Công tác trồng rừng ở Gia Lai gặp nhiều khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo kế hoạch, tỉnh Gia Lai sẽ trồng 8.000 ha rừng trong năm 2022. Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên đến nay, công tác trồng rừng đạt thấp. Vì vậy, công tác này cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, đơn vị và sự đồng thuận của người dân.

Ông Thái Thượng Hải-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê-cho biết: Theo kế hoạch năm 2022, huyện trồng 110,4 ha rừng tập trung và 70 ha cây phân tán. Ngay từ đầu năm, Hạt Kiểm lâm huyện đã chủ động phối hợp với UBND các xã rà soát quỹ đất đang sản xuất nông nghiệp trong quy hoạch lâm nghiệp để xây dựng kế hoạch trồng rừng; tuyên truyền, vận động các hộ dân tự nguyện kê khai, đăng ký diện tích trồng rừng; tổ chức thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm đưa vào trồng rừng theo kế hoạch. Cùng với đó, đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các chủ rừng chuẩn bị đất, lựa chọn cây giống có nguồn gốc rõ ràng để trồng rừng đảm bảo thời vụ và kế hoạch được giao.

 Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang triển khai trồng rừng. Ảnh: Minh Phương
Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang triển khai trồng rừng. Ảnh: Minh Phương


Tuy vậy, đến nay, huyện Chư Sê mới trồng được hơn 50 ha rừng, đạt 28% kế hoạch. Theo ông Hải, phần lớn diện tích đăng ký trồng rừng là của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, do đời sống còn nhiều khó khăn nên họ không có khả năng tự bỏ kinh phí trước để mua cây giống. Thêm vào đó, người dân trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa, số đăng ký trồng rừng chủ yếu là người già, người có sức khỏe yếu ở địa phương; mức hỗ trợ mua cây giống, chăm sóc cây trồng giảm so với giai đoạn 2017-2020… khiến việc vận động người dân trồng rừng gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Năm 2022, chỉ tiêu của huyện trồng mới 200 ha rừng tập trung và 85 ha cây phân tán. Nhờ chủ động kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng xã, thị trấn nên đến nay đã đạt 72,9%. Tuy nhiên, diện tích trồng cây phân tán chỉ mới đạt 23% so với kế hoạch. “Chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị chủ rừng đôn đốc người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi để trồng rừng, đồng thời thực hiện tốt phương án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc Bahnar trồng cây mắc ca, dổi xanh. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, các xã, thị trấn, đơn vị chủ rừng phải báo cáo tiến độ về Phòng Nông nghiệp và PTNT để theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND huyện, Sở Nông nghiệp và PTNT nhằm kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc phát sinh”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang nêu giải pháp.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến ngày 24-8, toàn tỉnh đã trồng được hơn 2.124 ha rừng (rừng sản xuất 1.717 ha, rừng phòng hộ 30 ha, cây phân tán 376,6 ha), đạt 26,5% so với kế hoạch đề ra. Bên cạnh một số địa phương, đơn vị đã chủ động triển khai, tranh thủ thời tiết thuận lợi để hoàn thành kế hoạch trồng rừng được giao thì vẫn còn nhiều nơi triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2022 rất chậm. Ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-nhấn mạnh: Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2022, Sở đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị chủ rừng tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai trồng rừng và trồng cây phân tán. Mặt khác, cần theo dõi chặt chẽ tiến độ trồng rừng tại địa phương, đơn vị mình, nghiêm túc triển khai việc cập nhật, báo cáo kết quả trồng rừng cho đến khi kết thúc thời vụ.

Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện kê khai diện tích đất lâm nghiệp đang lấn chiếm sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp. Cùng với đó, các huyện, thị xã tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, theo dõi tiến độ triển khai công tác trồng rừng của các doanh nghiệp được cho thuê đất để trồng rừng trên địa bàn. Trường hợp các doanh nghiệp không triển khai hoặc triển khai chậm làm ảnh hưởng đến kế hoạch trồng rừng chung của toàn tỉnh thì tổng hợp, báo cáo và đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT để tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định. “Trong quá trình triển khai, các địa phương, đơn vị cần kiểm tra, giám sát và hướng dẫn người dân lựa chọn cây giống trồng rừng đảm bảo số lượng, chất lượng và có chứng nhận về nguồn gốc xuất xứ; đảm bảo các diện tích rừng sau khi trồng sinh trưởng, phát triển tốt”-ông Hoan nhấn mạnh.

 

 MINH PHƯƠNG

 

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.