Công an xã Pờ Tó quan tâm đùm bọc học sinh nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, Công an xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) còn quan tâm giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập, góp phần tô thắm hình ảnh người chiến sĩ Công an bản lĩnh, vì Nhân dân phục vụ.

Pờ Tó là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ia Pa. Toàn xã có 7 thôn, làng với 1.908 hộ/8.667 khẩu, trong đó, khoảng 2/3 là người dân tộc Bahnar. Do đời sống người dân còn khó khăn nên việc học tập của nhiều học sinh cũng bị ảnh hưởng. Qua rà soát, riêng tại buôn Bi Gia có hơn 80 trường hợp học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, nguy cơ nghỉ học. Trong đó, em Đinh Độ (SN 2013) và Đinh Phiên (SN 2011) là trẻ mồ côi đang sống cùng bà ngoại thuộc hộ đặc biệt khó khăn. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, tháng 8-2022, Công an xã Pờ Tó đã xây dựng mô hình “Con nuôi Công an xã”, nhận 2 em làm con nuôi để hỗ trợ các em đến trường.

 Cán bộ Công an xã Pờ Tó hướng dẫn em Đinh Phiên học bài. Ảnh: R'Ô HOK
Cán bộ Công an xã Pờ Tó hướng dẫn em Đinh Phiên học bài. Ảnh: R'Ô HOK



Bà Đinh Hni (bà ngoại của Độ) cho hay: “Khi Độ được 10 ngày tuổi thì mẹ mất do bệnh hiểm nghèo, rồi bố nó cũng bỏ đi lấy vợ ở địa phương khác. Bây giờ, nó ở với tôi, cơm không đủ ăn, áo chẳng đủ mặc nên nhiều lúc không muốn đến trường học cái chữ, không muốn gặp thầy-cô giáo. Được Công an xã chu cấp, giúp đỡ và kèm cặp trong việc học tập, nó cũng siêng học hơn, biết vâng lời, lễ phép với mọi người nên tôi mừng lắm. Tôi già rồi không sống bao lâu nữa, chỉ mong nó trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội”.

Tương tự, mẹ và bố mất khi được 3 tháng tuổi nên em Đinh Phiên ở với bà ngoại già yếu, bệnh tật trong căn nhà sàn rộng chừng 15 m2, chắp vá bằng các miếng ván tạm bợ. Không có ruộng rẫy, cuộc sống của 2 bà cháu rất khó khăn, thiếu thốn. Phiên bị suy dinh dưỡng, còi cọc, xanh xao, học hành giảm sút. Từ khi nhận Phiên làm con nuôi, cán bộ, chiến sĩ Công an xã thường xuyên quan tâm, động viên và kèm cặp em học tập; đồng thời, hỗ trợ nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập. Vì vậy, em đã chịu khó học hành và hăng hái tham gia các hoạt động của trường lớp. Phiên chia sẻ: “Từ khi được các chú Công an giúp đỡ, cháu cảm thấy rất vui. Cháu sẽ cố gắng chăm ngoan học tập để không phụ lòng mọi người”.

Đại úy Bùi Văn Duy-Trưởng Công an xã Pờ Tó-thông tin: Để có nguồn kinh phí thực hiện mô hình “Con nuôi Công an xã”, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã đóng góp và vận động từ các nhà hảo tâm. Hàng tháng, đơn vị hỗ trợ quần áo, đồ dùng học tập và chi phí sinh hoạt cho 2 em. ­“Ngoài việc hỗ trợ vật chất, chúng tôi còn phân công cán bộ, chiến sĩ đến nhà các em để thăm hỏi, động viên, hướng dẫn, kèm cặp việc học tập và rèn luyện. Việc hỗ trợ sẽ thực hiện xuyên suốt cho đến khi các em đủ 18 tuổi nhằm tạo gắn kết và định hướng cho các em phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội”-Đại úy Duy cho biết.

Bên cạnh việc nhận 2 em học sinh nghèo làm con nuôi, thời gian qua, Công an xã Pờ Tó còn tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện hướng về cộng đồng. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã vận động cán bộ, chiến sĩ và các nhà hảo tâm đóng góp được hơn 85 triệu đồng để hỗ trợ người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trao đổi với P.V, Thượng tá Trần Việt Dũng-Trưởng Công an huyện Ia Pa-cho biết: Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 75% dân số của huyện. Đời sống của nhiều hộ còn khó khăn, nhiều trẻ em mồ côi cha, mẹ và thuộc diện hộ nghèo. Từ thực tế đó, Công an huyện đã chỉ đạo Công an xã Pờ Tó xây dựng mô hình “Con nuôi Công an xã”. Đây là mô hình đầu tiên tại địa phương mang ý nghĩa thiết thực, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. “Thời gian tới, trong điều kiện cho phép và tình hình thực tế của địa phương, Công an huyện sẽ tiếp tục nhân rộng ra các xã khác nhằm giúp các đối tượng yếu thế là trẻ em mồ côi, trẻ em có cha mẹ thuộc diện khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa phương”-Thượng tá Dũng nói.


 

 R'Ô HOK

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.