Chuyện về nữ giao bưu ở căn cứ cách mạng Krong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cũng không biết dùng từ gì thích hợp hơn từ “gan lì” để hình dung về bà Vy Thị Hồng Sơn (hiện trú tại số 66/6 Hùng Vương, phường Hội Thương, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thời điểm bà được giao làm nhiệm vụ liên lạc, giao nhận công văn, tài liệu khi tham gia hoạt động tại Ban Giao bưu ở Căn cứ địa cách mạng Khu 10.

Xởi lởi và cởi mở chính là ấn tượng đầu tiên dễ dàng cảm nhận được khi tiếp xúc với bà Vy Thị Hồng Sơn. Năm nay đã 64 tuổi, song bà vẫn giữ được nét hồn nhiên, vui tính khi kể về những ngày đầu được làm “chiến sĩ” giao bưu, góp phần vào sự nghiệp của ngành Bưu điện những năm đánh Mỹ. Bà kể, quê bà ở Quảng Ngãi. Năm 1965, bà theo gia đình “chạy giặc” và sống ở “làng Kinh” tại Khu 10-xã Krong.

Năm 10 tuổi, bà được đưa đến Ban Giao bưu để phụ làm những việc hậu cần lặt vặt như hái rau, giã gạo, chặt củi, làm rẫy… Từ lúc này, cô gái nhỏ Hồng Sơn ngày ngày quan sát, tiếp xúc và quen dần với công việc của một người làm công tác giao-nhận tài liệu thông qua những cô, chú, anh, chị trong Ban. “Hầu hết ai cũng rất bận rộn làm nhiệm vụ, vì những năm này, chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt, số tài liệu, công văn mật phải chuyển đi rất nhiều, mỗi ngày có cả trăm ký công văn, tài liệu phải giao đi các hướng. Khối lượng công việc thì lớn, mà số người lại ít nên một ngày năm 1970, tôi được giao nhiệm vụ một mình đem tài liệu đến địa điểm được dặn chờ để giao”-bà Sơn kể.

Bà Vy Thị Hồng Sơn kể về những ngày làm giao bưu. Ảnh: H.D

Bà Vy Thị Hồng Sơn kể về những ngày làm giao bưu. Ảnh: H.D

Khi được hỏi về cảm giác lần đầu tiên được giao nhiệm vụ quan trọng đến vậy, bà cười to: “Tôi vui lắm và chẳng thấy sợ hãi gì, chỉ sợ cọp thôi. Lúc này, xung quanh toàn là rừng, không có người, chỉ có chim kêu vượn hú. Trước đó, tôi cũng có nghe một chú trong Ban kể chuyện gặp cọp, sợ đến mức chạy thoát rồi nhưng về không ăn nổi mấy ngày, nên tôi cũng sợ. Còn đạn bom, tôi hoàn toàn không thấy sợ. Thực ra lúc này tôi còn nhỏ, lại là lần đầu tiên nên cũng được giao nhiệm vụ đơn giản, địa điểm giao tài liệu cách Ban không xa, chỉ chừng gần 1 tiếng đồng hồ đi bộ gì đó. Ra tới nơi ngồi chờ cũng không lâu, chừng gần 1 tiếng đồng hồ là đã có người đến lấy tài liệu rồi”.

Từ cái lần đầu tiên đầy… phấn khích đó thì những lần được giao nhiệm vụ tiếp theo cũng được bà hoàn thành một cách xuất sắc. Trong những mẩu chuyện được kể lại, bà Sơn vẫn luôn lặp đi lặp lại một điều: “Lúc đó, tôi tận mắt chứng kiến những người đã anh dũng hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ. Hoặc để hoàn thành nhiệm vụ, tôi đã tự nói với mình rằng, chết thì chết, chẳng có gì quan trọng, chẳng có gì phải sợ hãi hết. Có lần, một đoàn cán bộ của Ban đang trên đường đi, trong đó có tôi. Đoàn đi tự nhiên chia thành mấy nhóm, nhóm tôi đi trước cách nhóm sau chừng vài chục bước chứ bao nhiêu đâu, vừa quay qua quay lại, nhóm sau đã bị giặc thả bom. Một chú trong nhóm tôi lập tức lấy mũ che đầu, che mắt tôi lại, nói là bảo vệ mắt tôi, tới chừng mở mắt ra thì thấy trong nhóm sau đó đã có người ngã xuống... Cán bộ của Ban thời điểm đó cứ đi làm nhiệm vụ rồi không về rất nhiều, người thì địch bắt, người thì hy sinh, người nhẹ hơn thì bị mù mắt, có người bị cưa hết cả 2 chân… Những việc tận mắt chứng kiến, cộng với những điều mà các chú trong Ban nói với chúng tôi, tôi ý thức được hơn bao giờ hết việc bọn giặc đã chia cắt đất nước, đẩy người dân chúng ta vào cuộc chiến giữ đất giữ nước gian khổ, đầy hy sinh, mất mát như thế nào. Bởi vậy, dù còn nhỏ nhưng khi ấy, tôi vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng, hoàn toàn không có nỗi sợ nào về việc bất thình lình lúc nào đó mình trúng bom, trúng đạn chết đi”.

