Không bảng hiệu, chẳng gian hàng, chỉ có đôi sọt hàng và một chiếc xe máy cũ kỹ. Thế nhưng, từng ngày, những tiểu thương miền xuôi đều đặn mang “chợ”, vượt núi, đường dài đến với bà con vùng cao. Mỗi chuyến đi là một lần kết nối, sẻ chia khó nhọc và góp phần làm ấm thêm đời sống ở những thôn, làng xa.
![]() |
Người dân miền xuôi hằng ngày chở hai sọt hàng lên miền ngược bán. Ảnh: D.Đ |
Từ 3 - 4 giờ mỗi ngày, tại chợ Định Bình (thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) luôn có hàng chục tiểu thương tất bật gom hàng: Rau quả, thịt cá, mắm muối… rồi chất gọn gàng trong hai sọt hàng bên thân xe, chuẩn bị cho hành trình dài lên các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Thuận bán lại cho bà con.
![]() |
Ông Nguyễn Tiến Nên (bìa trái) bán hàng cho người dân ở làng K3 (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh). Ảnh D.Đ |
Tại đây, chúng tôi gặp ông Nguyễn Tiến Nên (50 tuổi, ở xã Vĩnh Hảo) là tiểu thương đã gắn bó với “cửa hàng hai sọt” được hơn 15 năm. Trước kia ông làm nhiều nghề nhưng thu nhập bấp bênh. Thấy bạn bè buôn bán trên vùng núi có thu nhập khá, ông cũng học theo và nay đã là mối quen của nhiều hộ dân ở các làng K2, K3, K8 (xã Vĩnh Sơn).
Ông Nên chia sẻ: “Các mặt hàng tôi bán chủ yếu là rau, củ, cá, thịt; giá chỉ nhỉnh hơn chợ thị trấn 1.000 - 2.000 đồng mỗi bó rau, 10.000 đồng/kg thịt, bà con ủng hộ mua nhiều lắm, vì hàng tươi, rẻ. Nhờ nghề này, tôi có điều kiện lo được cho con cái ăn học đàng hoàng, có công việc ổn định”.
Bà Nguyễn Thị Bích Phương (53 tuổi, ở xã Vĩnh Hảo) có hơn 13 năm chuyên chở “chợ” đến các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim. “Nghề này cực, mỗi ngày tôi chạy xe cả đi về gần trăm cây số. Nhưng thấy bà con có đồ tươi để ăn, mình cũng thấy vui. Có hôm trời mưa gió vẫn cố đi, vì họ trông mình mang “chợ” lên”, bà Phương kể.
Tại các xã miền núi, điều kiện đi lại khó khăn, dịch vụ chưa phát triển, các “chợ di động” lên tới đây mỗi ngày giúp bà con tiếp cận nguồn hàng hóa thiết yếu dễ dàng hơn. Ông Đinh Điêu (42 tuổi, người Bana, ở làng K3, xã Vĩnh Sơn) cho biết: “Các anh chị đưa “chợ” đến tận nhà, thuận tiện lắm; nhờ đó, chúng tôi luôn có nguồn thực phẩm tươi để sử dụng hằng ngày. Thậm chí khi thiếu tiền vẫn có thể mua chịu mà không ai thúc ép trả”.
Tại huyện Vân Canh, ở các xã như Canh Liên, Canh Thuận, Canh Hòa, nơi có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, sau thời gian rong ruổi khắp nơi, một số tiểu thương chọn cách bán hàng tại các tiệm tạp hóa cố định.
![]() |
Bà Võ Thị Kim Anh (trái) có gần 20 năm chở “chợ di động” lên buôn bán trên các làng của xã Canh Liên (huyện Vân Canh), nay bà chọn việc bán hàng tại chỗ giúp bà con mua hàng giá cả hợp lý hơn. Ảnh: D.Đ |
Bà Võ Thị Kim Anh (49 tuổi, chủ tiệm tạp hóa ở làng Canh Thành, xã Canh Hòa) tâm sự: “Đời sống của bà con ở các làng còn khó khăn nên hàng bán phải vừa túi tiền. Mình lấy hàng tận mối giá thấp, không phải đưa hàng đi đến từng nhà bán như trước, nên giá thấp hơn, không lời nhiều nhưng giúp người dân tiết kiệm chi phí. Có người không có tiền, tôi cho họ nợ hoặc đổi nông sản. Như vậy mới giữ được tình làng nghĩa xóm”.
DUY ĐĂNG