Đây là lần đầu tiên Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức giải bóng chuyền dành riêng cho vận động viên (VĐV) là người DTTS trong toàn tỉnh. Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Trưởng ban tổ chức-cho hay: Đây là hoạt động nằm trong Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023.
Giải là cơ hội để các cầu thủ bóng chuyền người DTTS giao lưu, học hỏi, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng thời, giúp các huấn luyện viên của tỉnh tuyển chọn những cầu thủ xuất sắc để bồi dưỡng nhằm hướng đến tham dự các giải trong thời gian tới.
Giải Vô địch Bóng chuyền các DTTS toàn tỉnh năm 2023 là cơ hội để các cầu thủ nâng cao trình độ chuyên môn. Ảnh: L.V.N |
Tham gia giải có 10 đội bóng của các địa phương gồm: Pleiku, Ayun Pa, Krông Pa, Chư Sê, Ia Pa, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, Chư Pưh và Mang Yang. Các đội chia thành 3 bảng thi đấu vòng tròn 1 lượt tính điểm. Bảng 4 đội chọn ra 2 đội nhất, nhì còn bảng 3 đội chọn đội nhất vào chơi vòng bán kết. Mỗi trận đấu ở vòng bảng diễn ra với thể thức 3 set thắng 2, từ vòng bán kết sẽ theo thể thức 5 set thắng 3 với mỗi set 25 điểm.
Khi chưa có giải đấu này, các VĐV bóng chuyền DTTS trong tỉnh thường chỉ có cơ hội cọ xát, giao lưu tại hội thi thể thao các DTTS toàn tỉnh. Đối với bộ môn bóng chuyền, một số đơn vị hạn chế về kinh phí và nhân lực nên không tham gia. Đơn cử như tại hội thi năm 2023 vừa qua, toàn tỉnh chỉ có 5 đội bóng chuyền DTTS so tài. Theo đó, các đội thi đấu vòng tròn tính điểm mà không chia bảng thi đấu bán kết, chung kết, khiến giải mất đi tính hấp dẫn.
Với số lượng đội tham gia ít nên việc tuyển chọn cầu thủ tham gia hội thi các DTTS toàn quốc khu vực II cũng gặp nhiều khó khăn. Đó là lý do khiến đội bóng chuyền nam DTTS Gia Lai không được đánh giá cao so với các đơn vị khác như: Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum. Đơn cử như tại hội thi năm 2023, đội chủ nhà Gia Lai xếp chót bảng khi để thua cả 3 trận. Thành tích tốt nhất mà Gia Lai giành được ở môn bóng chuyền nam là huy chương đồng ở hội thi năm 2017 tại Đak Lak.
Vì vậy, giải đấu năm nay được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phong trào bóng chuyền phát triển. Ông Nguyễn Văn Hải-huấn luyện viên đội Chư Sê-cho hay: “Lâu nay, bóng chuyền không phải là môn thế mạnh trong cộng đồng người DTTS ở Chư Sê. Nhưng khi chúng tôi tuyển chọn đội bóng để đi thi đấu giải cấp tỉnh, các VĐV rất háo hức. Hầu hết VĐV lấy từ đội bóng chuyền xã Bờ Ngoong. Qua giải này, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng phong trào để có chất lượng cầu thủ tốt hơn cho những giải sau”.
Còn ông Ngô Đức Mạo-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa thì cho biết: “Ở hội thi các DTTS toàn tỉnh những năm gần đây, Krông Pa đã đánh mất chức vô địch và chỉ xếp ở vị trí thứ 2. Một phần vì VĐV sa sút phong độ, phần vì các cầu thủ trụ cột đã qua thời kỳ đỉnh cao. Chúng tôi quyết tâm gây dựng lứa cầu thủ trẻ kế cận. Huyện cũng duy trì thường xuyên một số câu lạc bộ bóng chuyền DTTS ở xã Ia Mlah, Ia Hdreh… với những nhân tố khá triển vọng. Tại giải lần này, chúng tôi quyết tâm giành vị trí cao nhất”.
Trong ngày thi đấu đầu tiên, Nhà thi đấu đa năng thị xã Ayun Pa có khoảng 300 khán giả đến cổ vũ và được thưởng thức những trận cầu mãn nhãn với những pha đập bóng dũng mãnh. Ứng cử viên cho chức vô địch đội Krông Pa đã có màn “thị uy” sức mạnh trước đội Chư Sê với chiến thắng dễ dàng 2-0 sau các set 25-21 và 25-17. Các cầu thủ Chư Sê cũng đã có một khởi đầu đầy hứng khởi và gây ít nhiều bất ngờ cho đối thủ khi dẫn trước 6 điểm ở set 1 nhưng họ không thể bảo toàn khoảng cách.
Trong khi đó, ở cuộc derby khu vực Đông Nam tỉnh giữa chủ nhà Ayun Pa và Ia Pa lại diễn ra với những màn rượt đuổi tỷ số gay cấn, hấp dẫn. Với sự bùng nổ của các tay đập trẻ ở những thời điểm quyết định, đội Ia Pa đã vượt qua Ayun Pa với tỷ số 2-0 sau các set 25-21 và 25-22. Ở các trận đấu còn lại, Chư Păh có chiến thắng nhẹ nhàng 2-0 trước Chư Prông còn Chư Pưh cũng có chiến thắng nghẹt thở với tỷ số 2-1 trước Pleiku.
Trò chuyện cùng P.V, VĐV Pôn (huyện Đak Đoa) hồ hởi chia sẻ: “Tôi thường đi đánh các giải phong trào ở thôn, làng ở Đak Đoa, Pleiku, Ia Grai… nhưng ít có dịp được thi đấu trong không khí sôi động như thế này. Mong rằng năm sau sẽ có thêm nhiều đội tham gia nữa để giải càng thêm hấp dẫn”.