“Cổ tích” Grôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.

Bước qua lời nguyền

Chiều buông dần, ánh nắng vàng vọt len lỏi qua những rẫy cao su rồi khuất dần. Đây cũng là lúc người dân làng Grôn từ nương rẫy trở về nhà. Tiếng trẻ con nô đùa vang lên một góc làng đã xua đi cái hắt hiu, cô quạnh mà chúng tôi đã từng gặp cách đây hơn 10 năm về trước từ chính ngôi làng này.

Đường về làng phong. Ảnh: Thiên Thanh

Đường về làng phong. Ảnh: Thiên Thanh

Bây giờ, làng Grôn chỉ còn hơn 10 người thuộc 9 hộ mắc bệnh phong. Những thế hệ thứ hai 2, thứ 3 không bị bệnh. Nhận thức của bà con về bệnh phong cũng được nâng cao, định kiến được xóa bỏ nên những người mắc bệnh này cũng như người thân của họ không còn bị xa lánh như trước.

Ông Rơ Châm Tép-Trưởng thôn Grôn-chia sẻ: 17 hộ có người mắc bệnh phong sống trong làng đã hơn 20 năm rồi. Giờ đây, con cái của họ lớn lên lấy vợ, lấy chồng nên nhóm dân cư này đã có 26 hộ với hơn 100 khẩu.

Thời gian trôi đi, nhiều người già yếu rồi mất nên hiện tại chỉ còn 10 bệnh nhân phong. Đáng mừng là con cái họ sinh ra không mắc bệnh, đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định.

Ngôi nhà của ông Siu Bích được xây dựng khá khang trang, nằm bên con đường bê tông thẳng tắp. Mặc dù không được bầu hay chính quyền địa phương đề bạt, ông Bích vẫn được người dân trong làng coi như người có uy tín, là chỗ dựa vững chắc.

Năm nay đã bước qua tuổi 75 nhưng trông ông vẫn rất khỏe, đôi chân bị di chứng của căn bệnh mà một thời xã hội ruồng bỏ ấy được thay bằng đôi chân giả. Đôi tay không đủ 10 ngón nhưng ông vẫn cầm dao để làm nên những chiếc đàn trưng mang đi bán kiếm thêm thu nhập.

“Mình vừa ở rẫy điều về. Đôi chân giả đi lại khó khăn nhưng mà cũng phải lao động chứ. Mình còn trồng rau, nuôi thêm mấy con gà, con vịt để có thêm thu nhập. Người dân ở đây không còn mặc cảm với bệnh tật nữa mà đã hòa đồng cùng mọi người. Thanh niên đi cạo mủ cao su cho các công ty, người già thì chăn bò, coi rẫy. Cuộc sống đã khá lên rồi”-ông Bích vui mừng nói.

Đến làng Grôn, nghe những câu chuyện về nghị lực vươn lên của gia đình và bản thân người mắc bệnh phong khiến chúng tôi rất cảm phục. Không còn mặc cảm, tự ti, hơn 10 hộ có bệnh nhân phong đã nhận khoán cạo mủ cao su để có thêm thu nhập.

Chúng tôi ghé thăm nhà khi anh Siu Dil đang chuẩn bị dụng cụ để sáng sớm đi cạo mủ cao su. “Trước đây, thanh niên cứ quanh quẩn trong làng, ai thuê gì làm nấy, nhưng cũng làm gần, không đi xa vì ngại. 5 năm nay, các hộ gia đình đã nhận khoán cạo mủ cao su cho Đội 10 (Chi nhánh Công ty 75, Binh đoàn 15). Nhà mình nhận 3 vườn, không chỉ mình cạo mà vợ cũng ra giúp sức. Mỗi tháng, mình cũng có thu nhập gần 7 triệu đồng”-anh Dil kể.

“Vượt qua mặc cảm bệnh tật, các gia đình chủ động tìm công việc mới. Một số gia đình có thu nhập 200-300 triệu đồng/năm nhờ trồng điều, cà phê, cao su tiểu điền và chăn nuôi”-Trưởng thôn Rơ Châm Tép chia sẻ.

Những chuyện tình như mơ

Do quan niệm lạc hậu, khi nhắc đến bệnh nhân phong, một số người thường xa lánh, kỳ thị. Thế nhưng, nhiều câu chuyện tình đẹp được viết nên bởi chính những gia đình có người thân bị bệnh phong đã xóa tan định kiến, đem lại cho làng Grôn cuộc sống tươi mới.

