Chuyện "Tay hòm chìa khóa"…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu như trước đây, chuyện quản lý chi tiêu trong gia đình được mặc định cho phụ nữ, thì theo thời gian, quan niệm này cũng đang dần thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh và nếp sống của từng gia đình.

“Phụ nữ nên làm chủ tài khoản”

Lập gia đình khi mới 18 tuổi, đến nay, con cái đều đã trưởng thành, con trai lớn cũng đã học năm cuối đại học nhưng chưa khi nào chị Nguyễn Thị T. (xã Ia Ko, huyện Chư Sê) bị chồng phàn nàn trong chuyện chi tiêu. Bí quyết của chị T. rất đơn giản, đó là mọi chi tiêu trong nhà chị đều công khai, minh bạch.  Theo chị T., tất cả các khoản thu của gia đình đều tập trung vào cuối năm, khi thu hoạch xong cà phê, hồ tiêu nên số tiền rất rõ ràng. Tổng số tiền thu được, vợ chồng chị sẽ tính toán về khoản tái đầu tư cho vụ kế tiếp, tiền con cái ăn học và chi tiêu hàng tháng, tiền đối nội-đối ngoại,… số dư ra thì bỏ vô tài khoản tiết kiệm. Khi nào cần đầu tư hoặc mua sắm gì lớn trong gia đình, hai vợ chồng đều bàn bạc rồi mới quyết định. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”-là người phụ nữ, mình phải làm sao vun vén hạnh phúc gia đình và chi tiêu hợp lý, để chồng yên tâm làm việc cũng là một trong những cách để gìn giữ hạnh phúc gia đình”-chị T. chia sẻ.

 

Tranh minh họa
Tranh minh họa

Do đặc thù công việc của chồng thường xuyên công tác xa nhà nên chẳng cần phải bàn bạc, phân công ai là người quản lý tiền bạc trong gia đình mà chị Trần Thị H. (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) nghiễm nhiên trở thành người giữ “tay hòm chìa khóa”. Hàng tháng, lương của hai vợ chồng đều gộp chung vào một tài khoản, sau đó, chị trích ra một phần đưa lại cho anh để chi phí xăng xe, điện thoại, ăn sáng, cà phê… Chị bảo, lương công chức của hai vợ chồng chưa đầy 10 triệu đồng/tháng mà phải nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học nên hàng tháng phải cân đối chi tiêu trong gia đình cũng lắm áp lực. “Nhưng vẫn hơn là để chồng quản lý tiền, khi cần mua gì, sắm gì cũng phải báo cáo, xin ý kiến thì mệt lắm!”-chị H. cho hay. Đồng quan điểm với chị H., chị Đinh Thị B. (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) cũng cho rằng “Mọi khoản thu-chi trong gia đình cần phải tập trung về một chỗ và trong gia đình, phụ nữ nên là người làm chủ tài khoản. Nếu mạnh ai nấy giữ, mạnh ai nấy tiêu thì lấy đâu ra khoản chung cho tương lai”. Nói về chuyện đưa tiền hàng tháng cho chồng, chị B. chia sẻ: “Chồng mình vốn là người biết tiết kiệm nên mỗi khi chồng kêu đưa tiền thì mình đưa thôi chứ không tính toán hay hỏi han nhiều”.

Ví ai nấy giữ

Nếu như phần đông phụ nữ đều quan niệm tiền bạc trong nhà phải do mình nắm giữ, thì hiện nay, cũng có một bộ phận gia đình trẻ sống thoáng, nghĩ thoáng, và chi tiêu cũng thoáng. Họ thậm chí không quan tâm đến thu nhập của “đối phương”, tiền ai nấy giữ, chi tiêu theo nhu cầu mà không cần phải báo cáo…

