Chư Pưh: Những thành tựu đáng tự hào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 15 năm thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Chư Sê, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã đoàn kết, chung sức vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Huyện Chư Pưh là cửa ngõ phía Nam của tỉnh Gia Lai, được tách ra từ huyện Chư Sê theo Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 27-8-2009 của Chính phủ. Chư Pưh có quốc lộ 14 đi qua, rất thuận lợi cho việc giao thương vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, địa phương sở hữu quỹ đất đỏ bazan rộng lớn và màu mỡ cùng với khí hậu tương đối thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao với các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả.

Vùng đất này còn hứa hẹn cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến nông-lâm sản, thực phẩm... phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng cơ sở nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các chính sách về ưu đãi và thu hút đầu tư được chính quyền huyện Chư Pưh cụ thể hóa và phát huy trong thực tiễn.

1-chpuh1.jpg
Huyện Chư Pưh đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư nhiều dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Q.T

Bên cạnh đó, huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển năng lượng tái tạo, như: điện gió, điện mặt trời cũng như phát triển chăn nuôi quy mô công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, huyện có lực lượng lao động tại chỗ dồi dào; Nhân dân các dân tộc trong huyện có truyền thống đoàn kết, cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất.

Trải qua hơn 15 năm thành lập, dù gặp nhiều khó khăn, song với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huyện đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng năng suất, chất lượng cũng như giá trị sản phẩm.

Theo đó, huyện đã xây dựng bản đồ thổ nhưỡng ứng dụng kỹ thuật số phục vụ phát triển ngành trồng trọt, từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả các loại…; công tác hỗ trợ sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được chú trọng.

Chăn nuôi tiếp tục phát triển; trong đó, huyện đã thu hút được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư chăn nuôi theo hướng quy mô trang trại, ứng dụng công nghệ cao cũng như chủ động nguồn giống, thức ăn nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, nâng cao giá trị và giải quyết việc làm tại chỗ. Nhờ đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân luôn ở mức khá.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt mức khá. Tổng giá trị sản xuất (theo giá hiện hành) trên 9.855 tỷ đồng, đạt 109% nghị quyết. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; trong đó, tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm 45,07%, công nghiệp-xây dựng chiếm 32,14%, thương mại-dịch vụ chiếm 22,79%. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã chuyển đổi hơn 1.619 ha hồ tiêu bị chết và hoa màu kém hiệu quả sang cây trồng khác.

Đồng thời, hình thành 6 vùng chuyên canh cây sầu riêng, cà phê, hồ tiêu với tổng diện tích 354 ha; xây dựng 13 mã số vùng trồng, 14 chuỗi liên kết sản xuất và 18 sản phẩm OCOP... Giá trị kinh tế bình quân đạt 102,9 triệu đồng/ha, tăng 10,64 triệu đồng/ha so với năm 2020.

Cùng với đó, huyện tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao quy mô lớn với 28.700 con/chu kỳ nuôi.

5t.jpg
Huyện Chư Pưh cũng làm tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị sản xuất. Ảnh: Q.T

Đặc biệt, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi gia súc. Trong giai đoạn 2019-2024, huyện đã thu hút hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

Đến nay, huyện đã thu hút được 3 dự án điện gió gồm: Nhơn Hòa 1, Nhơn Hòa 2 và Ia Le 1 với tổng công suất 200 MW; có hơn 170 doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh điện mặt trời áp mái với tổng công suất hơn 100 MW; sản lượng điện hàng năm đạt 897,902 triệu kWh với tổng giá trị 1.332 tỷ đồng.

Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo các phòng ban, đơn vị, địa phương liên quan làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bàn giao đất trên thực địa cho Công ty cổ phần Điện gió Nhơn Hòa 1 triển khai công trình trạm biến áp 500 kV Nhơn Hòa và đường dây 500 kV đấu nối (giai đoạn 2 của Nhà máy Điện gió Nhơn Hòa 1) với tổng kinh phí 1.330 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng thời, phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Chư Pưh ngày càng giàu đẹp. Đến nay, toàn huyện có 6/8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 17 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2024 đạt 61,92 triệu đồng, tăng gần 4,9 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo những ngày mới thành lập chiếm gần 40% thì nay chỉ còn dưới 10% và dự kiến đến cuối năm 2025 còn 4,76%.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển về quy mô trường lớp. Toàn huyện hiện có 32 trường học; trong đó, đã xây dựng được 23 trường chuẩn quốc gia (tăng 18 trường so với năm 2010). Hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phong phú, đa dạng; cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể dục thể thao được quan tâm đầu tư, rà soát sửa chữa hệ thống đài truyền thanh không dây tại các xã, thị trấn và đã phát huy hiệu quả.