Vợ chồng ông Kpuih Phan cắt chuối cho bò ăn. Ảnh: T.T

Vợ chồng ông Kpuih Phan cắt chuối cho bò ăn. Ảnh: T.T

Ông Kpuih Phan mắc bệnh phong, 2 bàn tay đều bị dị tật. Đến bây giờ, ông vẫn ngỡ cuộc sống hiện tại của mình là một giấc mơ. “Mình không may mắn khi sinh ra đã mang căn bệnh này. Lúc đầu buồn lắm nhưng được mọi người động viên nên mình đi học và cố gắng tập viết bằng những ngón tay còn lại.

Cứ tưởng rằng sẽ sống cô độc cả đời nhưng trong một lần lên thăm người quen ở làng Mook Trê (xã Ia Dom), mình đã thầm thương Rơ Lan H'Bá. Vì tự ti về bệnh tật nên mình không dám nói ra. Ngược lại, cô ấy hiểu chuyện và luôn gần gũi, trò chuyện, động viên mình”-ông Phan nói rồi hướng đôi mắt đầy trìu mến về phía vợ mình.

Ngồi cạnh bên, bà H'Bá ngập ngừng: “Lúc đầu thương anh ấy, mình không dám nói ra, nhưng thấy nhớ nên thường xuyên đến thăm. Khi gia đình biết tin đã phản đối vì anh ấy bị bệnh phong, sợ ảnh hưởng đến mình và con cái. Theo tập tục của người Jrai, người chồng phải về nhà vợ. Nhưng vì anh bị bệnh, mình sợ anh bị mọi người kỳ thị nên quyết định đến làng Grôn sống cùng anh”.

Cuộc sống của đôi vợ chồng không được sự đồng ý của người thân tưởng rằng sẽ khó khăn, cách trở, nhưng thành quả mà họ mang lại là 3 đứa con kháu khỉnh. Giờ đây, gia đình ông đã có 2 ha điều, 2 con bò và mấy chục con gà. Cuộc sống không còn khổ cực như xưa. Khi thấy cuộc sống của gia đình hạnh phúc, người thân của bà HBá cũng dần thấu hiểu và thường đến thăm hỏi, động viên.

Còn anh Dil thì kể, anh sinh ra ở làng Lung Prông (xã Ia Kriêng). Khi quen Kpuih Dyen cũng bị nhiều người ngăn cản chỉ vì chị sống trong làng có người bị bệnh phong.

“Mọi người sợ tôi lấy vợ về ở trong làng sẽ bị lây bệnh nên phản đối. Nhưng vì chúng tôi thương nhau, dần dần gia đình cũng đồng ý. Lễ cưới đơn giản là lên chính quyền đăng ký kết hôn, làm mấy con gà, ghè rượu mời bà con.

Khi về đây sống, tôi thấy căn bệnh này không lây lan, mọi người sống hòa đồng và giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Giờ đây, vợ chồng tôi đã có 2 đứa con. Vợ chồng làm công nhân cạo mủ cao su, trồng thêm 2 ha điều, nuôi 3 con bò và đàn gà. Sống như vậy hạnh phúc rồi”-anh Dil tự hào.

Trước đây, những người bị bệnh phong thường có quy ước ngầm là không được sinh con vì sợ để lại di chứng. Đó cũng là nỗi đau của những người khát khao làm bố, làm mẹ. Vượt qua quy ước ngầm, họ... “đẻ chui”. Nhờ được quan tâm giúp đỡ thuốc điều trị nên các thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra không mang mầm bệnh.

“Mình giấu mọi người để vợ mang thai và sinh đứa con. Khổ sở nhất là 9 tháng 10 ngày phải giấu mọi người, rồi khi sinh ra lo lắng kiểm tra từng bộ phận cơ thể xem có bị dị tật không. May là con không sao, chúng lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác. Sau đó, mọi người trong làng cũng bỏ qua cái quy ước ngầm ấy”-ông Bích chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Quang-Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng-cho biết: Những hộ gia đình trước đây bị bệnh phong sống tại làng Grôn hiện đã có cuộc sống tốt đẹp hơn. Con em trong làng đều được đến trường. Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể luôn quan tâm đến họ. Cùng với đó, người dân đã nỗ lực vượt lên, bỏ qua mặc cảm về bệnh tật để hòa nhập với cộng đồng.

***

Chia tay làng Grôn, tôi thầm mong nhiều làng có bệnh nhân phong cũng sẽ nỗ lực vươn lên để xây dựng cuộc sống mới ấm no, tốt đẹp.

Có thể bạn quan tâm

Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.