Chuyện chống dịch ngày trước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày giãn cách xã hội để phòng-chống dịch Covid-19, tôi chợt nhớ về câu chuyện năm 1987 ở làng Tơ Nang, xã Yang Trung, huyện Kông Chro. Năm đó, trong một dịp công tác về làng, tôi đã chứng kiến dịch hạch xảy ra làm chết 3 người. Lệnh giãn dân của già làng Đinh Glum đã làm cho không gian của làng ảm đạm, buồn tẻ và sau đó là… đốt nhà ra rẫy ở.
Sau giải phóng, hơn 40 nóc nhà ở rải rác của làng Tơ Nang được chính quyền địa phương gom về quần tụ gần con suối Đak Sơ Rổ, trên một dải đất bằng phẳng. Đang yên ổn làm ăn thì bỗng một buổi sáng, tiếng la khóc vang lên ở ngôi nhà giữa làng, mọi người xúm lại chia buồn cùng gia đình và tiếng cồng chiêng vang lên, loan truyền một tin buồn làng có người chết. Lễ cúng ma diễn ra. Rượu ghè được xếp hàng cột vào cọc. Tiếng khóc than thương tiếc rộ từng hồi trong ngôi nhà. Lễ cúng ma diễn ra đến ngày thứ 2 thì có 2 người lên cơn sốt nằm run rẩy dưới bóng cây cạnh ghè rượu. Mọi người cứ thản nhiên cho đó là cơn sốt rét bình thường.
Anh Đinh Nglep-y tá xã Yang Trung cũng có mặt ở đó lấy đồ nghề ra khám rồi hoảng hồn cho là không phải sốt bình thường mà có một cục hạch nằm ngang bẹn. Sau đó, anh nói với già làng đó là bệnh dịch hạch, sẽ lây và chết nhiều người. Tiếp theo, có 4 người cũng lên cơn sốt tương tự. Già làng Đinh Glum đứng trên sàn nhà hô lớn: “Ơ lũ làng nghe đây! Con ma dịch hạch đã đến giết chúng ta, mọi người tránh xa người chết ra và dừng ngay uống rượu, tập trung khiêng người đau đi trạm xá gấp gấp. Ai về nhà rẫy nấy, không được tập trung”.
Cả làng giãn ra, thanh niên trai tráng lấy võng khiêng tất cả 6 người chạy về Trạm xá Ya Ma cụm phía Nam của huyện An Khê cũ. Nhưng đi nửa đường thì 1 chị đã chết. Sau đó, 1 người vừa nằm giường bệnh chưa đầy 2 giờ cũng ra đi. Anh Đinh Nglep chạy đường tắt xuyên đêm gần 30 km về huyện để báo tình hình. Chiều hôm đó, 1 chiếc xe Uoát thùng chở đoàn cán bộ y tế của huyện vào làng Tơ Nang. Đường sá hồi đó rất khó đi, hầm hố, đá lởm chởm, gần sáng hôm sau, đoàn công tác mới đến được làng Tơ Nang.
Từ chiều hôm trước, già làng Đinh Glum đã huy động giãn dân rời làng, gia đình nào về nhà rẫy nấy để ở. Ghè rượu còn bỏ lăn lóc trong sân các nhà sàn. Đội chống dịch của Phòng Y tế huyện An Khê tiến hành phun thuốc tại các nhà sàn. Thật kinh hãi, thuốc bay tới đâu, bọ chét búng ra đen như vãi mè, bay đầy cả sàn nhà rồi lăn ra chết. Các nhân viên còn lại rải ra đi các nhà rẫy để theo dõi, tìm hiểu con bệnh lây lan.
Phần anh Đinh Nglep mải theo đoàn công tác đến chiều hôm sau mới về nhà rẫy. Dọc đường, nghe tiếng khóc trong nhà rẫy gần đó, anh bước vào thấy 1 bà mẹ ngồi khóc, vuốt lên người đứa con 13 tuổi đang lên cơn nóng sốt, bên bẹn nổi lên 1 cục hạch to. Trời đã nhá nhem tối, anh lo lắng nếu cõng cháu vượt núi đồi về với đoàn công tác ở làng sợ không kịp. Anh vội lấy lọ Streptomycin hòa nước cất phân ra làm 3 chích cho đứa con. Đứa bé thi thoảng co giật vì sốt cao, anh hối mẹ cháu lấy khăn nhúng nước lạnh chườm lên người rồi cùng anh thay nhau cõng thằng bé vượt dốc, xuyên rừng trở lại làng Tơ Nang.
Cạnh bờ suối Đak Sơ Rổ, đoàn công tác mắc ni lông nằm nghỉ tạm qua đêm. Trời vừa quá nửa đêm, anh hớt hải cõng cháu bé tới. Một anh trong đoàn ngồi dậy hỏi. Anh Đinh Nglep trình bày và đưa lọ thuốc Streptomycin ra còn hơn phân nửa. Mọi người soi đèn pin và tá hỏa đó là loại thuốc dùng cho gia súc. Mọi người bảo sao anh liều thế, mà thuốc này ở đâu anh có? Anh Đinh Nglep nói tỉnh bơ: “Thuốc này mình xin anh em thú y, về chích cho con bò nhà mình, tưởng chích cho bò được thì cũng chích cho người được chớ? Thấy anh em chích cho thằng Tok hôm qua cũng xít-tép mà!”. Mọi người cười ồ. Anh trưởng đoàn y tế hôm đó bảo: “Thuốc này không phải tiêm cho người, nhưng chưa hết hạn thì vẫn dùng cho người với liều thấp được. Hơn nữa, thuốc hôm qua là thuốc dùng cho người có cùng tên đó thôi”.
Trời sáng, thằng bé cũng hạ cơn sốt và khỏe dần. Anh em trong đoàn tiếp tục cho uống và tiêm thêm thuốc. Phần già làng Đinh Glum và một số người già trong làng tổ chức lễ cúng chống dịch theo phong tục. Vật phẩm là con gà trống trắng bằng nắm tay và ché rượu nhỏ. Bàn cúng được đặt ở đầu làng, gần một con bù nhìn vẽ mặt mày vằn vện đứng bên vệ đường, đang giương cung có gắn mũi tên chĩa ra. Ông giải thích, hình nộm này về mặt tâm linh là xua dịch bệnh không cho vào làng nữa, về mặt khác là thông báo cho mọi người biết làng đang có dịch, cấm mọi người qua lại, tiếp xúc lẫn nhau.
Dịch bệnh được dập tắt sau gần 1 tuần, đoàn y tế về lại An Khê. Gia đình anh Glih có 2 người đã chết vì dịch hạch. Anh đứng trước ngôi nhà mình khóc sướt mướt rồi châm lửa đốt. Ngọn lửa loang ra, cháy lan sang cả những nhà khác trong làng. Cả làng ngập trong lửa đỏ. Già làng Đinh Glum từ nhà rẫy nhìn khói lên nghi ngút hớt hải chạy về chỉ còn biết đứng trước đống tro tàn.
Chuyện chống dịch của ngày xưa cũ ấy cũng nói lên được rằng, những lúc sống trong thời gian khó nhất, con người vẫn luôn yêu thương, đùm bọc, bảo vệ nhau. Muôn đời một bài học không bao giờ cũ.
AN SINH

Có thể bạn quan tâm

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

(GLO)- Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đã tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”. Đây là dịp để công nhân, người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp ngồi lại với nhau trong bầu không khí chia sẻ, ấm áp tình đoàn kết.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

(GLO)- Tối 16-1, tại xã Đak Yă (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng” và trao quà Tết của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn.