(GLO)- Từ đầu tháng 3-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận hơn 36,3 tỷ đồng từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, do những vướng mắc trong triển khai thực hiện nên nguồn kinh phí này vẫn “đóng băng” chưa giải ngân được.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Lai (xã Chư Á, TP. Pleiku) học bài bằng điện thoại do Phòng GD-ĐT kêu gọi tài trợ qua Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Ảnh: Hoành Sơn |
Liên quan đến Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, tại hội nghị sơ kết công tác tháng 8-2022 của UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khẩn trương trao tặng thiết bị học tập nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh học tập tốt hơn cũng như phục vụ chương trình chuyển đổi số của tỉnh. |
Trước thềm năm học 2021-2022, cả nước căng mình ứng phó với đại dịch Covid-19, học sinh ở nhiều tỉnh, thành phố buộc phải ở nhà học trực tuyến. Lo lắng cho thế hệ tương lai của đất nước, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa không có phương tiện để học tập theo hình thức trực tuyến, ngày 12-9-2021, Thủ tướng Chính phủ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, kêu gọi sự chung tay hỗ trợ của các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Chương trình chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn này đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong cả nước.
Riêng tại Gia Lai, số tiền tài trợ chương trình là hơn 36,3 tỷ đồng, trong đó, Bộ GD-ĐT chuyển về 35 tỷ đồng và huy động từ các tổ chức, cá nhân trong tỉnh được hơn 1,3 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này được chuyển vào tài khoản của Sở GD-ĐT tại Kho bạc Nhà nước tỉnh từ ngày 2-3-2022 để làm các thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt mua sắm dự kiến 14.353 máy tính, trang bị cho học sinh là con hộ nghèo ở các trường phổ thông.
Tuy nhiên, cho đến nay, kinh phí thực hiện chương trình vẫn chưa giải ngân được. Ông Phạm Văn Đại-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ia Grai-cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi đã gửi danh sách hơn 100 học sinh ở vùng sâu, vùng xa thuộc đối tượng được hỗ trợ máy tính của chương trình để phục vụ việc học tập trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thế nhưng, đến nay, chưa có em nào được tặng máy tính từ chương trình. Chúng tôi mong các em vẫn sẽ được tài trợ máy tính để phục vụ việc học, giúp nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường”.
Trường TH Lê Lai trao tặng máy điện thoại trong Chương trình Sóng và máy tính cho em. Ảnh: Hoành Sơn |
Trao đổi với P.V, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định lý giải nguyên nhân sự chậm trễ trong triển khai thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” ở Gia Lai là do liên quan thủ tục về kinh phí, giá máy tính bảng theo khuyến nghị tại Công văn số 3693/BTTTT-CNTT ngày 23-9-2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Thực hiện hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng kinh phí của chương trình và triển khai mua sắm, đấu thầu trang bị máy tính cho các em học sinh từ ngày 1-3-2022. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Đơn cử như theo khuyến nghị tại Công văn số 3693/BTTTT-CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về loại máy tính bảng với cấu hình và mức giá 2,5 triệu đồng/máy thì hiện chưa phổ biến trên thị trường, cũng chưa có địa phương nào thực hiện mua sản phẩm này. Ngay việc xác định kinh phí của chương trình là huy động cá nhân, doanh nghiệp tài trợ hay xác lập quyền sở hữu toàn dân cũng gặp vướng mắc. Bên cạnh đó, việc Sở GĐ-ĐT hay đơn vị khác của tỉnh chịu trách nhiệm mua sắm máy tính cũng chưa rõ. Do đó, thời gian làm các thủ tục theo đúng quy định pháp luật để trình UBND phê duyệt kéo dài.
Cũng theo ông Định, vừa qua, Sở GD-ĐT và Sở Tài chính đã thống nhất đề xuất UBND tỉnh phê duyệt phương án tháo gỡ vướng mắc theo hướng cho phép đổi chủng loại máy tính bảng với cấu hình 10 inch và giảm số lượng trang bị khoảng 2.000 máy do cấu hình, kích thước loại này cao hơn loại đã chọn trước đây. “Chúng tôi đã báo cáo về phương án này và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu để thực hiện mua sắm máy tính cấp cho học sinh trong năm học 2022-2023. Vì mục tiêu của Chương trình “Sóng và máy tính cho em” không chỉ dừng lại ở việc dạy học trực tuyến trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mà còn theo quy định dạy học trực tuyến tối thiểu 20% trong ngành GĐ-ĐT của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030”-Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay.
HOÀNH SƠN