỗi người dân được xem như một chiến sĩ Công an, túc trực mọi lúc, mọi nơi, trên mọi nẻo đường. Đây được xem là cánh tay nối dài của lực lượng Công an huyện trong công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn”-Thiếu tá Vinh khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ dịp Tết Nguyên đán 2025

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ dịp Tết Nguyên đán 2025

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Công văn số 101/UBND-NC về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí (VK), vật liệu nổ (VLN), công cụ hỗ trợ (CCHT) và pháo đảm bảo an ninh trật tự trong Tết Nguyên đán 2025.

Bác sĩ Nguyễn Quang Khôi (Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi tỉnh) thăm hỏi một trường hợp bị thương do tai nạn pháo nổ. Ảnh: N.N

Cảnh báo tai nạn do pháo nổ

(GLO)- Hơn 1 tháng trở lại đây, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu do tai nạn pháo nổ, trong đó có bệnh nhân được đưa đến cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương. Hầu hết các trường hợp bị thương tích là do tự chế pháo và đốt pháo.