“Cú hích” để phát triển sản phẩm OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày đầu năm 2025, sản phẩm mật ong Phương Di của Hợp tác xã (HTX) Mật ong Phương Di Bee (làng Mơ Nú, xã Ia Kênh, TP. Pleiku) được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận đạt OCOP cấp quốc gia (OCOP 5 sao). 

Đây sẽ là “cú hích” để các chủ thể trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển những sản phẩm tiềm năng trong thời gian tới.

Phát huy nghề truyền thống

Hợp tác xã Mật ong Phương Di Bee thành lập năm 2019 với 276 thành viên hoạt động trong lĩnh vực như chế biến lúa gạo, hạt điều, nuôi ong lấy mật... Trong đó, nghề nuôi và khai thác mật ong theo tiêu chuẩn VietGAP là thế mạnh của HTX. Hiện nay, HTX đang liên kết nuôi và khai thác khoảng 10.000 đàn ong mật tại Gia Lai và các tỉnh lân cận.

Bà Trần Thị Hoàng Anh-Giám đốc HTX Mật ong Phương Di Bee-chia sẻ: Gia Lai có vùng nguyên liệu cà phê, cao su, điều và cây ăn quả rộng lớn, thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật.

“Gia đình tôi có nhiều thế hệ theo nghề nuôi ong lấy mật. Để nâng cao giá trị sản phẩm và xây dựng thương hiệu mật ong, tôi đã liên kết với các hộ nuôi ong thành lập HTX Mật ong Phương Di Bee. Hợp tác xã nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng khoảng 1.000 tấn mật ong thô/năm.

Những năm qua, HTX không ngừng đầu tư mua sắm máy móc, trang-thiết bị để tạo ra những sản phẩm từ mật ong chất lượng cao. Năm 2019, HTX có 4 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh”-Giám đốc HTX Mật ong Phương Di Bee cho biết.

san-pham-mat-ong-phuong-di.jpg
Khách du lịch tìm hiểu sản phẩm mật ong Phương Di được bày bán tại Khu du lịch Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: N.D

Anh Trần Nguyên Hội (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cho hay: Anh tham gia làm thành viên HTX từ ngày thành lập đến nay. Hiện anh nuôi 400 đàn ong lấy mật theo tiêu chuẩn VietGAP. Nếu thời tiết nắng ấm, khoảng 8-10 ngày, anh quay mật một lần.

“Mỗi đợt, tôi thu được khoảng 3 tấn mật thô đưa về xưởng của HTX tách hạ các thành phần để đảm bảo các tiêu chuẩn và đóng chai. Bình quân mỗi năm, tôi đạt mức lợi nhuận hơn 200 triệu đồng”-anh Hội thông tin.

123-3881.jpg
Anh Hội đang kiểm tra cầu ong. Ảnh: N.D

Cũng theo anh Hội, sản phẩm mật ong thô của các thành viên được HTX bao tiêu với giá ổn định. Vừa rồi, sản phẩm mật ong của HTX được công nhận đạt OCOP 5 sao. Đây là động lực để các thành viên phát triển nghề nuôi ong đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Động lực để phát triển sản phẩm OCOP

Theo thông tin từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều chủ thể tham gia. Nhờ đó, sản phẩm OCOP của tỉnh không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng cũng được người tiêu dùng đánh giá cao.

Sản phẩm mật ong Phương Di được công nhận OCOP 5 sao là tiền đề thúc đẩy các chủ thể khác tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm OCOP tiềm năng từ 4 sao lên 5 sao trong thời gian tới.

khach-du-lich-tim-hieu-mat-ong-phuong-di.jpg
Khách du lịch tìm hiểu mật ong Phương Di. Ảnh: N.D

Theo Giám đốc HTX Mật ong Phương Di Bee, hiện nay, nhiều sản phẩm mật ong và sản phẩm chế biến từ mật ong của HTX được tiêu thụ mạnh trên các sàn thương mại điện tử. Trong đó, sản phẩm mật ong bánh tổ của HTX đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao.

Năm 2024, nhiều khách hàng từ Hàn Quốc và một số nước trên thế giới đã đến HTX tham quan, tìm hiểu, đặt vấn đề tiêu thụ lâu dài. Đây là động lực để HTX đầu tư nâng cao chất lượng để xứng tầm là sản phẩm OCOP 5 sao.

“Hiện nay, HTX đã áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và tiêu thụ nên đầu ra không còn phụ thuộc vào thương lái. Các sản phẩm mật ong của HTX đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử. Hiện HTX ưu tiên chế biến sâu những sản phẩm mật ong để hướng đến thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, HTX sẽ không ngừng đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ”-Giám đốc HTX Mật ong Phương Di Bee phấn khởi cho biết.

Trao đổi với P.V, ông Trần Văn Văn-Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh-thông tin: Sau 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh đã có 76 sản phẩm OCOP 4 sao và 386 sản phẩm 3 sao.

Hiện nay, Gia Lai có 5 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá công nhận OCOP 5 sao gồm: cà phê Đak Yang, cà phê Fine Robusta, tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, tiêu đen hữu cơ Lệ Chí và tiêu sọ hữu cơ Lệ Chí.

Sản phẩm mật ong Phương Di được công nhận OCOP 5 sao là động lực lớn để các chủ thể trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển những sản phẩm tiềm năng trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu nông sản: Từ lợi thế địa phương đến sân chơi toàn cầu

Xuất khẩu nông sản: Từ lợi thế địa phương đến sân chơi toàn cầu

(GLO)- Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản là hướng đi chiến lược để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, cần chuyển hóa lợi thế nông sản địa phương thành năng lực cạnh tranh thực thụ để đủ sức vươn xa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (ảnh đơn vị cung cấp).

Tự tin tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia

(GLO)- Sau nhiều nỗ lực, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã xây dựng thành công 5 sản phẩm cà phê và hồ tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Hiện các sản phẩm này đang được hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận OCOP cấp quốc gia (OCOP 5 sao).

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(GLO)- Sau 5 năm triển khai Đề án số 02-ĐA/HU của Huyện ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các hộ dân tham quan mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97 tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ánh (buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah). Ảnh: Hữu Minh

Giống lúa TBR97 tại xã Ia Mlah ước đạt năng suất 80 tạ/ha

(GLO)- Sáng 26-4, tại xã Ia Mlah (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed-Miền Trung Tây Nguyên (trực thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed) tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97.