Đak Đoa lấy văn hóa tạo đà cho du lịch cất cánh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ ngày 20 đến 22-11, tại đồi thông Glar (xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Đak Đoa tổ chức Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số, kết hợp du lịch đồi cỏ hồng và Phiên chợ hàng nông sản lần thứ IV năm 2020. Ngày hội lấy văn hóa truyền thống của các dân tộc là điểm nhấn đặc biệt, vì vậy, bà con trong các ngôi làng của huyện đang háo hức chuẩn bị tham gia ngày hội.  

Làm du lịch trên nền tảng văn hóa

Đến hẹn lại lên, khi tiết trời trở lạnh, những vạt cỏ xanh mướt chuyển dần sang màu hồng tím mang đến vẻ đẹp mơ màng, lãng mạn dưới tán rừng thông Glar. Trước vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, 4 năm nay, huyện Đak Đoa duy trì tổ chức ngày hội du lịch gắn với các hoạt động văn hóa và quảng bá sản phẩm địa phương. Năm nay, Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số kết hợp du lịch đồi cỏ hồng và Phiên chợ hàng nông sản huyện Đak Đoa lấy điểm nhấn là các hoạt động văn hóa truyền thống với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn.  

Bà Đặng Thị Hoài-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Đoa-cho hay: “Huyện tổ chức Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số nhằm giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong huyện. Từ đó nhân lên lòng tự hào và tích cực phát huy giá trị văn hóa của mỗi người dân trong phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng mà huyện đang hướng đến”.

Liên hoan văn hóa cồng chiêng là một nội dung hấp dẫn trong Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số kết hợp du lịch đồi cỏ hồng và Phiên chợ hàng nông sản huyện Đak Đoa năm 2020. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Liên hoan văn hóa cồng chiêng là một nội dung hấp dẫn trong Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số kết hợp du lịch đồi cỏ hồng và Phiên chợ hàng nông sản huyện Đak Đoa năm 2020. Ảnh: Tuấn Nguyễn


Dịp này, UBND huyện Đak Đoa tổ chức Liên hoan cồng chiêng và hát dân ca với sự tham gia của 12 xã, thị trấn. Nhiều bài chiêng cổ, các nghi lễ truyền thống sẽ được các nghệ nhân tái hiện. Ngày hội còn tổ chức biểu diễn nghệ thuật đan lát, dệt thổ cẩm với sự tham gia của những nghệ nhân lành nghề trong và ngoài huyện. Những sản phẩm đạt giải tại ngày hội sẽ được chọn để trưng bày tại Nhà lưu niệm Anh hùng Wừu (xã Đak Sơ Mei)-”địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng vừa mới được khánh thành.

Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số cũng là nội dung hứa hẹn nhiều hấp dẫn với du khách. Các vận động viên từ 12 xã, thị trấn sẽ tham gia tranh tài ở các môn: bắn nỏ, cà kheo, kéo co và đẩy gậy. Đây đều là những môn thể thao dân gian, mang đậm nét đặc trưng của dân tộc.

“Đến tham gia ngày hội, ngoài thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, lãng mạn, du khách còn được tìm hiểu văn hóa truyền thống độc đáo của người dân địa phương, thưởng thức ẩm thực đặc sắc; được chiêm ngưỡng và mua quà lưu niệm tại 4 gian hàng trưng bày sản phẩm văn hóa-du lịch như: các sản phẩm đan lát, thổ cẩm, cối gỗ, tiểu cảnh tre…”-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Đoa cho biết thêm.

