Sau sự việc bất thường gần 40 người trong một huyện ở Gia Lai kéo ra tận Hải Phòng để học và thi lấy bằng lái xe ô tô, trong đó có nhiều người không biết chữ vẫn thi đỗ, Cục Đường bộ (Bộ GTVT) vừa thực hiện cuộc kiểm tra đột xuất thí sinh sau phần thi sát hạch lái xe ô tô trong sa hình tại một trung tâm. Kết quả phát hiện ngay sai phạm...
Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện (trái) kiểm tra đột xuất trung tâm sát hạch lái xe và phát hiện ngay vi phạm Ảnh: Phạm Thanh |
Thi sát hạch “hồn nhiên” mang điện thoại
Hoạt động kiểm tra đột xuất một số trung tâm sát hạch lái xe ô tô tại Hà Nội của Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện diễn ra sau hàng loạt tai nạn ô tô nghiêm trọng vừa qua. Đặc biệt, sau sự việc bất thường với gần 40 người trong một huyện ở Gia Lai kéo ra tận Hải Phòng để học và thi bằng lái xe ô tô, trong đó có nhiều người không biết chữ vẫn thi đỗ, càng làm “nóng” thêm câu chuyện chất lượng đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe ô tô, cũng như sự buông lỏng của cơ quan quản lý nhà nước.
Để tạo bất ngờ, khi xuống kiểm tra Trung tâm Đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe ô tô của Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy (Xuân Mai, Hà Nội) trong ngày thi sát hạch 18/1, ông Huyện ra thẳng sân thi và không báo trước. Kiểm tra ngay nữ thí sinh số báo danh 356 vừa xuống xe sau phần thi sa hình đã phát hiện thí sinh này vi phạm quy chế thi do mang túi xách và điện thoại lên xe sát hạch. Tiếp đó, ông Huyện yêu cầu kiểm tra thí sinh số báo danh 363 vừa thi đỗ phần sát hạch trong sa hình, như thí sinh trước, trường hợp này mang điện thoại theo người khi thi.
Sau khi kiểm tra các thí sinh, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ yêu cầu Tổ giám sát kỳ thi của Sở GTVT Hà Nội lập biên bản vi phạm của trung tâm sát hạch này và thí sinh. Đồng thời, ông Huyện yêu cầu trung tâm này phải lắp ngay tủ gửi đồ cho thí sinh, để không tái diễn tình trạng tương tự trong các đợt sát hạch tiếp. “Phải cấm thí sinh mang theo điện thoại, đồ cá nhân vào phòng thi, lên xe thi sát hạch giấy phép lái xe, vì có trường hợp thí sinh móc nối với bên ngoài hướng dẫn thi qua điện thoại, thiết bị công nghệ. Qua điện thoại bật loa ngoài, thí sinh sẽ được các thầy chỉ cách, bày mẹo khi thi phần lái xe trong sa hình”, ông Huyện nói. Do đó, ông Huyện yêu cầu trung tâm này lắp tủ gửi đồ cho thí sinh, nếu tái diễn sẽ không chỉ thí sinh bị cho trượt, sẽ xử lý cả trách nhiệm của trung tâm sát hạch.
Bao biện?
Trước vụ việc này, cả thí sinh lẫn lãnh đạo Trung tâm sát hạch lái xe Đại học Phòng cháy Chữa cháy đều thừa nhận việc mang đồ cá nhân và điện thoại lên xe thi là vi phạm quy chế thi. Bởi họ đều được phổ biến quy định cấm mang đồ cá nhân, điện thoại, thiết bị công nghệ vào phòng thi lý thuyết, lên xe thi thực hành. “Tuy nhiên, do trung tâm chưa làm được tủ đựng đồ cá nhân, nên vẫn để các thí sinh cầm cả điện thoại và túi xách khi thi”, “cầm theo vì không biết gửi đâu, thi xong gọi người nhà tới đón cho tiện…”, lãnh đạo trung tâm và các thí sinh bị phát hiện sai phạm “bao biện”.
Thí sinh Bùi Văn Thuận còn “hồn nhiên” cho biết, dù trước khi thi, trung tâm có phổ biến quy định cấm mang theo điện thoại khi thi, nhưng không ai kiểm tra, nên thí sinh vẫn mang theo bình thường.
Ông Trần Lâm Bằng, Phó Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe Đại học Phòng cháy Chữa cháy cũng thừa nhận: “Kiểm tra tới từng túi thí sinh rất khó, trung tâm đang nghiên cứu thêm để lắp tủ gửi đồ”, ông Bằng nói.
Về trách nhiệm của trung tâm trong vấn đề chất lượng tài xế, đặc biệt là sau hàng loạt tai nạn vừa qua, ông Bằng cho rằng, trung tâm luôn thực hiện đúng quy định, nâng cao trách nhiệm. Các thí sinh phải đạt các bài kiểm tra kỹ năng mới cấp giấy phép lái xe. “Trách nhiệm của trung tâm đào tạo, sát hạch lớn nhỏ cũng khó đánh giá, thí sinh có các bài kiểm tra đạt yêu cầu thì trung tâm xác nhận họ đạt”, ông Bằng nói.
Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, trong tháng này, Bộ GTVT sẽ ký ban hành thông tư sửa đổi về đào tạo và sát hạch lái xe. Theo đó, ngoài thay đổi quy định về kiểm soát thời gian học của học viên, các trung tâm sát hạch sẽ phải truyền dữ liệu hình ảnh thi sát hạch trực tuyến về Sở GTVT và Tổng cục Đường bộ. Học viên ngoài học thực hành trên ô tô, còn phải học trên buồng lái mô phỏng các tình huống trên đường bộ, các địa hình… Đặc biệt, sẽ quy định thí sinh thi trượt lần 1 phải tối thiểu 1 tháng sau mới được thi lại, thay vì thi lại ngay ở kỳ thi tiếp theo chỉ cách 2-3 ngày như hiện nay.
Lê Hữu Việt (TPO)