Nhớ lại một thuở “tung hoành” ngang dọc trong giới giang hồ, Lý không giấu nổi sự ngại ngùng xấu hổ. Cuộc đời Lý tưởng chừng mãi chìm sâu trong các cuộc tranh đấu sống còn. Một ngày kia gã gặp một cô gái nghèo và cuộc đời hắn rẽ sang một hướng khác...
Một thời nông nổi gắn với nhiều án tích
Gốc gác của Đặng Hồng Lý (SN 1969) ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, hiện cư trú tại xã Ia Keng, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai. Sinh ra trong một gia đình đông anh em nên cuộc sống của Lý khá khó khăn. Thế nhưng so với các anh em trong nhà, Đặng Hồng Lý lại có tiếng là lanh lợi, khôn ngoan nhất.
Thuở ấy, bố mẹ Lý từng suy nghĩ và hy vọng sau này Lý chính là người sẽ làm rạng danh cho gia đình, cho dòng họ. Tuy nhiên, thầy cô, mái trường đã sớm phai nhạt trong mắt gã, bao nhiêu hy vọng của bố mẹ cũng tiêu tan khi mới học hết lớp 7, Lý phải bỏ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Những bậc sinh thành càng không thể ngờ được, chỉ vài năm bước vào “trường đời”, Lý đã thành đại ca của nhóm giang hồ quê lúa. Gã kể: “Họ gọi mình là đại ca bởi ngày đó mình hay đánh nhau. Tính mình cứ thấy trái tai, gai mắt, đôi khi không phải chuyện của mình cũng dùng nắm đấm. Thỉnh thoảng, mình còn tụ tập đám đàn em đi giải quyết ân oán”.
Và cũng chính sự bồng bột của tuổi trẻ, Lý đã đánh một thanh niên ở xã bị thương phải nhập viện. Lần đó, Lý trốn khỏi địa phương nhưng vẫn bị khởi tố và phải ngồi tù 9 tháng vì tội “cố ý gây thương tích”. Ra tù, gã phiêu dạt khắp nơi, rồi lại "bóc lịch" ở trại giam Kim Sơn (tỉnh Bình Định) 1 năm cũng vì tội cố ý gây thương tích. Năm 1990, Lý lại bị bắt đi tù lần ba vì tội “cố ý gây thương tích”. Với vài lần vào tù ra tội cùng những tội danh ai nghe cũng phải "gờm" mà biệt danh “Lý tàn” ngày một trở nên nổi tiếng.
Ra tù, Lý lưu lạc lên Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) nhanh chóng gia nhập vào băng chuyên khai thác và vận chuyển gỗ lậu. Vốn khôn ngoan, lanh lẹ nên chỉ vài năm “đi phụ”, Lý đã tự mình đứng ra thành lập đường dây gỗ lậu xuyên các tỉnh Tây Nguyên. Từ ngày Lý lên làm “ông cai”, các chủ gỗ khác cứ lần lượt… về vườn. Mỏ tiền từ gỗ lậu - cung đường Tây Nguyên do một mình Lý thống lĩnh. Mới 25 tuổi, Lý đã có tất cả, tiền nhiều không đếm hết, đặc biệt là vị trí trong thế giới lâm tặc vùng Tây Nguyên.
"Lý tàn" một thời nay đã trở thành một anh Lý có gia đình hạnh phúc bên vợ và con trai |
Thế nhưng, cuộc đời chẳng ai biết trước chữ ngờ. Lần đó cũng như nhiều chuyến hàng khác, Lý “trúng thầu” cung cấp gỗ cho một đại gia ở Đà Nẵng. Chuyến hàng lớn từ Ngọc Hồi về đến Đak Hà (Kon Tum) trót lọt nhưng đã bị một đối thủ khác hớt tay trên mất. Bị xúc phạm, Lý nhờ một tay anh chị kéo lũ đàn em đến nhà đối thủ hỏi tội, Lý đi cùng để chứng kiến.
Cứ tưởng chỉ là cuộc nói chuyện thông thường, ai ngờ đến nơi, tay anh chị kia dí súng vào đầu chủ nhà và ra lệnh cho đàn em vơ vét hết những gì có thể gọi là “phạt thái độ”. Vụ cướp diễn ra công khai khiến ai cũng khiếp sợ. Công an vào cuộc, người trung gian và đồng bọn lần lượt bị tóm gọn. Riêng Lý, từ người chứng kiến trở thành kẻ tòng phạm và vì sợ án tù tội nên từ ngày đó gã trốn biệt tăm. Lý bị truy nã toàn quốc, đi đâu cũng thấy báo đài đưa tên và ảnh nên càng sợ. Ngày đó, tội danh dùng vũ khí cướp còn hiếm lắm, Lý tin chắc nếu bị bắt cũng chung thân.
Mọi hang cùng ngõ hẻm, Lý đều tìm đến nhưng chẳng chỗ nào được yên thân vì lệnh truy nã đã có ở khắp nơi. Gã bảo, lúc đó cũng nhờ cái uy lớn nên mỗi lần cái tên gã xuất hiện ở đâu thì các “cai” ở đây lại phải “cúng” cho Lý ít tiền để lẩn trổn. Lý thay tên đổi họ và sống ở Ayun Pa (Gia Lai) cho đến năm 1998.
Năm đó, khi đã yên tâm rằng công an đã quên hẳn cái tên “Lý tàn”, gã trở lại Kon Tum với nghề buôn hoa quả. Nhưng chưa kịp “dựng nghiệp”, gã đã bị tóm gọn ngay tại chợ. Hơn 5 năm trốn chạy kết thúc, dù không gây thêm tội danh nào, Lý vẫn phải trả giá bằng 10 năm tù giam.
