Chư Pưh: Tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thời gian qua, huyện Chư Pưh đã phối hợp với các doanh nghiệp, ngành chức năng tổ chức nhiều hội thảo về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Từ đó, nhiều mô hình hay đã được người dân lựa chọn để triển khai, từng bước nâng cao thu nhập.
Ông Hoàng Thái Hùng (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú) chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ trong xã chủ yếu trồng hồ tiêu. Cuối năm 2010, tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt xảy ra, cuộc sống của người dân gặp vô vàn khó khăn, có người phải bán nhà trả nợ, có người chuyển sang chăn nuôi nhưng đều thất bại. Nhờ triển khai mô hình chuyển đổi cây trồng của huyện trong những năm trước nên giờ đây kinh tế gia đình tôi đã ổn định, thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. “Trong các mô hình chuyển đổi cây trồng, gia đình tôi chọn trồng mít và bơ. Sau hơn 3 năm chăm sóc, vườn mít cho thu hoạch và đem lại thu nhập khá cao. Mít chủ yếu được bán cho thương lái ở các tỉnh miền Tây Nam bộ và phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Ninh… Sắp tới, gia đình tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng mít và một số cây ăn quả khác”-ông Hùng cho hay.
 Anh Nguyễn Tấn Phúc (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú) chăm sóc vườn cây bonsai của mình. Ảnh: P.N
Anh Nguyễn Tấn Phúc (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú) chăm sóc vườn cây bonsai của mình. Ảnh: P.N
Khác với gia đình ông Hùng, sau khi vườn hồ tiêu bị chết, anh Nguyễn Tấn Phúc (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú) chuyển sang trồng gần 1 ha cây bonsai. Anh Phúc cho biết: “Sau khi hồ tiêu chết hàng loạt, gia đình tôi chuyển đổi sang trồng bơ nhưng thu nhập vẫn chưa ổn định nên tôi quyết định trồng thêm cây bonsai. Giờ đây, thu nhập chính của gia đình tôi là từ cây bonsai, mỗi năm được khoảng 500 triệu đồng, thị trường tiêu thụ cũng rất phong phú từ Nam ra Bắc. Sắp tới, gia đình tôi sẽ tham gia mô hình chuyển đổi cây trồng như trồng sầu riêng xen cà phê theo chủ trương của huyện, vì hiện tại nhiều hộ dân trên địa bàn đã chuyển đổi thành công, có thu nhập cao”.
Tại xã Ia Le, thời gian qua, nhiều hộ nông dân cũng tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Ông Trần Văn Quỵnh (thôn Phú Bình) cho biết: Sau khi mất trắng diện tích hồ tiêu do dịch bệnh, gia đình tôi đã chuyển sang nuôi dê. Lúc đầu, tôi nuôi 10 con. Đến nay, đàn dê đã phát triển lên 40 con. Việc chăn nuôi và chăm sóc được cán bộ thú y hỗ trợ nên tôi cảm thấy yên tâm. Năm qua, từ chăn nuôi dê, tôi thu lãi khoảng 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho biết: “Nhằm khắc phục tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt trong nhiều năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức nhiều hội thảo về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi với sự tham gia của đông đảo người dân trên địa bàn. Thông qua các cuộc hội thảo, chúng tôi nắm bắt nhu cầu của người dân, từ đó vận động họ lựa chọn mô hình phù hợp nhất với điều kiện của gia đình mình. Trong đó, chúng tôi chú trọng các mô hình có tính chất lấy ngắn nuôi dài như: trồng dâu nuôi tằm, trồng bạc hà, mít, bơ, sầu riêng xen cà phê, nuôi dê…”.
Qua các cuộc hội thảo, có 3 doanh nghiệp giới thiệu chính sách đầu tư để bà con liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể: Công ty Dâu tằm tơ Mang Yang đã phối hợp triển khai hội thảo chuyên đề tại 2 xã Chư Don và Ia Hla; Công ty Vĩnh Xuân Gia Lai tổ chức hội thảo liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm chanh dây tại xã Ia Blứ; Hợp tác xã Trường Xuân triển khai hội thảo tại các xã: Ia Hla, Ia Dreng, Ia Rong, Ia Phang… Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã lập kế hoạch triển khai dự án trồng cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP thuộc chương trình “Nông thôn miền núi giai đoạn 2019-2022” do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Theo đó, huyện sẽ trồng 10 ha cam tại xã Ia Le, 5 ha bưởi tại xã Chư Don trong năm 2019; trồng 10 ha cam tại xã Ia Le, 5 ha bưởi tại xã Chư Don trong năm 2020, kinh phí trung ương hỗ trợ là 3,36 tỷ đồng, vốn của huyện đối ứng 3,36 tỷ đồng.
Theo ông Khánh, ngay sau khi hội thảo tại các xã, thị trấn đã có 637 hộ đăng ký chuyển đổi cây trồng với diện tích 229,46 ha. Trong đó, trồng dâu nuôi tằm có 37,3 ha/93 hộ; trồng nhãn 118,8 ha/391 hộ; trồng chanh dây 23,76 ha/49 hộ; trồng cam 21 ha/40 hộ; trồng bưởi 10,5 ha/10 hộ… Còn về chăn nuôi, nuôi heo rừng 580 con/337 hộ; nuôi gà thả vườn 5.510 con/27 hộ. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức nhiều cuộc hội thảo để tuyên truyền, vận động triển khai các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi giúp người dân trên địa bàn huyện tham gia phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững”-ông Khánh cho hay.
 PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.