Sự “gan lì” của bà Sơn như càng được tôi luyện khi bà được cho đi học văn hóa năm 1973. Trong sách giáo khoa lúc đó, có một bài thơ tới giờ bà còn vẫn nhớ, mà theo như bà nói: “Sao nó giống y như công việc mình đang làm, cho nên tôi càng thấy hào hứng, vô cùng tự hào với nhiệm vụ mình được giao. Bài thơ có mấy câu như vầy: “Em đi liên lạc/Trên nẻo đường xa/Mặt trời vừa hé…”. Lúc đó, tôi còn được học về các nữ anh hùng như Lê Thị Hồng Gấm chẳng hạn. Vì vậy, tôi như được tiếp thêm động lực, được cổ vũ, càng không sợ khó khăn, gian khổ, không sợ hiểm nguy”.

Sự kiện đáng nhớ nhất đối với bà Sơn chính là chiến dịch mùa xuân năm 1975. Cách ngày 17-3 khoảng 2-3 ngày, 12 giờ đêm, bà cùng 6 cán bộ khác được lệnh đi chiến dịch, hành quân lên Pleiku. Băng rừng, vượt suối, đi tới giữa đường thì nghe tin giải phóng thị xã Pleiku. Lúc này, có lẽ không riêng gì bà Sơn mà tất cả người dân đều vỡ òa với đủ cung bậc cảm xúc. Đoàn tiếp tục di chuyển đến An Mỹ (nay là thôn 2, xã An Phú, TP. Pleiku) và được bố trí ở lại trong nhà dân nơi đây để chờ chỉ thị tiếp theo.

Những ghi chép về lực lượng giao bưu-thông tin Gia Lai anh hùng có nhấn mạnh: “Chỉ riêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng giao bưu Gia Lai đã nhận và chuyển đi hơn 3 triệu bưu phẩm, trong đó gần 30.000 công văn hỏa tốc, đưa đón trên 300.000 lượt cán bộ chiến sĩ qua lại, nhận chuyển 25.000 bức điện tín, vận chuyển hàng trăm ngàn tấn thực phẩm, vũ khí, đạn dược phục vụ mặt trận. Để có được thành tích ấy, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đường dây đã anh dũng hy sinh để bảo vệ tài liệu của Đảng, hàng hóa của cách mạng và cán bộ, chiến sĩ qua lại trên đường giao liên luôn an toàn, bí mật, chính xác, kịp thời” (đặc san nhân kỷ niệm 56 năm Ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam của Bưu điện tỉnh Gia Lai, xuất bản năm 2001).

Những chiến công của Ban Giao bưu lúc ấy có sự đóng góp công sức của rất nhiều người, trong đó có cô gái trẻ “gan lì” Vy Thị Hồng Sơn. Sau khi chiến tranh kết thúc, bà được đi học văn hóa tại Đà Nẵng, sau đó được phân công công tác tại Kon Tum, rồi lại về nhận nhiệm vụ ở Krông Pa… Bất cứ ở đâu, với cương vị nào, bà vẫn luôn thể hiện sự năng nổ, nhiệt huyết, hăng say cống hiến, hoàn thành xuất sắc trong mọi nhiệm vụ. Để ghi nhận những đóng góp ấy, bà đã được trao tặng Huy chương Giải phóng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất năm 1986, Huy chương Vì sự nghiệp Bưu điện Việt Nam năm 1995, Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ năm 2003, Huy chương Kháng chiến hạng nhất năm 2005, danh hiệu Giỏi việc nước-Đảm việc nhà và rất nhiều bằng khen, giấy khen.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện ở chốt 383

Chuyện ở chốt 383

(GLO)- Tuy còn nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ chốt 383 của Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) nỗ lực vượt lên để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

(GLO)- Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong 15 ngày (từ 15 đến 29-12-2024) cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an tỉnh Gia Lai vừa vinh dự được Bộ Công an biểu dương.

Nhiều tập thể, cá nhân của Công an tỉnh Gia Lai được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen

Nhiều tập thể, cá nhân của Công an tỉnh Gia Lai được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen

(GLO)- Sáng 6-1, tại lễ chào cờ đầu năm 2025, Đại tá Phạm Hữu Trường-Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã đọc thư chúc mừng năm mới của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh và trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc liên quan đến vụ án Phan Thị Thảo.

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

(GLO)-Chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Gia Lai phối hợp với các đơn vị tổ chức tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa đã mang lại niềm vui cho hàng ngàn người dân trên vùng biên giới mỗi dịp Tết đến, xuân về.