Đak Đoa gặp khó khi thực hiện tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù có nhiều nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới, nhưng vì thiếu nguồn vốn đầu tư nên huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đang gặp khó đối với tiêu chí giáo dục khi cơ sở vật chất của nhiều trường chưa đạt chuẩn.

dak-doa-gap-kho-khi-thuc-hien-tieu-chi-giao-duc-trong-xay-dung-nong-thon-moi-bg-9492.jpg
Theo ông Nguyễn Văn Hoạt-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Glar, trường còn quỹ đất nhưng không có kinh phí xây dựng phòng học. Ảnh: Đ.Y

Năm học 2024-2025, Trường Tiểu học số 1 Glar (xã Glar) có 20 lớp với 750 học sinh. Toàn trường chỉ có 14 phòng học nên chưa thể tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho tất cả học sinh. Tại nhiều lớp, học sinh phải ngồi ghép 3 em/bàn. Diện tích một số phòng học cũng chưa đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu 1,5 m2/học sinh theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tin học là môn bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3 đến lớp 5. Thế nhưng, nhà trường chưa có phòng Tin học nên phải học nhờ tại Trường Tiểu học số 2 Glar. Tuy nhiên, trường này cũng chỉ bố trí cho mượn được 3 buổi/tuần nên 1 tháng mỗi lớp chỉ được học 1 buổi, trong khi chương trình yêu cầu phải học 4 buổi/tháng. Tình trạng này đã kéo dài suốt 3 năm qua nhưng nhà trường vẫn chưa có nguồn kinh phí để đầu tư phòng Tin học.

2nhieu-lop-hoc-o-truong-tieu-hoc-so-1-glar-phai-ngoi-ghep-1-ban-3-hoc-sinh-anh-dinh-yen-7180.jpg
Nhiều lớp học ở Trường Tiểu học số 1 Glar phải ngồi ghép 1 bàn 3 học sinh. Ảnh: Đinh Yến

Ông Nguyễn Văn Hoạt-Phó Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: “Hiện nay, cơ sở vật chất của trường không đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác dạy học theo quy định. Nhà trường còn thiếu 8 phòng học, 6 phòng bộ môn, nhà đa năng, thư viện, phòng truyền thống và nhà hiệu bộ.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, chúng tôi rất mong các cấp, ngành sớm quan tâm đầu tư để đảm bảo cho việc dạy và học”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thước-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ia Pết (xã Ia Pết) cho hay: Vì thiếu phòng học nên việc dạy học 2 buổi/ngày của nhà trường hiện mới chỉ đáp ứng được 80% chương trình. Nhà trường phải tận dụng phòng họp giao ban để tổ chức các lớp bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh.

“Đầu năm 2024, nhà trường được Đoàn Thanh niên BIDV cùng Huyện Đoàn, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa tài trợ kinh phí để xây dựng 3 công trình nhà vệ sinh và tu bổ, xây mới 4 khu vui chơi thiếu nhi tại các điểm trường. Nhờ đó, nhà trường phần nào khắc phục được tình trạng thiếu cơ sở vật chất”-bà Thước chia sẻ.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí giáo dục (số 5) rất khó đạt chuẩn. Theo quy định, xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có 80% trường học các bậc mầm non, tiểu học, THCS có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia.

Trong khi đó, nhiều trường trên địa bàn huyện vẫn còn thiếu phòng học, phòng bộ môn, sân chơi, tường rào, hệ thống thoát nước…

Để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện tiêu chí số 5, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tài chính và Kế hoạch, UBND các xã, thị trấn và các trường học phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện.

33-4296.jpg
Đak Đoa rất cần sự quan tâm của tỉnh về đầu tư vốn xây dựng cơ sở vật chất trường học. Ảnh: Đinh Yến

Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phạm Ngọc Hai: Hiện nay, công tác quy hoạch và thiết kế cơ sở vật chất trường học còn thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu. Huyện đã chủ động mời các chuyên gia, tư vấn thiết kế và quy hoạch tham gia xây dựng các dự án, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả. Đồng thời, tham khảo mô hình trường học kiểu mẫu ở các địa phương khác trong cả nước để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

“Thời gian tới, huyện rất mong được tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp để có thể từng bước hoàn thành tiêu chí số 5 trong xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, UBND huyện cũng sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hóa hợp pháp và động viên các trường phát huy thế mạnh của mình để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp khang trang, sạch đẹp, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương”-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều trường học có cổng ra vào nằm cạnh đường quốc lộ và tỉnh lộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh.