Đak Đoa quan tâm đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Đak Đoa có hơn 57% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, huyện luôn quan tâm tổ chức thực hiện công tác dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS ở địa phương. 
Ông Y Đức Thành-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đak Đoa-cho biết: Để đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương, Huyện ủy Đak Đoa đã ban hành Chương trình số 42-CTr/HU thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025. Đồng thời, Huyện ủy ban hành kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo định kỳ hàng năm theo tinh thần các nghị quyết nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ huyện.
Trên cơ sở đó, UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng cùng các xã, thị trấn đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ sản xuất cho đồng bào DTTS sinh sống tại vùng khó khăn; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề chăn nuôi cho hộ thiếu đất sản xuất; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, phổ biến các mô hình sản xuất cho hàng ngàn lượt hộ... Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng được thường xuyên quan tâm. Bà Nguyễn Thị Thúy Nga-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội-cho hay: “Giai đoạn 2017-2021, toàn huyện có 9.274 lượt lao động là thanh niên DTTS tham gia các chương trình tư vấn giới thiệu việc làm và đào tạo nghề, xuất khẩu lao động... Qua đó, gần 13.000 lao động là thanh niên DTTS được tạo việc làm thường xuyên”.
Trao đổi về công tác xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS huyện Đak Đoa. Ảnh: Thanh Nhật
Trao đổi về công tác xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS huyện Đak Đoa. Ảnh: Thanh Nhật
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các đoàn thể chính trị-xã hội duy trì triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền đồng bào DTTS nhận thức về tầm quan trọng của đất đai đối với đời sống; vận động bà con tích cực lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống. Đồng thời, phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh phong trào xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, kêu gọi các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chung tay ủng hộ nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo cải thiện cuộc sống.
Phối hợp thực hiện, Hội Nông dân huyện cùng các tổ chức tín dụng tín chấp cho hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Hội tổ chức tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 5.750 lượt nông dân, cấp hơn 200 còn bò sinh sản, tín chấp hơn 2.550 tấn phân bón trả chậm cho hội viên, nông dân; phối hợp hỗ trợ cây giống cho hội viên tái canh hơn 1.000 ha cà phê. Hội cũng thường xuyên vận động hội viên xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, tích cực tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
MTTQ huyện Đak Đoa bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tại xã Kdang. Ảnh: Thanh Nhật
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa bàn giao nhà "Đại đoàn kết" cho hộ nghèo tại xã Kdang. Ảnh: Thanh Nhật
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Dũng, UBND huyện đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, đăng ký danh mục, nhu cầu các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.
“Thời gian tới, gắn với các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện hàng năm từ 2% trở lên và đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 7%”.-ông Dũng cho biết thêm.                       
THANH NHẬT 

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).