Chư Sê: Cần cơ chế để "cất cánh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Chư Sê (Gia Lai) đang nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, để kinh tế-xã hội thực sự “cất cánh”, địa phương này đang rất cần sự hỗ trợ của tỉnh, nhất là về cơ chế chính sách trong triển khai một số nhiệm vụ.



Xứng tầm vùng kinh tế động lực phía Nam

Ông Nguyễn Hồng Linh-Chủ tịch UBND huyện Chư Sê-cho biết: “Thời gian qua, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch đúng hướng. Dự kiến đến năm 2020, tỷ trọng ngành nông-lâm-thủy sản chiếm 33%, công nghiệp-xây dựng 35,2%, dịch vụ 31,8%. Huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phòng-chống dịch bệnh. Ước tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện đạt 32.550 ha, tổng sản lượng lương thực đạt 30.710 tấn, trong đó, sản lượng lương thực có hạt là 18.803 tấn. Diện tích, sản lượng một số cây trồng chủ lực như: hồ tiêu, cà phê, cao su phát triển tương đối ổn định. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 58 triệu đồng/năm”.

Trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm thu ngân sách của huyện đạt 75,5 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 306,88 tỷ đồng. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2-3% và ước đến cuối năm 2020 giảm còn dưới 3%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 100%; tỷ lệ lao động qua đào tạo bình quân đạt 36%/năm; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân là 8,3; số bác sĩ/vạn dân là 3,2.

 Các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khảo sát tiềm năng du lịch thác Phú Cường. Ảnh: H.D
Các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khảo sát tiềm năng du lịch thác Phú Cường. Ảnh: H.D



Đặc biệt, qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Chư Sê đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nếu năm 2011, bình quân mỗi xã chỉ đạt 1,78 tiêu chí thì đến nay là 18,14 tiêu chí/xã. Nhân dân trên địa bàn đã đóng góp hơn 150 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất. Thiết chế văn hóa, trường học, trạm y tế… cũng được quan tâm đầu tư. Nhờ vậy, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện. Hiện toàn huyện có 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Ia Blang, Ia Glai, Al Bá, Ia Hlốp, Ia Pal, Chư Pơng, Bờ Ngoong, Ia Tiêm và xã Dun. Dự kiến tới năm 2020, huyện có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 85,7%.

Cần tạo cơ chế đột phá để phát triển

Nói về tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ông Nguyễn Hồng Hà-Bí thư Huyện ủy Chư Sê-cho biết: “Chư Sê có vị trí địa lý khá thuận lợi, có Khu Công nghiệp Nam Pleiku nằm trên địa bàn và có các nhà máy chế biến cao su, hồ tiêu, tinh bột mì với vùng nguyên liệu rộng lớn. Chư Sê cũng là huyện duy nhất trên cả nước có Siêu thị Co.op Mart, chứng tỏ sức mua ở địa phương rất lớn. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến huyện để triển khai dự án, nhất là điện gió với 15 dự án. Đây cũng là hướng mới để phát triển công nghiệp trên địa bàn. Về nông nghiệp, huyện có chuyên đề phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 6 loại cây và 4 loại con. Hạ tầng của huyện ngày càng hoàn thiện”.

Trong chiến lược phát triển kinh tế, nhất là về nông nghiệp, huyện Chư Sê đều có sự định hướng rõ ràng cho người dân. Cụ thể, về trồng trọt, những loại cây chủ lực huyện sẽ chú trọng phát triển gồm: cây ăn quả có múi, rau củ quả trồng trong nhà màng, nhà lưới, hồ tiêu sạch, dâu tằm, nấm, cây dược liệu. Còn trong chăn nuôi, huyện chú trọng nuôi cá thác lác, heo, gia cầm... Thời điểm này, huyện đang đẩy mạnh phát triển diện tích cây dược liệu, loại cây được kỳ vọng sẽ cho hiệu quả kinh tế cao và có thể nhân rộng. Ông Đoàn Mạnh Thắng-chủ trang trại dược liệu hà thủ ô đỏ (xã Ia Hlốp) cho biết: Trung bình mỗi héc ta hà thủ ô đỏ phải đầu tư 250 triệu đồng, sau 2 năm sẽ thu hoạch 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí cho lợi nhuận trên 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, cây cà gai leo cũng đang được quan tâm phát triển khi đầu tư 150 triệu đồng/ha sẽ cho thu hoạch khoảng 300 triệu đồng.

Tuy có nhiều tiềm năng, thế mạnh song việc phát triển kinh tế-xã hội ở Chư Sê vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Bí thư Huyện ủy Chư Sê cho biết: Theo quy định, các dự án có tổng mức đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống do huyện quyết định, còn từ 11 tỷ đồng trở lên do tỉnh quyết định. Những việc thuộc thẩm quyền của huyện thì được triển khai rất nhanh, nhưng liên quan tới tỉnh lại khá lâu. “Thiết nghĩ, những dự án có mức đầu tư 14-15 tỷ đồng, tỉnh nên mạnh dạn ủy quyền cho địa phương. Hay như thu hút đầu tư, tôi cho rằng đối với các dự án có tiền thuê đất dưới 10 tỷ đồng thì nên phân cấp cho huyện quyết định để triển khai nhanh hơn, tránh tình trạng các doanh nghiệp chán nản”-ông Hà nêu quan điểm..

Mới đây, trong chuyến khảo sát, làm việc với huyện Chư Sê, PGS.TS Trần Đình Thiên-nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ-cho rằng: Để phát triển nhanh và mạnh như kỳ vọng, huyện phải có cách nghĩ khác, cách nhìn khác, như tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đến đầu tư nhiều hơn nữa, phải phát huy cho hết các thế mạnh, tiềm năng, nghiên cứu thay đổi cấu trúc sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, huyện cũng nên có giải pháp hiệu quả để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

 HÀ DUY

 

Có thể bạn quan tâm

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

(GLO)- Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh, số lượng binh sĩ Nga chết và bị thương trung bình hàng ngày trong tháng 11-2024 đã đạt mức cao kỷ lục. Trong khi đó, Ukraine vừa giới thiệu mẫu UAV lai tên lửa có tốc độ lên đến 700 km/giờ và tầm bay 700 km, vượt xa tên lửa do phương Tây cung cấp.

Thanh niên xã Nghĩa An (huyện Kbang) khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Ảnh: M.P

Kbang bảo đảm chất lượng thanh niên lên đường nhập ngũ

(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượn tuyển quân năm 2025, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) huyện Kbang, Gia Lai triển khai đồng bộ quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức khám sơ tuyển sức khỏe NVQS bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, đúng luật.

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.