Mạng lưới y tế không ngừng được đầu tư nâng cấp từ huyện đến cơ sở; Trung tâm Y tế huyện được đầu tư xây dựng với quy mô 80 giường bệnh, tạo điều kiện cho người dân đến khám-chữa bệnh và phòng ngừa dịch bệnh. Quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

3t-3552.jpg
Đời sống người dân từng bước được nâng lên. Ảnh: Q.T

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Bên cạnh những kết quả đáng tự hào, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của huyện Chư Pưh trong hơn 15 năm qua vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc huyện phải tiếp tục nỗ lực để vượt qua.

Cụ thể, kinh tế-xã hội chưa phát triển tương xứng với những tiềm năng, lợi thế của địa phương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng nhưng còn chậm; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tại các xã, vùng khó khăn chưa được đầu tư đúng mức; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững, chưa đảm bảo sự ổn định trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. An ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền còn một số mặt hạn chế; cải cách hành chính có lúc còn chậm…

2t-chu-puh-ngay-cang-phat-trien-ve-moi-mat.jpg
Huyện Chư Pưh ngày càng phát triển về mọi mặt. Ảnh: Q.T

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân, nhận diện thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp tục đoàn kết, đề ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm khơi thông nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương ổn định và bền vững.

Theo đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, quan điểm, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng để vận dụng và cụ thể hóa thành những kế hoạch, chương trình hành động với những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Đồng thời, đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp phát triển theo chiều sâu (thâm canh, chuyên canh), tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với nhà máy chế biến và thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, tập trung chuyển đổi các diện tích kém hiệu quả sang phát triển cây ăn quả, cây dược liệu, rau, hoa; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp đảm bảo môi trường mang lại giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, trong quá trình phát triển, huyện luôn nhất quán lấy doanh nghiệp, hợp tác xã là trụ cột cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Do đó, huyện tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, hợp tác xã để cùng tháo gỡ hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, rào cản một cách nhanh chóng, kịp thời.

Chú trọng công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, nhất là đầu tư điện năng lượng tái tạo, nhà máy chế biến, phát triển du lịch cộng đồng…

4t-ha-tang-co-so-duoc-quan-tam-dau-tu.jpg
Hạ tầng cơ sở tại Chư Pưh được quan tâm đầu tư. Ảnh: Q.T

Để đảm bảo các công trình, dự án đầu tư công, nhất là hạ tầng giao thông có tính kết nối cũng như các dự án thu hút đầu tư triển khai kịp thời, đúng tiến độ, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

Quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, cũng như bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch sinh thái, canh nông, du lịch cộng đồng theo chuỗi hồ thủy lợi Plei Thơ Ga, thác Ia Nhí và núi Chư Don…

Tăng cường đầu tư và huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục, y tế, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, bảo vệ môi trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho Nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân.

Có thể bạn quan tâm

Sở Y tế tỉnh Gia Lai trao tiền hỗ trợ em Nêu

Sở Y tế tỉnh Gia Lai trao tiền hỗ trợ em Nêu

(GLO)- Chiều 28-4, đoàn công tác của Sở Y tế tỉnh Gia Lai do Phó Giám đốc Ksor Hiền-Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh làm trưởng đoàn đến thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ cho em Nêu (SN 2018, làng Kol, xã Trang, huyện Đak Đoa) mồ côi cả cha và mẹ.

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

(GLO)- Giữa bạt ngàn đồi núi Tây Nguyên, Pleiku hiện lên như một viên ngọc thô đang dần được mài giũa. Không ồn ào náo nhiệt như TP. Hồ Chí Minh hay cổ kính, trầm mặc như Huế… song Pleiku lại có một sức hút riêng, khiến bất kỳ ai đã đến đây đều không thể quên.

Gia Lai: Bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết trong năm 2025

Gia Lai: Bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết trong năm 2025

(GLO)- Ngày 25-4, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-Ttg ngày 25-3-2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Trong đó có việc bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết trong năm 2025.

Lữ đoàn Pháo binh 368 hỗ trợ xã Nghĩa An 1.120 công lao động xóa nhà tạm, nhà dột nát

Lữ đoàn Pháo binh 368 hỗ trợ xã Nghĩa An 1.120 công lao động xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Chiều 17-4, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát xã Nghĩa An (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả phối hợp hỗ trợ địa phương thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Lữ đoàn Pháo binh 368 (Quân khu 5).