(GLO)- Công tác phòng-chống dịch Covid-19 được xác định là một “trận chiến” lâu dài. Sau lực lượng tuyến đầu thì cần lắm sự chung tay, góp sức của mỗi người dân. Ở Gia Lai, rất nhiều cá nhân, tập thể tích cực tham gia bằng những việc làm thiết thực với mong muốn sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Cựu chiến binh sẵn sàng “ra trận”
Dù đã rời quân ngũ nhưng ông Nguyễn Hữu Ái (thôn 3, xã Diên Phú, TP. Pleiku) vẫn luôn giữ tinh thần của một người lính, đã có nhiều đóng góp trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương. Đặc biệt là ông đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng-chống dịch Covid-19. Suốt nhiều tháng ròng, tuy không phải là thành viên của tổ Covid cộng đồng nhưng ông Ái đã không quản ngại khó khăn, vất vả, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định phòng-chống dịch. Ông còn theo dõi và báo cáo kịp thời các loại phương tiện giao thông từ nơi khác đến địa phương, giúp lực lượng chức năng nhận diện xe “luồng xanh”. Đó là những công việc mà nhiều người e ngại. Còn với ông, sự nhiệt tình được lý giải rất giản dị: “Là một cựu chiến binh sống ở địa phương, tôi cho rằng mỗi công dân phải có ý thức trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng và vì môi trường chung. Mình có bảo vệ cho bản thân được thì mới bảo vệ được cho hàng xóm, láng giềng”. Vừa qua, ông Nguyễn Hữu Ái được Chủ tịch UBND TP. Pleiku tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng-chống dịch Covid-19.
Nghĩa cử của cô và trò vùng biên
Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ) hiện đang được trưng dụng làm khu cách ly y tế tập trung với gần 200 công dân từ vùng dịch trở về. Thay vì dạy và học trên lớp thì giờ đây, cô và trò của trường chuyển sang trực tuyến. Xong buổi học, họ thường tham gia nấu ăn để giúp đỡ những người đang cách ly tại đây. Tại bếp ăn của Trường Mầm non Họa Mi gần đó, một nhóm tình nguyện viên là các em học sinh nữ đang tranh thủ nấu ăn để kịp bữa trưa. Tươi cười với chúng tôi, em Thiếu Quỳnh Ngân (lớp 10C9, Trường THPT Lê Hoàn) lễ phép thưa: “Dạ. Tụi em học online ở nhà do trường lập khu cách ly. Ngoài việc học, chúng em đến đây để phụ giúp nấu ăn. Tuy công việc không lớn lao gì nhưng chúng em rất vui!”.
Bà An Thị Loan tham gia chống dịch Covid-19 tại phường Phù Đổng (TP. Pleiku). Ảnh: Xuân Giang |
Mỗi ngày, có gần 20 học sinh và giáo viên của trường tham gia nấu ăn. Khi được hỏi làm thế nào để có thể sắp xếp thời gian vừa dạy online, việc gia đình vừa tham gia tình nguyện tại đây, cô giáo Nguyễn Thị Huệ chia sẻ: “Buổi nào trống tiết, tôi sẽ lên đây phụ giúp công việc nấu ăn, công việc ở nhà có chồng giúp đỡ. Khi làm việc này, tôi cảm thấy rất vui vì đã góp được một phần công sức giúp người dân khi về đây cách ly”.
Nhiệt huyết của những y-bác sĩ nghỉ hưu
Trong đợt cao điểm mở rộng tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, những y-bác sĩ nghỉ hưu đã có đóng góp quan trọng về chuyên môn, giúp công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh đạt kế hoạch đề ra. Bà An Thị Loan (63 tuổi, tổ 7, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) sau những tháng năm cống hiến cho ngành Y tế rồi nghỉ hưu, giờ tình nguyện tham gia “tổ Covid cộng đồng”. Chẳng những thế, bà còn vận động con gái đang học ngành Y cùng góp sức trong đợt tiêm chủng vắc xin tại phường. Với bề dày kinh nghiệm về chuyên môn, mỗi ngày bà còn khám sàng lọc, đo huyết áp cho trên 100 người trước khi tiêm vắc xin một cách an toàn. Bà Loan nói: “Tôi chỉ mong góp sức nhỏ bé của mình để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Tôi rất hạnh phúc vì còn sức khỏe để phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc”.
Đang công tác tại một phòng khám tư nhân, bác sĩ Nguyễn Văn Hùng đã tự nguyện tham gia khám sàng lọc, tiêm chủng vắc xin cho người dân tại điểm tiêm UBND phường Phù Đổng, giúp đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại đây từ 1.000 liều lên 1.200 liều vắc xin mỗi ngày. Ông vui vẻ nói: “Tôi cố gắng sắp xếp thời gian tham gia cùng anh em trong Trạm Y tế để phục vụ bà con. Qua 4 ngày tham gia ở đây, tôi thấy bà con đến tiêm rất đông”. Cùng với y sĩ Loan, bác sĩ Hùng, còn nhiều cán bộ y tế đã nghỉ hưu khác đã góp sức quan trọng trong công tác phòng-chống dịch Covid-19.
Những hoạt động đậm chất nhân văn đó đều xuất phát từ ý thức trách nhiệm với cộng đồng, từ tấm lòng nhân ái với con người. Những việc làm cao đẹp ấy càng được nhân lên, lan tỏa gấp nhiều lần trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay. Điều đó cho thấy người dân Gia Lai đều đồng lòng, chung tay, góp sức cùng cả nước chống dịch hiệu quả.
XUÂN GIANG