Dù đã có với nhau 2 mặt con nhưng vợ chồng chị Nguyễn Hải V. (phường Hội Phú-TP. Pleiku) vẫn duy trì tài chính theo kiểu “ví ai nấy giữ”. Theo chị V., ngay từ khi mới cưới, hai vợ chồng đã ngầm thống nhất với nhau như thế và suốt 8 năm qua, mọi chuyện vẫn ổn, cả hai đều thấy rất thoải mái. Trả lời cho câu hỏi tiền đâu xây nhà, mua xe, chị V. nói: “Khi cưới, hai bên nội ngoại cũng cho một số tiền, vàng để làm vốn nên hai vợ chồng thống nhất dùng số tiền ấy mua đất, vay mượn thêm rồi làm nhà. Thời gian đầu, mỗi tháng hai vợ chồng đều góp mỗi người vài triệu đồng, tùy theo thu nhập để trả nợ, khi hết nợ thì lại lương ai nấy tiêu”. Dù không nắm giữ ví tiền của chồng, song với chị V. chồng là người có trách nhiệm, cụ thể hàng tháng anh đều gửi tiền nuôi con, tiền thuê người giúp việc… Riêng các khoản tiền thưởng quý, thưởng năm, anh đều đưa hết cho vợ coi như khoản đóng góp vào tài khoản để dành lỡ khi đau ốm... “Công việc của chồng có rất nhiều khoản thu-chi nên có muốn kiểm soát cũng khó, thay vì đó mình cứ sống thoải mái, miễn sao hàng tháng chồng đều đưa tiền đầy đủ, như thế là ổn”-chị Hải V. vui vẻ.

Riêng gia đình nhà chị Lê Thị H. (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) lại có sự phân chia trách nhiệm rõ ràng. Thu nhập từ tiệm may đồ của chị sẽ dùng vào việc chi tiêu ăn-uống hàng ngày trong gia đình, riêng khoản tiền học, tiền đối nội-đối ngoại và mua sắm vật dụng trong nhà là trách nhiệm của anh…

Rõ ràng, vấn đề tiền bạc khá nhạy cảm trong cuộc sống vợ chồng, chuyện chồng hay vợ giữ tiền, hay “ví ai nấy giữ” đều không quan trọng, miễn là cả hai thấy hạnh phúc, tôn trọng nhau và có trách nhiệm với gia đình. 

An Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Gió lốc làm 11 nhà dân tại làng Beng, xã Ia Chiă bị tốc mái. Ảnh: địa phương cung cấp

Lốc xoáy gây tốc mái nhiều nhà dân

(GLO)- Ông Nguyễn Văn Lựu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chiă (huyện Ia Grai) cho biết, sáng ngày 7-5, một trận mưa lớn kèm lốc xoáy xảy ra trên địa bàn đã khiến 15 nhà dân và 1 nhà công vụ Trường THCS Lê Hồng Phong bị tốc mái, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 162 triệu đồng.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khởi nêu gương sáng làm theo Bác. Ảnh: Ngọc Minh

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khởi nêu gương sáng học tập và làm theo Bác

(GLO)- Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Khởi (làng Kruối Chai, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) luôn nêu gương sáng trong học tập và làm theo Bác, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất giỏi và giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.

Đổi đời trên quê mới

Đổi đời trên quê mới

(GLO)- Rời quê hương Thái Bình, Cao Bằng để đến với mảnh đất Ia Hla (huyện Chư Pưh), nhiều người mang theo ước mơ đổi đời. Qua bao thăng trầm, họ đã trở thành những điển hình sản xuất giỏi ở địa phương.

Kỷ niệm với bác Núp

Kỷ niệm với bác Núp

(GLO)- Ngay tôi, tới khi lên Pleiku nhận công tác, cũng đâu nghĩ người mình gặp chiều hôm ấy, cái hôm tôi đi một vòng thám thính trước khi chính thức bước chân vào số 4 Trần Hưng Đạo, trụ sở Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum đã gặp bác Núp rồi.

Công trình nhà máy thuỷ điện Krông Pa 2 (xã Đak Rong, huyện Kbang). Ảnh: V.T

Công bố 6 thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh an toàn đập, hồ chứa thủy điện

(GLO)- UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 413/QĐ-UBND công bố Danh mục gồm 5 thủ tục hành chính mới và 1 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh an toàn đập, hồ chứa thủy điện thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Gia Lai có 8 huyện, thị đã thực hiện xử lý xong dữ liệu hộ tịch sai lệch

Gia Lai có 8 huyện, thị đã thực hiện xử lý xong dữ liệu hộ tịch sai lệch

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính tháng 4-2025. Đối với việc rà soát, xử lý sai lệch giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có 8 địa phương đã hoàn thành.