Khởi nghiệp từ sản phẩm OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chương trình OCOP đã trở thành “bệ phóng” trong hành trình khởi nghiệp của nhiều chủ thể, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh Gia Lai vươn ra thị trường.

Thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp

Hiện nay, nhiều người trẻ chọn lĩnh vực nông nghiệp để khởi nghiệp. Để “tiếp lửa” cho hoạt động khởi nghiệp, chính quyền các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực thông qua việc xây dựng sản phẩm OCOP.

Nhận thấy giá trị của hạt mắc ca trên vùng đất Hải Yang (huyện Đak Đoa), năm 2019, chị Mai Thị Nhung (thôn 1) đã mạnh dạn xây dựng vùng nguyên liệu, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm mắc ca sấy nứt để xây dựng sản phẩm OCOP. Ngoài 1 ha mắc ca của gia đình, chị Nhung còn liên kết cùng 6 hộ dân trên địa bàn với tổng diện tích 6 ha.

“Tôi sản xuất mắc ca sấy nứt theo quy trình khép kín nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm mang nhãn hiệu mắc ca Kon Kông của tôi còn gặp nhiều hạn chế khi tiếp cận thị trường.

Để đi đường dài, tôi đã tập trung tìm hiểu, học hỏi và đầu tư máy móc, thiết bị để chế biến hạt mắc ca đạt chuẩn nhằm đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Kết quả, sản phẩm hạt mắc ca sấy nứt Kon Kông đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện vào năm 2024”-chị Nhung cho biết.

kn-chuong-trinh-ocop-tro-thanh-be-phong-trong-hanh-trinh-khoi-nghiep-cua-chi-mai-thi-nhung-xa-hai-yang-huyen-dak-doaanh-tran-dung.jpg
Chương trình OCOP trở thành “bệ phóng” trong hành trình khởi nghiệp của chị Mai Thị Nhung (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa). Ảnh: Trần Dung

Cũng với mong muốn xây dựng thương hiệu sản phẩm từ thế mạnh địa phương và tham gia Chương trình OCOP, anh Nguyễn Vũ Phú Trường (thôn 5, xã An Phú, TP. Pleiku) đã gặt hái được thành công bước đầu với sản phẩm trà tía tô. Đầu năm 2023, anh Trường xây dựng ý tưởng khởi nghiệp chế biến sản phẩm trà tía tô theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để có nguồn nguyên liệu cho chế biến, anh Trường liên kết với 6 hộ trồng tía tô trong thôn với diện tích gần 9 sào theo hướng VietGAP. Đến cuối năm 2023, sản phẩm trà tía tô với thương hiệu Trường Phú được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Anh Trường phấn khởi cho hay: “Khi được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm trà tía tô của tôi đã nhanh chóng tiếp cận thị trường. Từ thành công với sản phẩm trà tía tô, tôi đã nghiên cứu chế biến nhiều sản phẩm trà khác từ thảo mộc. Tất cả sản phẩm trà thảo mộc đều được chế biến thành dạng bột, đóng gói trong túi lọc.

Với giá bán gần 1,3 triệu đồng/kg, mỗi tháng, tôi xuất ra thị trường khoảng 20-25 kg gồm các loại trà như: đinh lăng, tía tô, lạc tiên... Thời gian tới, tôi sẽ hoàn thiện thêm một số sản phẩm trà thảo mộc để tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP. Cùng với đó là xây dựng vùng nguyên liệu dược liệu bền vững”.

kn-voi-buoc-tien-tro-thanh-ocop-3-sao-cua-tinh-tra-tia-to-cua-anh-nguyen-vu-phu-truong-xa-an-phu-tp-pleiku-da-nhanh-chong-tiep-can-thi-truonganh-td.jpg
Sau khi được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm trà tía tô của anh Nguyễn Vũ Phú Trường (xã An Phú, TP. Pleiku) đã nhanh chóng tiếp cận thị trường. Ảnh: T.D

Nhằm tìm hướng đi riêng trên con đường khởi nghiệp, chị Phạm Thị Bình (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao giá trị cho cây trồng thông qua chế biến. Năm 2018, chị bắt đầu chọn cây sả chanh để chế biến sản phẩm trà lá sả chanh mang thương hiệu Nam Phúc.

Chị cho hay: Ở xã Ia Vê, người dân trồng rất nhiều sả nhưng chỉ thu hoạch thân, còn lá thì bỏ. Trong khi đó, thành phần tinh dầu trong lá sả lại rất tốt cho sức khỏe. Thấy lãng phí nên tôi đã sấy lá sả làm thức uống. Để tạo vị thơm ngon cho dòng trà này, tôi kết hợp thêm cỏ ngọt, đậu đen xanh lòng, gừng, mãng cầu...