Đặc biệt, ngày hội còn có 20 gian hàng quảng bá, giới thiệu, bày bán các sản vật địa phương, sản phẩm OCOP đến du khách gần xa. Có thể kể đến như: măng giòn Vân Long (làng Kop, xã Kon Gang); tiêu đỏ sấy hồng ngoại, tiêu đa sắc (thôn 5, xã Nam Yang); gạo địa phương Krol (xã Hà Bầu); thịt bò khô Huy Vũ (thị trấn Đak Đoa); khoai lang Lệ Cần (xã Tân Bình)…

Đáng chú ý, từ địa điểm tổ chức ngày hội, du khách có thể kéo dài hành trình của mình đến các điểm lân cận như hồ Ia Băng (xã Ia Băng), làng dệt thổ cẩm Glar (xã Glar), ruộng bậc thang, thác Đôi (xã Trang), Khu lưu niệm Anh hùng Wừu (xã Đak Sơ Mei)…

Tích cực chuẩn bị

Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số kết hợp du lịch đồi cỏ hồng và Phiên chợ hàng nông sản lần này là sự kiện văn hóa hấp dẫn nhất trong năm của huyện Đak Đoa. Dùng văn hóa dân tộc tạo dấu ấn chính là lấy người dân làm chủ thể. Vì vậy, từ nhiều ngày nay, các nghệ nhân, vận động viên cũng như đông đảo bà con trong các thôn, làng đều háo hức chuẩn bị để tham gia ngày hội.

Du khách đến tham quan và vui chơi tại đồi cỏ hồng (xã Glar, huyện Đak Đoa). Ảnh: Quang Vinh
Du khách đến tham quan và vui chơi tại đồi cỏ hồng (xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Quang Vinh


Trong ngày hội năm 2019, anh Hyơih (làng Ngơm Thung, xã Ia Pết) với đôi tay tài hoa đã xuất sắc đạt giải nhất ở nội dung đan lát. Năm nay, anh tiếp tục đại diện cho xã tham gia ngày hội. Ngoài ra, anh cùng các nghệ nhân khác chuẩn bị thật nhiều sản phẩm đan như gùi, túi xách, nong, nia… để trưng bày tại gian hàng của xã. Anh Hyơih bày tỏ: “Bà con dân làng đều rất vui khi được đem sản phẩm đến tham gia ngày hội. Đây là cơ hội để các sản phẩm đan lát mở rộng đối tượng khách hàng”.

Được biết đến nhiều hơn nhờ tham gia ngày hội cỏ hồng năm 2019, năm nay, anh Tĩu (làng Bông, xã Hà Bầu) tiếp tục đem các tiểu cảnh tre của mình đến bày bán. “Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, năm nay tôi chuẩn bị các bộ tiểu cảnh nhỏ gọn, tinh xảo hơn để du khách có thể tiện mua mang đi. Hy vọng sau mỗi dịp tham gia, tôi sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn nữa”-anh Tĩu bộc bạch. Ngoài ra, làng Breng (xã Ia Pết) làm cối gỗ, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar (xã Glar) chuẩn bị thêm nhiều sản phẩm thổ cẩm để trưng bày tại ngày hội.

Mong chờ nhất có lẽ là đội ngũ nghệ nhân và các vận động viên. Hơn 1 tuần nay, anh Hy (làng Kop, xã Kon Gang) cùng đồng đội tranh thủ lúc rảnh rỗi đều luyện tập bắn nỏ. “Mỗi năm một lần được đi giao lưu cùng mọi người ở xã khác nên tôi cũng mong chờ lắm, cố gắng luyện tập để đạt giải cao, đem thành tích về cho địa phương”-anh Hy tâm sự.

Còn anh Chrup-Đội trưởng đội cồng chiêng làng Tul Đoa (xã Đak Sơ Mei) cho hay: “Đội cồng chiêng của làng được thành lập từ khá lâu và thường xuyên tập luyện, biểu diễn. Sắp tới ngày hội du lịch cỏ hồng, mọi người cùng nhau chuẩn bị trang phục, làm đạo cụ, sẵn sàng tham gia biểu diễn”.

Trao đổi với P.V, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện cho biết thêm: “Từ kinh nghiệm của các năm trước, tại khu vực tổ chức ngày hội, Ban tổ chức sẽ bố trí đầy đủ từ nơi giữ xe, khu bán hàng ẩm thực, các gian hàng trưng bày, việc thu gom rác thải, lắp đặt nhà vệ sinh công cộng đến việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng-chống cháy nổ. Tất cả đều được đảm bảo để ngày hội diễn ra thành công tốt đẹp”.

 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.