(GLO)- Nằm cạnh quốc lộ 19, cách thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) không xa, Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ Công nghiệp (CN-TTCN) Đak Djrăng có diện tích 15 ha, hiện đã được đầu tư một phần hạ tầng thiết yếu gồm đường, điện, hệ thống thoát nước với tổng kinh phí gần 6,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới thời điểm này, mới chỉ có 1 doanh nghiệp đến đây thuê đất để đầu tư.
Mặt bằng Cụm CN-TTCN Đak Djrăng được người dân mượn trồng chanh dây và phơi mì. Ảnh: K.L |
Được thành lập theo Quyết định 852/QĐ-UBND ngày 23-12-2015 của UBND tỉnh, Cụm CN-TTCN Đak Djrăng cơ bản đã được giải phóng mặt bằng và hiện giao cho Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Mang Yang quản lý. Lĩnh vực kêu gọi đầu tư vào Cụm chủ yếu là du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch như mì, tiêu sạch; chế biến thức ăn gia súc, gỗ... Sau khi thành lập Cụm CN-TTCN Đak Djrăng, UBND huyện Mang Yang đã xây dựng kế hoạch tổ chức kêu gọi các cá nhân, tổ chức có nhu cầu đầu tư và đã có khá nhiều doanh nghiệp xin đầu tư như Công ty TNHH một thành viên Hùng Cường, Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai, Công ty TNHH Hà Phương, Công ty Lợi Điền...
Ông Phan Lê Nguyên-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Mang Yang cho biết, Cụm CN-TTCN Đak Djrăng đã được đầu tư một phần cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí gần 6,6 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. Riêng hệ thống nước chưa đầu tư xây dựng do chưa có doanh nghiệp đến đầu tư, sợ để không sẽ bị xuống cấp, hư hỏng.
Tuy vậy, đến đầu năm 2017, UBND tỉnh mới đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai thuê đất xây dựng nhà máy chế biến tiêu sạch và thức ăn chăn nuôi với diện tích 29.800 m2 tại lô B1, B2 và B12. Nhưng hiện Công ty vẫn chưa xây dựng nhà máy. Và Cụm CN-TTCN này tới nay vẫn chỉ là khu đất trống rộng lớn, một số diện tích người dân mượn trồng chanh dây hoặc tiêu. Hệ thống giao thông nội bộ thì người dân dùng làm sân phơi mì!
Được biết, đầu năm 2015, Công ty TNHH một thành viên Hùng Cường có xin chủ trương cho thuê đất để xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng không nung tại Cụm CN-TTCN Đak Djrăng nhưng UBND tỉnh không đồng ý. Trước đó, năm 2013, UBND tỉnh đồng ý cho 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH An Đạt và Công ty TNHH một thành viên Quốc An Khang thuê đất để làm dự án, nhưng do khó khăn về tài chính, các doanh nghiệp này không triển khai được và bị UBND tỉnh thu hồi lại đất.
Tỉnh đang cố gắng kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa bàn, cùng với đó là nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Gia Lai làm ăn. Nói về nỗ lực để “lấp đầy” Cụm CN-TTCN Đak Djrăng, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Mang Yang cho biết: “Theo kế hoạch, trong năm 2017, UBND huyện sẽ làm việc với Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai để triển khai đầu tư nhà máy chế biến tiêu sạch và thức ăn chăn nuôi theo cam kết và tiến độ thực hiện. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký đầu tư kinh doanh để phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm cho lao động địa phương”.
Song, như nhiều doanh nghiệp than phiền, từ khi làm thủ tục đến lúc được phê duyệt chủ trương đầu tư thời gian quá dài và phức tạp. Nên ngoài việc tích cực cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian làm thủ tục thì “UBND tỉnh cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào cụm công nghiệp như giá thuê đất, thời gian thuê đất và miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư vào đây. Huyện cũng đề nghị Sở Công thương hướng dẫn thành lập Ban Quản lý Cụm CN-TTCN phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương”-ông Nguyễn Như Phi-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang nêu ý kiến khi báo cáo đánh giá thực trạng, hiệu quả hoạt động của Cụm CN-TTCN Đak Djrăng.
Kim Linh