“Việc tham gia Chương trình OCOP sẽ góp phần nâng tầm sản phẩm và tạo được niềm tin của khách hàng. Tôi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ ngành chức năng. Vì thế, tôi nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ và sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh vào năm 2021”-chị Bình chia sẻ.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương

Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu. Cùng với đó, Chương trình OCOP đã trở thành “đòn bẩy” giúp sản phẩm khởi nghiệp vươn xa, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập của người dân nông thôn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: Trong 3 năm (2021-2024), tỉnh đã phân bổ gần 46,3 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Từ nguồn kinh phí này, các ban, ngành, địa phương đã tổ chức một số hoạt động cụ thể như: tổ chức cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ngày hội thanh niên khởi nghiệp, ngày hội phụ nữ khởi nghiệp và chương trình quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản OCOP cho các hợp tác xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

chi-pham-thi-binh-xa-ia-ve-huyen-chu-prong-xac-dinh-chuong-trinh-ocop-se-gop-phan-nang-tam-san-pham-khoi-nghiep-anh-tran-dung.jpg
Chị Phạm Thị Bình (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) khẳng định, Chương trình OCOP góp phần nâng tầm sản phẩm khởi nghiệp. Ảnh: T.D

Trên thực tế, nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp đại học đã trở về quê hương, tận dụng lợi thế từ tài nguyên bản địa để khởi nghiệp. Xu hướng này đang thổi “làn gió mới” vào nông nghiệp, nông thôn với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả… Tuy nhiên, khởi nghiệp không chỉ là câu chuyện của niềm đam mê, người khởi nghiệp phải làm chủ được khoa học công nghệ, quy trình sản xuất và sáng tạo trong kết nối để xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm…

Chính vì vậy, việc gắn kết khởi nghiệp nông nghiệp với Chương trình OCOP là điều thiết yếu nhằm thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp trong nông nghiệp, nhanh chóng đưa nền nông nghiệp của tỉnh chuyển mình theo hướng hiện đại.

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đỗ Đức Thanh nhận định: Khởi nghiệp nông nghiệp đã trở thành xu hướng, phong trào sôi nổi trong cộng đồng, nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan và tổ chức xã hội. Giai đoạn 2021-2024, Tỉnh Đoàn đã hỗ trợ cho 112 ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, trong đó có nhiều ý tưởng khởi nghiệp trong nông nghiệp.

Thông qua hoạt động khởi nghiệp, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Ông Trần Văn Văn-Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh-cho biết: Từ năm 2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình đã đầu tư khai thác, chế biến các loại sản phẩm đặc trưng như: cà phê, hồ tiêu, măng khô, bò một nắng, hạt mắc ca, gạo, dược liệu, mật ong, hạt điều… tạo ra những sản phẩm được công nhận OCOP 3-4 sao.

Đặc biệt, sản phẩm OCOP không chỉ đa dạng về chủng loại mà còn khẳng định chất lượng và thương hiệu trên thị trường. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 430 sản phẩm được công nhận OCOP 3-4 sao (trong đó có 70 sản phẩm 4 sao và 360 sản phẩm 3 sao).

“Theo đánh giá, sản phẩm OCOP của tỉnh phát triển rất đa dạng. Các chủ thể đã chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã để tiếp cận với thị trường. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng quan tâm hỗ trợ các chủ thể về kiểm nghiệm, bao bì, nhãn mác, nhất là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc trưng vùng nông thôn theo hướng bền vững.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình xây dựng sản phẩm OCOP để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh”-ông Văn thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

(GLO)- Chiều 27-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị-Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng các bộ, ngành liên quan.

Giá cà phê arabica cao hơn robusta 2.000 USD/tấn, vì sao?

Giá cà phê arabica cao hơn robusta 2.000 USD/tấn, vì sao?

Người trồng cà phê như được tặng quà Giáng sinh khi ngay trong phiên giao dịch đêm 24.12, giá cà phê đồng loạt tăng trên cả 2 sàn London và New York, kéo thị trường nội địa tăng theo. Tuy nhiên hiện nay, giá cà phê arabica đang nới rộng khoảng cách với robusta, vì sao?

Ông Rah Lan Đang chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: L.N

Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ rừng

(GLO)- Mô hình thí điểm “Phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với việc trồng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững” tại buôn Ama Giai (xã Đất Bằng) do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) triển khai bước đầu phát huy hiệu quả.

Gia Lai diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2024

Gia Lai diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2024

(GLO)- Sáng 20-12, tại Tiểu khu 392 thuộc Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới (phường Chi Lăng, TP. Pleiku), Chi cục Kiểm lâm Gia Lai phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện và các chủ rừng diễn tập chữa cháy rừng năm 2024.

Khởi động thị trường cây cảnh phục vụ Tết nguyên đán

Khởi động thị trường cây cảnh phục vụ Tết nguyên đán

(GLO)- Những ngày này, lượng khách đến tham quan, mua sắm cây cảnh về trang trí công trình và nhà cửa để đón Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 bắt đầu tăng. Nắm bắt xu thế đó, các nhà vườn và cơ sở kinh doanh cây cảnh cũng tăng số lượng cây bán ra thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Ông Bing (xã Chư Á, TP. Pleiku) chăm sóc bò được hỗ trợ từ Tiểu dự án 1-Dự án 3. Ảnh: N.D

Quan tâm hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự án giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo ổn định sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia Lai hiện có 6 nông hội thuộc lĩnh vực ngành, nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, rượu ghè). Ảnh: Hà Duy

Đẩy mạnh phát triển mô hình nông hội để nâng chất lượng sản phẩm địa phương

(GLO)- Gia Lai hiện có 168 mô hình nông hội, trong đó, nhiều nông hội hoạt động hiệu quả đã góp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giúp đời sống hội viên được nâng lên. Tuy nhiên, còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc triển mô hình nông hội nên hoạt động thiếu hiệu quả.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân sử dụng phân viên dúi sâu trước khi gieo sạ lúa. Ảnh: V.C

Bón phân viên dúi sâu cho cây lúa: Hiệu quả kép

(GLO)- Mặc dù mới được triển khai thí điểm song mô hình bón phân viên dúi sâu trên cây lúa tại huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã mang lại hiệu quả kép, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Vụ Đông Xuân 2024-2025, mô hình được nhân rộng ra tất cả 9 xã trong toàn huyện.