Chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện ngành Giáo dục, trong dịp hè năm nay, nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ được Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai (GD-ĐT) triển khai với sự tham gia của đông đảo cán bộ quản lý và giáo viên các bậc học.

Giờ thực hành môn Thủ công kỹ thuật của lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ bậc tiểu học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai diễn ra khá sôi nổi. Dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga-giảng viên Khoa Vật lý (Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh), các học viên đã cùng nhau thảo luận theo nhóm và phác thảo sơ đồ tư duy trên giấy liên quan đến kiến thức cơ bản về bản vẽ kỹ thuật và quy trình thực hiện thủ công kỹ thuật.

Các học viên lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ bậc tiểu học trong một giờ thực hành. Ảnh: M.T

Các học viên lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ bậc tiểu học trong một giờ thực hành. Ảnh: M.T

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long: Năm nay, Sở GD-ĐT ưu tiên tập trung bồi dưỡng, tập huấn đối với các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học và Công nghệ; đồng thời, chú trọng tập huấn sử dụng sách giáo khoa các môn học và hoạt động các lớp 4, 8, 11. Công tác bồi dưỡng được triển khai trước thềm năm học mới với hình thức tổ chức đa dạng (trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp cả 2 hình thức) tùy theo mục đích, nội dung và yêu cầu của từng nội dung, sao cho mang lại hiệu quả cao nhất.

Thầy Ksor Khơn-giáo viên Trường Tiểu học và THCS Phạm Hồng Thái (xã Ia Tul, huyện Ia Pa) chia sẻ: “Với những giáo viên lớn tuổi như tôi, lớp bồi dưỡng này thật sự rất bổ ích và thiết thực trước yêu cầu đổi mới giáo dục. Qua đây, tôi đã định hình được phương pháp và biết cách vận dụng kiến thức để giảng dạy những nội dung liên quan trong môn Tin học và Công nghệ ở bậc tiểu học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; phát huy tối đa năng lực của học sinh và tạo cho các em sự hứng thú trong học tập”.

Tương tự, thầy Hoàng Bùi Luyện-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Hà Tây (huyện Chư Păh) cho hay: Tin học và Công nghệ là môn học tích hợp ở bậc tiểu học theo chương trình mới từ lớp 3 đến lớp 5. Để có thể dạy được các phân môn này, ngoài sự chủ động của bản thân thì việc tham gia những lớp tập huấn, bồi dưỡng với chúng tôi là rất cần thiết. Qua mỗi học phần, tôi lĩnh hội được nhiều kiến thức mang tính chuyên sâu ở môn Tin học và Công nghệ từ các giảng viên. Đây sẽ là nền tảng giúp tôi có thể đảm trách giảng dạy môn học này trong năm học mới khi trường vẫn chưa được bổ sung giáo viên Tin học.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga, điểm mới của khóa bồi dưỡng là thực hiện theo mô hình kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Tức là, học viên tự bồi dưỡng trên hệ thống học tập trực tuyến (VLE) của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh trước, trong và cả sau khi tham gia bồi dưỡng trực tiếp các học phần trong chương trình với kho học liệu sẵn có. Thời gian bồi dưỡng trên lớp chủ yếu dành để học viên rèn luyện kỹ năng, phương pháp giảng dạy. “Mặc dù những ngày qua, trời liên tục có mưa lớn nhưng học viên tham gia bồi dưỡng rất tích cực, đầy đủ. Đặc biệt, trong quá trình học, các thầy cô luôn hăng say trao đổi và có tính cầu thị cao, tạo không khí lớp học sôi nổi”-Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga đánh giá.

Thầy Ksor Khơn (bìa trái)-Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Phạm Hồng Thái (xã Ia Tul, huyện Ia Pa) cùng hoàn thiện bài tập thực hành nhóm môn Thủ công kỹ thuật tại khóa bồi dưỡng. Ảnh: Mộc Trà

Thầy Ksor Khơn (bìa trái)-Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Phạm Hồng Thái (xã Ia Tul, huyện Ia Pa) cùng hoàn thiện bài tập thực hành nhóm môn Thủ công kỹ thuật tại khóa bồi dưỡng. Ảnh: Mộc Trà

Ông Lê Phan Quốc-Phó Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) thông tin: Khóa bồi dưỡng giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ bậc tiểu học tại Gia Lai diễn ra từ giữa tháng 7 và dự kiến kết thúc vào tháng 9-2023 với sự tham gia của gần 300 cán bộ, giáo viên. Đây là lần thứ 2 Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở GD-ĐT Gia Lai tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên dạy các môn tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trước đó, đội ngũ giảng viên của trường cũng đã bồi dưỡng cho giáo viên dạy 2 môn tích hợp ở bậc THCS gồm: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Các khóa bồi dưỡng nhằm giúp giáo viên thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới ở từng bậc học, nhất là trong dạy liên môn, tích hợp; thấy được tầm quan trọng của việc truyền đạt kiến thức thông qua thực hành, trải nghiệm nhằm phát huy tối đa phẩm chất năng lực học sinh.

Thời điểm này, gần 50 học viên là giáo viên giảng dạy môn Tiếng Anh các trường tiểu học, THCS và THPT trên toàn tỉnh cũng đang tham gia bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ năm 2023 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Lớp bồi dưỡng do Sở GD-ĐT phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) tổ chức từ ngày 3-7 và dự kiến kết thúc vào ngày 15-8 nhằm giúp giáo viên đảm bảo đạt chuẩn theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. “Khóa bồi dưỡng là cơ hội để chúng tôi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là trong bối cảnh toàn tỉnh đang triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình. Hy vọng, tại kỳ thi đánh giá sau khi kết thúc khóa học, tôi có thể nâng cao năng lực ngoại ngữ của mình từ bậc 4 (B2) lên bậc 5 (C1)”-cô Trịnh Thị Hồng Vân-giáo viên Trường THPT Pleiku-bày tỏ.

Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long-cho biết: Ngoài 2 lớp bồi dưỡng trên, trong dịp hè 2023, Sở GD-ĐT cũng đã tổ chức và phối hợp tổ chức 4 lớp tập huấn dành cho cán bộ quản lý, giáo viên, gồm: tập huấn sử dụng sách giáo khoa các môn học và hoạt động lớp 4, lớp 8, lớp 11 và môn Lịch sử lớp 10; tập huấn về kiểm tra, đánh giá học sinh theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20-7-2021 của Bộ GD-ĐT; tập huấn sử dụng Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Gia Lai lớp 8 và lớp 11; tập huấn môn Giáo dục quốc phòng và an ninh. Thời gian đến, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các trường đại học tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý, giáo viên giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên năm học 2023-2024; các khóa bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngoại ngữ cho giáo viên Tiếng Anh các cấp.

Có thể bạn quan tâm

Dù đã về hưu nhưng bà Siu H’Prưng vẫn lưu giữ bằng khen do Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng như một kỷ vật trong quãng đời làm nhà giáo. Ảnh: Vũ Chi

Nhà giáo về hưu: Vẫn một tình yêu da diết với nghề

(GLO)- Dù đã về hưu nhưng tình cảm với trường lớp, với học trò vẫn mãi trong tim các thầy, cô giáo. Lắng nghe chuyện nghề của các nhà giáo đã về hưu tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) giúp ta hiểu thêm về những hy sinh thầm lặng của các thầy cô với sự nghiệp “trồng người”.

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.