Hoàn lương nhờ "cảm" tấm lòng cô gái nghèo
Những ngày ở trong trại giam, gã thấy mình thanh thản nhất. Năm năm trốn chạy, chưa một lần Lý có giấc ngủ ngon lành. Gã có thời gian ngồi ngẫm lại những gì đã trải qua. Nhờ cải tạo tốt, Lý được ra tù trước thời hạn một năm rưỡi. Ngày ra tù, một thân một mình với hai bàn tay trắng, gã lại lang thang khắp nơi làm thuê làm mướn. Thấy gã cơ nhỡ, một chủ vườn cà phê thiếu nhân công nhận gã vào làm. Lần đầu tiên có được đồng tiền công ít ỏi từ chính bàn tay mình làm ra, gã đã khóc vì tiếc nuối cho những năm tháng trai trẻ của mình.
“Nếu không gặp người mà bây giờ là vợ tôi, thì có lẽ cuộc đời tôi đã không có được như ngày hôm nay”, Lý kể, lần ấy, sau vụ mùa, gã lang thang một thân một mình lạc lõng giữa phố thị Pleiku (tỉnh Gia Lai). Gã đi ăn xin nhưng chẳng ai cho, tối ngủ ghế đá công viên, nửa đêm mò dậy định “kiếm chác” bằng cách “nhập nha”. Nhưng run rủi thế nào, đêm ấy gã vô tình đụng phải người phụ nữ nhặt nhôm nhựa.
Ngôi nhà hiện nay của gã giang hồ một thời... |
Biết chắc hắn ăn trộm nhưng người này không hề kêu lên và còn dẫn gã đi ăn, cho thêm 100 ngàn đồng. Sau lần chạm mặt đầu tiên với gã cô gái chỉ nói nhẹ nhàng: “Làm đàn ông con trai mà không có ý chí, lại phải đi làm cái việc hạ đẳng như thế thì không đáng mặt chút nào!”. Nghe những lời ấy, gã chợt tỉnh ngộ. Thời điểm năm 2006, với 100 ngàn đồng trong tay, gã quyết tâm từ bỏ mọi thứ vương vấn trong giang hồ để phục thiện.
Gã căng sức làm thuê làm mướn để không còn thời gian mà nghĩ đến những chuyện tội lỗi trước kia nữa. Thấy Lý chăm chỉ, lại có ý quyết tâm nên nhiều người giúp đỡ gã có công việc. Với cây cuốc trên vai, cái rựa trong tay, gã cùng cây kiềng ba chân, với một cái nồi, vài cái bát sứt mẻ xin được đi làm từ sáng tới tối giữa những rừng cà phê mênh mông. Vốn đã quen thói ăn chơi, tiêu tiền như nước, giờ đây gã cảm nhận nỗi vất vả nhường nào. Nhưng lần này gã quyết tâm làm thật. Gã dựng căn lều tạm trong rừng làm nơi sinh sống và tự động viên mình làm việc lương thiện, quyết tâm làm lại cuộc đời.
Thời điểm đó, gã đã 40 tuổi. Chỉ trong mấy năm, gã gây dựng được cơ nghiệp tuy không lớn lao, nhưng là kết quả của một sự cố gắng không biết mệt mỏi. Sau ba năm làm việc miệt mài, gã tích góp được chút tiền, mua lại mấy sào cà phê. Rồi cứ thế từ mấy sào, giờ đây trong tay gã đã có hơn 3 ha cà phê đang cho thu hoạch. Chuyện tình của gã với cô gái nhặt nhôm, nhựa năm nào cũng theo đó nảy nở.
Sau mấy năm một mình làm việc và tích lũy, có một số tài sản nhất định, nhớ tới người phụ nữ ngày trước, gã quyết định đi tìm. Gã cất công lặn lội nhiều ngày trời tìm tới những điểm thu mua phế liệu ở Phố Núi để hy vọng lúc nào đó sẽ gặp lại. Gần trăm cửa tiệm buôn đồng nát, gã đều mòn chân đến, ngồi chờ và ra về trong thất vọng. Gã đã nghĩ là sau chừng ấy thời gian, người phụ nữ kia đã đổi nghề rồi. Nghĩ thế nên gã buồn lắm, vì chưa thể gặp mặt để nói một lời cảm ơn tự đáy lòng.
Nhưng có lẽ số trời còn thương gã, trong một lần thuê người hái cà phê mùa vụ, gã bất ngờ gặp lại người phụ nữ ấy trong số những công nhân làm thuê. Gặp lại gã, người phụ nữ kia không khỏi ngạc nhiên bởi sau mấy năm, gã từ một kẻ tay trắng lại có một số tài sản đáng giá như thế. Bao nhiêu ngậm ngùi cho thân phận, hai người trò chuyện với nhau.
Thấy gã một thân một mình cặm cụi suốt ngày đêm nai lưng trên nương rẫy mà không chơi bời, không đàn đúm như những người đàn ông khác, chị Trần Thị Lệ, người phụ nữ từng có một đời chồng, cảm thấy thương hắn. Gã mang mặc cảm của một kẻ tù tội nên rất ngại ngần. Thế nhưng trước tấm chân tình của Lệ, trái tim gã đã được sưởi ấm.
Năm 2010, hai người nên vợ nên chồng và giờ đây họ có một đứa con trai tuấn tú. Hạnh phúc trong mơ mà chưa một lần gã nghĩ tới nay đã thành sự thật. Gã bảo cả cuộc đời, đến bây giờ mới hiểu thế nào là hạnh phúc, thế nào là một gia đình. Gã mạnh dạn liên lạc với gia đình mình. Ai nấy đều mừng vui cho Lý vì tưởng rằng gã đã chết mất xác nơi nào, không ngờ nay lại hạnh phúc đủ đầy như thế.
Theo congly.vn